Cái gốc của “Câu chuyện Thủ Thiêm”

Trần Đức Anh Sơn

1. Năm 2013, tôi được lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng giao nhiệm vụ tham gia góp ý cho dự thảo Hiến pháp và dự thảo Luật đất đai, đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013.

Theo đó, tôi phải nghiên cứu 2 dự thảo này trong nhiều ngày, rồi viết 2 bản góp ý để gửi lãnh đạo Viện và cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Mỗi bản góp ý của tôi dài khoảng 5-6 trang, góp ý, bổ sung, phản biện nhiều điều trong 2 dự thảo trên. Trong đó có những điều liên quan đến SỞ HỮU ĐẤT ĐAI và THU HỒI ĐẤT ĐAI.
– Trong bản góp ý dự thảo Hiến pháp mà tôi còn lưu trong laptop, đối với 2 vấn đề trên, tôi viết như sau:

“Hiến pháp cần quy định về việc sở hữu đất đai theo hướng ĐA SỞ HỮU, trong đó phải thừa nhận SỞ HỮU TƯ về đất đai của người dân. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, hạn chế nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đang gây ra những hậu quả nhiều mặt cho xã hội hiện nay. Ngoài ra, Hiến pháp phải ghi nhận nguyên tắc về THU HỒI ĐẤT. Cụ thể, để đảm bảo quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi, đề nghị bổ sung một số nguyên tắc về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vào Hiến pháp. Đồng thời, cần bổ sung vào Hiến pháp nguyên tắc Nhà nước bảo đảm các quyền của người sử dụng đất, để người dân yên tâm khai thác, sử dụng đất một cách có hiệu quả; quy định trách nhiệm đăng ký đất đai của tất cả những người sử dụng đất vào Hiến pháp.

– Trong bản góp ý với dự thảo Luật đất đai, sau này được Quốc hội thông qua trở thành Luật đất đai năm 2013, tôi viết như sau:

“Dự thảo Luật đất đai ghi: Điều 4. Sở hữu đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Tôi đề nghị sửa lại như sau: “Điều 4. Sở hữu đất đai: Đất đai thuộc ĐA SỞ HỮU, bao gồm: SỞ HỮU NHÀ NƯỚC, SỞ HỮU TẬP THỂ và SỞ HỮU TƯ”. Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai là tài sản của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý. Còn tập thể và cá nhân là chủ sở hữu những đất đai thuộc tập thể và cá nhân có được do quá trình khai phá, thừa kế, mua bán, chuyển nhượng. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai thuộc tất cả các loại hình sở hữu thông qua hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai.
Tôi cũng đề nghị Luật đất đai phải thừa nhận QUYỀN TÀI SẢN của đất đai đang được sử dụng. Bởi lẽ, đang tồn tại một thực tế là quyền sử dụng đất đai đang được thừa kế, mua bán, chuyển nhượng với giá trị lớn, thậm chí rất lớn, giống như một loại TÀI SẢN.

Tôi cũng đề nghị đối với việc THU HỒI ĐẤT (sau này là điều 16 trong Luật đất đai năm 2013), thì Luật đất đai cần quy định: “chỉ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia hoặc đối với người sử dụng đất vi phạm pháp luật”. Còn đối với các dự án kinh tế, thương mại thì KHÔNG ĐƯỢC THU HỒI mà phải TRƯNG MUA, theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.
v.v. và v.v.

Tuy nhiên, về sau khi đọc lại toàn văn Hiến pháp và Luật đất đai đã được Quốc hội thông qua năm 2013, thì tôi thấy những điều mà tôi (và tôi tin là cũng có những ý kiến khác giống như tôi) đã trăn trở, suy nghĩ và viết ra, đã đi thẳng vào thùng rác.

2. Khoảng đầu năm 2014, có một đoàn cán bộ cấp cao của một Viện nghiên cứu nào đó thuộc Trung ương Đảng hay Quốc hội gì đó (tôi không nhớ rõ) đến Đà Nẵng tổ chức một hội nghị, gọi là “lấy ý kiến của trí thức Đà Nẵng đối với một số vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Tôi cũng được/bị yêu cầu tham gia hội nghị này.

Tại hội nghị, tôi không chuẩn bị văn bản, vì không muốn phát biểu, góp ý gì nữa cả. Tuy nhiên, sau cùng tôi vẫn bị chủ tọa hội nghị gọi tên và yêu cầu phát biểu. Bất đắc dĩ, tôi đã phát biểu, đại ý như sau: Tôi đã nhiều lần phát biểu ở nhiều diễn đàn, đã góp ý bằng văn bản về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước để gửi đến các cấp, tổ chức theo yêu cầu của lãnh đạo, nhưng những ý kiến của tôi, cũng như của nhiều vị nhân sĩ, trí thức nói chung đã không được quan tâm. Vì thế, hôm nay tôi không muốn phí lời nữa. Xin hết”.

Khi tôi nói xong, một ông cán bộ trong cái đoàn cán bộ cao cấp đó đã nói (đại ý): “Xin đại biểu vừa phát biểu hãy bình tĩnh. Không phải tất cả những góp ý của quý vị trí thức đều không được lắng nghe, ghi nhận. Tùy tình hình, tùy thời điểm, tùy vấn đề, thì lãnh đạo trung ương đã và sẽ có tiếp thu và lắng nghe một cách phù hợp. Mong đại biểu cứ phát biểu hết ý của mình, chúng tôi sẽ ghi chép, ghi âm và viết thành báo cáo trình lên trên”.

Nghe vậy, thì tôi nói tiếp: “Vậy thì tôi xin phát biểu một lần chót như thế này: đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hãy sửa lại vấn đề quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp và Luật đất đai, bằng cách công nhận đất đai là đa sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư. Hãy bỏ câu “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, vì đây chính là cội nguồn đã sinh ra nạn tham nhũng đất đai, vì những kẻ được ủy quyền (ai ủy quyền thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là nhân dân không ủy quyền) đại diện sở hữu và quản lý đất đai đó, đã lạm quyền, để chiếm đoạt đất đai không phải của họ, gây ra tình trạng người dân mất đất, mất sinh kế, mất nơi cư ngụ và bị bần cùng hóa. Đó cũng là cội nguồn của những khiếu kiện và sự bất ổn xã hội ngày nay. Tôi cũng đề nghị loại bỏ những điều khoản mơ hồ trong Luật đất đai như “thu hồi đất đai vì các dự án phát triển kinh tế, thương mại”, “vì lợi ích công cộng”… Vì đó là nguồn cội của việc lấy đất của người dân, đền bù với giá rẻ mạt, rồi giao cho các tập đoàn tư nhân bán lại với giá cao gấp hàng trăm lần. Chúng tôi, những người dân miền Trung, là con cháu của những thế hệ di dân từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, di cư vào đây từ hàng trăm năm trước. Tổ tiên chúng tôi đã đối mặt với bao hiểm nguy để khai hoang, lập ấp, tạo nên những thửa đất để ở, canh tác, kiếm sống và trao truyền cho con cháu như là tài sản thừa kế từ đời này sang đời khác, tạo nên những làng mạc, thôn ấp, mở mang bờ cõi quốc gia. Cha ông chúng tôi đã đổ xương máu để làm cách mạng, giành độc lập dân tộc, cũng chỉ bảo vệ mảnh đất tổ tiên truyền lại đó. Vậy mà vào một ngày nọ, có những người tự xưng là cộng sản, vốn những người đã được cha ông chúng tôi ủng hộ, đi theo và che chở trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành được thắng lợi hôm nay, lại văn bản tuyên bố mảnh đất mà cha ông chúng tôi đã đổ mồ hôi, xương máu để có được và đã gìn giữ hàng trăm năm nay, là thuộc “sở hữu toàn dân” và do họ đại diện quản lý. Để rồi, lúc nào cần thu hồi thì họ thu hồi, đền bù cho chúng tôi với giá rẻ mạt, rồi lại sang tay cho những tập đoàn kinh tế bán lại cho chính con cháu của những người đi mở đất đó với giá cao hàng trăm lần. Vậy thì người dân phải đứng lên đấu tranh để chống lại sự bất công đó, vì họ không còn đường nào khác. Nếu không chống lại sự bất công này thì họ đã phản bội tổ tiên của mình, phản bội đất nước, mà cụ thể là phản bội chính mảnh đất mà tổ tiên đã trao truyền cho họ. Phải chống lại sự bất công này mới là yêu nước. Tôi chỉ nói được như vậy. Mong các anh ghi nhận rồi báo cáo lên trên”.
Tất nhiên, sau hội nghị thì mọi chuyện lại yên lặng, im lìm và “nothing’s gonna change their love for land”.

3. Câu chuyện “dân oan mất đất” ở Thủ Thiêm, đã khiến họ đau đớn, cực nhục, oán hận trong suốt 20 năm qua không phải là duy nhất. Đã, đang và sẽ có hàng vạn vụ Thủ Thiêm khác diễn ra ở khắp mảnh đất hình chữ S này. Tất cả chỉ vì cái việc xác định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, và bị những kẻ đại diện cho “quyền sở hữu đó” ăn cướp để chia chác và bán cho những nhóm lợi ích.

Chúng chính là kẻ cướp.

Những kẻ cướp được cấp license để cướp.

(Viết nhân vụ Thủ Thiêm)

T.Đ.A.S.
Nguồn:
https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10210084576865535

This entry was posted in Cưỡng chế, tham nhũng, Thủ Thiêm, Tố Cáo. Bookmark the permalink.