Thiên Hà
Photo Credit: RFI
Việt Nam – Cali Today News – Cùng với những vấn đề “nóng bỏng” của xã hội thì tình hình Biển Đông mấy ngày qua cũng là một trong những vấn đề được dư luận Việt Nam quan tâm nhiều nhất. Đặc biệt là những chia sẻ đa chiều của giới trí thức Việt Nam, họ lo lắng trước mộng bành trướng Trung Cộng ngày càng mạnh mẽ, hung hăng khiến công cuộc bảo vệ và thực hiện mục tiêu đòi lại phần lãnh thổ, lãnh hải bị ngoại bang cưỡng chiếm ngày càng khó khăn nếu không muốn nói là quá xa vời…
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Trung Cộng ra thông báo về việc thực thi phi pháp của cái gọi là “Tuyên bố tạm ngừng đánh bắt cá ở Biển Đông” năm 2018, thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2018, tức là khoảng hơn ba tháng. Đây là tuyên bố mà phía Trung Cộng áp dụng từ khoảng năm 1999-2000 đến nay.
Trả lời báo đài trong nước vào ngày 8/5/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bày tỏ hết sức quan ngại mọi hoạt động quân sự hóa Biển Đông, bao gồm cả việc Trung Cộng bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực…
Trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối “Tuyên bố tạm ngừng đánh bắt cá ở Biển Đông” năm 2018 do phía Bộ Nông nghiệp Trung Cộng đưa ra và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố ven biển nói tuyên bố trên của phía Trung Cộng đưa ra là không có giá trị, đề nghị các tỉnh, thành phố động viên ngư dân bám biển, sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng đưa khí tài quân sự ra biển Đông cũng như việc họ đẩy mạnh xây dựng, trang bị và củng cố những công sự trên những thực thể mà họ đã cưỡng chiếm phi pháp từ sự quản lý của những nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Đối với động thái Trung Cộng triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không ra ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2018 mà báo đài quốc tế đưa tin, một số trí thức Việt Nam nói động thái này Trung Cộng không chỉ nhằm mục đích bảo vệ những gì họ chiếm đóng, đẩy mạnh hơn nữa vấn đề quân sự hóa Biển Đông mà nó còn diễn ra ngay tại thời điểm “nhạy cảm” khi phía Trung Cộng cùng lúc thực hiện “Tuyên bố tạm ngừng đánh bắt cá ở Biển Đông” năm 2018, đây là khoảng thời gian biểu hiện rõ nhất về việc các tàu cá của ngư dân Việt Nam và của các nước trong khu vực luôn bị phía tàu Trung Cộng dưới sự bảo vệ tàu vũ trang của Trung Cộng hung hăng đâm vỡ, tịch thu tài sản, bắt bớ và đánh dập ngư dân các nước, gây thiệt hại kinh tế nói chung và ngành ngư nghiệp nói riêng của các nước.
Trung Cộng đang công khai thách thức những tuyên bố của các nước trong việc gìn giữ hòa bình Biển Đông, thách thức Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Cộng và ASEAN. Trung Cộng muốn thể hiện cho quốc tế và Hoa Kỳ-Phương Tây biết vị thế của họ tại Biển Đông, họ muốn dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để ép buộc các nước trong khu vực chấp nhận những yêu sách vô lý mà họ đưa ra.
Việt Nam trong mắt quốc tế không chỉ là một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên mà còn là một đất nước có vị trí địa lý chiến lược quốc phòng vô cùng quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á, Châu Á và cả thế giới. Rất nhiều cường quốc trên thế giới nhòm ngó và muốn chiếm lấy Việt Nam mà rõ nhất ở đây là Trung Cộng. Trung Cộng đang có những hành động cho thấy họ đang từng bước muốn thôn tính Việt Nam cả về mặt quân sự lẫn kinh tế. Trung Cộng đã cưỡng chiếm quần đảo Hòang Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào những năm 1974, 1988 bằng vũ lực.
Trước hành động ngày càng hung hăng, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình quốc tế của nhà cầm quyền Trung Cộng, Việt Nam liên tiếp phản đối bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, trong những ngày qua và đặc biệt là giới trí thức quan tâm tình hình Việt Nam qua chiến sự Biển Đông đã băn khoăn đặt câu hỏi không lẽ Việt Nam chỉ phản đối bằng con đường ngoại giao như vậy thì Trung Cộng sẽ chấp nhận chung sống hòa bình và trả lại phần chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đã chiếm cứ của Việt Nam?
Rất nhiều ý kiến nói Việt Nam nên mở lời kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế mà cụ thể ở đây là Cơ quan quyền lực cao nhất thế giới Liên Hiệp Quốc can thiệp với nhà cầm quyền Trung Cộng, gìn giữ nền hòa bình Biển Đông, tức là góp phần gìn giữ hòa bình chung cho cả thế giới. Ý kiến này nhanh chóng bị một số nhà trí thức Việt Nam bác bỏ bởi nó khó thành hiện thực, Trung Cộng là một trong năm nước có quyền phủ quyết cao nhất tại cơ quan Liên Hiệp Quốc đó là chưa kể đến mối liên minh của họ với Nga, cũng là một trong năm nước có quyền phủ quyết cao nhất ở cơ quan Liên Hiệp Quốc. Liên minh Nga-Trung Cộng đối chọi lại liên minh Hoa Kỳ- Anh- Pháp trong nhiều năm qua ở cơ quan Liên Hiệp Quốc đã cho dư luận thế giới thấy một cục diện hỗn độn, khó giải quyết vấn đề trực thuộc chủ quyền quốc gia. Vì vậy, giờ Việt Nam có đưa vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề đòi chủ quyền Hoàng- Trường Sa ra nhờ cơ quan Liên Hiệp Quốc thì cũng sẽ bị Trung Cộng dùng quyền phủ quyết, bác bỏ ngay. Trên phương diện quốc tế, đây rõ là một sự thua thiệt của Việt Nam.
Tại sao Việt Nam không liên minh với Hoa Kỳ-Phương Tây để tăng cường sức mạnh đối trọng lại Trung Cộng, một thế lực quân sự và kinh tế đang lên rất đáng gờm? Đã có một số nhà trí thức Việt Nam cho rằng không nên đặt sự tin tưởng vào Hoa Kỳ, nói đến Hoa Kỳ là nói đến đường lối “nước Hoa Kỳ không có đồng minh và kẻ thủ vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu”. Bằng chứng là Hoa Kỳ từng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, một chính thể của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và gần đây nhất có thể là Philippines, đồng minh quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ có thực lòng giúp đỡ và bảo vệ đồng minh Philippines trong cuộc tranh chấp giữa Philippines với Trung Cộng xung quanh bãi cạn Scarboroungh/Hoàng Nham hay không? Kết quả cuối cùng là từ tháng 6/2012 cho đến hiện tại, Trung Cộng đang duy trì sự kiểm soát tại bãi cạn Scarborough. Đó là chưa nói trong bối cảnh thế giới hiện tại, Hoa Kỳ đang can thiệp quân sự vào nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới, còn Trung Cộng đang vươn lên và hầu như tập trung sức mạnh quân sự tại Châu Á cho nên Hoa Kỳ cũng không muốn đụng độ với Trung Cộng.
Kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam rõ ràng đang thua kém Trung Cộng, như vậy Việt Nam phải làm gì để bảo vệ và thực hiện mục tiêu đòi lại phần lãnh thổ, lãnh hải đã bị cướp mất từ tay Trung Cộng? Câu trả lời của nhiều trí thức Việt Nam xét về tình hình hiện tại là quá khó và quá xa vời để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu này.
Trên đây là những gì người viết ghi chép lại một vài chia sẻ của một số nhà trí thức Việt Nam trong một cuộc nói chuyện.
T.H.