Tại sao và tại sao: những nước độc tài thích số liệu thống kê phát triển?

Phương Thảo (dịch)

(Nguồn Newrepublic)

 

Dữ liệu do các Chính phủ độc tài (trong đó không loại trừ CP Việt Nam) đưa ra, nhiều khi được biến thành chỉ số “đáng tin cậy nhất” trên thế giới vì nó được các Tổ chức như UNDP, WB sử dụng vào các báo cáo. Thế rồi, như ở vòng xoay trên chiếc đèn cù, nó lại được các nhà ‘tuyên giáo tài ba’ của các nước đó phát lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền lại cho nhân dân của họ để tăng thêm niềm “lạc quan tin tưởng” vào chế độ(!). Thật cười ra nước mắt!

Bauxite Việt Nam.

 Việc trao đổi ở Tổ chức các quốc gia châu Mỹ thường không được biết phổ biến trên YouTube. Nhưng khi Bộ trưởng Ngoại giao Honduras đề cập đến cuộc đàn áp giới bất đồng của Venezuela vào mùa hè năm ngoái, thì đại diện Venezuela bà Delcy Rodríguez đã tạo được sự chú ý bất ngờ với việc trích dẫn để bác bỏ chỉ số phát triển con người năm 2016 của Liên Hiệp Quốc, xếp hạng Venezuela 59 điểm cao hơn Honduras. Đàn áp hay không, “Venezuela không thể hiện những thống kê đáng sợ như vậy”, bà nói trong một cuộc trao đổi được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông xã hội tiếng Tây Ban Nha. Đó là một thắng lợi cho chế độ Maduro, và chiến thắng đó có được là do tin cậy dữ liệu của U.N.

Đối với những người hoạt động thúc đẩy nhân quyền, chuyện như vậy đang trở nên quen thuộc. Từ những sáng kiến ​​phát triển của Jeffrey Sachs và Bill Gates, đến các quan hệ đối tác chuyên quyền của Tony Blair hoặc chính thể chuyên chế vượt qua Trung Quốc của Tom Friedman trên tờ The New York Times, hai thập kỷ qua đã chứng kiến việc những mối quan tâm chính trị liên tục bị thống kê phát triển bỏ qua. Sự phòng thủ cổ điển của chế độ độc tài là ở chỗ không có những giới hạn phức tạp từ tự do bầu cử , tự do báo chí và tự do biểu tình, những kẻ chuyên quyền có thể nhanh chóng phá bỏ các thành phố cũ để xây dựng những thành phố mới, xây đập nước ngăn sông để cung cấp điện và làm cho hàng triệu người thoát nghèo.

Vấn đề trong việc sử dụng số liệu thống kê để ca ngợi chế độ chuyên chế nằm ở chỗ gần như không thể thu thập dữ liệu có thể kiểm chứng trong các xã hội khép kín. Từ Ethiopia cho đến Kazakhstan, dữ liệu ‘chứng minh’ rằng một chế độ độc tài đang hoạt động tốt lại thường được do chính những chế độ đó đưa ra.

Một số ít các tổ chức thống trị ngành thu thập số liệu thống kê toàn cầu, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Mỗi tổ chức này tiến hành các cuộc khảo sát kinh tế xã hội quy mô lớn, khi các nhà nghiên cứu muốn đưa vào càng nhiều quốc gia càng tốt. Tuy nhiên, nhiều nước trong số này – 93 quốc gia trong số đó, gồm gần 4 tỷ người, theo Tổ chức Nhân quyền – được cai trị bởi các chế độ độc tài vốn thường ngăn chặn các nhà điều tra công minh xâm nhập vào nước họ. Thông thường, người thu thập dữ liệu buộc phải làm việc với những nhân vật có sự ảnh hưởng lớn.

Đối với Bahrain, Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận được hầu hết các dữ liệu từ các cuộc điều tra do các quan chức chính phủ thuộc Hội đồng Phát triển Kinh tế Bahrain thực hiện và gởi kết quả về Geneva. Trong phân tích của WEF vào thời điểm đó, người ngoài có thể bị loại hoặc bỏ ra khỏi mô hình dữ liệu, nhưng các con số cơ bản vẫn hoàn toàn là sự sáng tạo của chế độ độc tài.

Trong trường hợp Cuba, Đại diện của UNESCO nói rằng họ sử dụng các số liệu của chính phủ về giáo dục để biên soạn báo cáo. Họ không có xác minh thực địa về các số liệu thường gây phấn khích này. Trong khi đó, một cựu quan chức ngân khố Uzbekistan nói rằng các chuyến công tác của các nhà thu thập dữ liệu quốc tế đã được dàn xếp rất chu đáo, và rằng chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát các kết quả khảo sát.

Khi các cuộc khảo sát không diễn ra theo dự tính, các nhà độc tài có thể đơn giản loại bỏ việc điều tra. Khi được tôi liên lạc để phỏng vấn về Tổ chức Nhân quyền, Giám đốc Jon Clifton của tổ chức điều tra Gallup World Poll nhắc lại thời điểm thiết bị của họ bị tịch thu tại sân bay khi xuất cảnh, sau khi các nhà nghiên cứu của công ty ông thu thập dữ liệu ở một nước châu Phi.

Tuy nhiên, không một quốc nào nào muốn họ bị bỏ trống trên bản đồ thế giới. “Cuối cùng, các tổ chức cần sản xuất một loại dữ liệu nào đó”, Clifton nói. “Ngay cả khi đó không phải là những số liệu tốt, họ vẫn cần dữ liệu.”

Nhưng các báo cáo phát triển sử dụng những con số như vậy cũng tạo ra tính chính danh về mặt thể chế, về nhiều mặt điều đó có thể ảnh hưởng đến các quyết định lớn về viện trợ và thương mại. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới nói riêng, theo một nghiên cứu năm 2012, được quảng bá trên các phương tiện truyền thông như một kim chỉ nam có uy tín cho đầu tư toàn cầu, và truyền cảm hứng cho cải cách khi các quốc gia tìm cách leo cao hơn trên bảng xếp hạng. Các con số của UNESCO được đưa vào Báo cáo Phát triển Thế giới (World Bank) và Chỉ số Phát triển Con người (UNDP), theo UNESCO là để “đạt được tiến bộ trong các mục tiêu quốc gia và quốc tế.” Những phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững vốn hướng dẫn và truyền cảm hứng cho những người nuôi tham vọng cải cách và tác động đến các nhà đầu tư trên khắp hành tinh – được đo đạc bằng dữ liệu của UNESCO. Thống kê được nhiều chính phủ độc tài chuyển trực tiếp đến UNESCO và sau đó đưa vào báo cáo Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Một khi dữ liệu do các chính phủ đưa ra được biến thành các chỉ số đáng tin cậy nhất trên thế giới, những kẻ độc tài và những người ủng hộ vô tình đã sử dụng những con số này cho việc tuyên truyền vốn cản trở nỗ lực thúc đẩy nhân quyền.

Khi thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi qua đời vào năm 2012, Bill Gates đã viện dẫn lời khen ngợi của phương Tây dành cho những nỗ lực phát triển của Zenawi, ca ngợi việc Zenawi giúp hàng triệu người thoát nghèo và phớt lờ sự kiểm duyệt gần như toàn diện hoặc việc tàn sát hàng trăm người biểu tình. Tờ The Economist và The New York Review of Books đã vạch ra rằng chế độ Ethiopia chế tác ra các con số thống kê phát triển.

Cách đó nửa bán cầu, ở Venezuela, Hugo Chávez đã xây dựng danh tiếng toàn cầu với tư cách là chủ tịch nhân dân, tự hào khoe số liệu thống kê cho thấy chính quyền của ông ta đã giảm được 50% đói nghèo. Vào năm 2014, người kế nhiệm Nicolás Maduro đã biện minh cho việc đàn áp những người bất đồng – tra tấn và bắt cóc những sinh viên biểu tình – bằng việc viện dẫn số liệu cho thấy chế độ của ông “giảm bất bình đẳng”, “giảm nghèo đói” và “cải thiện cuộc sống của công dân khắp nơi”. Ủy ban Kinh tế Hoa Kỳ vùng Mỹ La tinh và Caribe lại sử dụng dữ liệu đó vào Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ – những dữ liệu vốn đến trực tiếp từ các nhà thống kê riêng của chính phủ(!).

Tại Azerbaijan, chế độ độc tài của Ilham Aliyev đã sử dụng dữ liệu tăng trưởng kinh tế để thuyết phục thế giới rằng họ là một chính phủ phát triển mạnh, có hiệu quả với môi trường đầu tư mạnh mẽ. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã tạo cho chính quyền Azeri cơ sở để bàn về thành công tài chính – các số liệu đó được sử dụng để xoá sạch các vi phạm khác, từ việc bắt giam các nhà bất đồng chính kiến đến hành vi trộm cắp tiền tỷ.

Các hành vi vi phạm nhân quyền của độc tài Paul Kagame ở Rwanda là không thể đếm xuể: ám sát các nhà báo độc lập, tài trợ cho các đội quân tử thần trong rừng già Congo, sử dụng các sát thủ quốc tế và bắt giam các đối thủ chính trị. Bất chấp tất cả những điều này, những người ủng hộ ông ta như Bill Clinton hay Jeffrey Sachs đã không ngừng khen ngợi về tài năng lãnh đạo và thành công kinh tế nước này. Khi Kagame “thắng” với 99% phiếu bầu tổng thống cách đây vài tháng, cộng đồng quốc tế nhanh chóng nghi ngờ các dữ liệu chính trị đó. Nhưng tỷ lệ biết đọc/ biết viết, tuổi thọ và các con số tăng trưởng kinh tế của Rwanda lại tiếp tục được chấp nhận.

Sự thiếu hoài nghi gần như phổ biến toàn cầu này thật khó để giải thích, đặc biệt là vì vấn đề này không mới. Năm 1987, hai nhà kinh tế Liên Xô đã đưa một bài báo có nhan đề Lukavaya Tsifra (“Những con số xảo quyệt”) đã vạch ra rằng: con số “những năm 1928 và 1985, GDP của Liên Xô đã tăng hơn mười lần”- theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Trung ương của chính phủ – “chính thức” đã bị giả mạo để che giấu những thống khổ của con người.

Năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Bucknell so sánh hình ảnh vệ tinh ban đêm (một phương pháp sử dùng vệ tinh để theo dõi và ghi lại ánh sáng vào ban đêm, qua đó gián tiếp cho thấy chỉ số phản ánh thể trạng nền kinh tế) với báo cáo tăng trưởng GDP, đã cho biết, chế độ độc tài thường thêu dệt sự tăng trưởng kinh tế nhiều hơn rất nhiều so với các chế độ dân chủ. 

Khi được các trường đại học và các viện nghiên cứu sử dụng, các bộ dữ liệu kinh tế xã hội đưa ra sự hướng dẫn các kiến thức cơ bản về thế giới. Khi được các nhà hoạch định chính sách, các nhà từ thiện và ngân hàng sử dụng, họ huy động hàng tỷ đô la viện trợ và đầu tư. Thông thường, lý do dữ liệu từ các nhà độc tài vẫn không bị nghi vấn là do rất nhiều nhà kinh tế, tài chính, nhà ngoại giao và nhà tài trợ dựa vào đó để thực hiện công việc của họ.

Nếu không có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc và chất lượng của dữ liệu kinh tế xã hội, thì thực tế nghiệt ngã của chế độ độc tài thường bị khoả lấp. Ngoài ra, trí thức và các nhà lãnh đạo thế giới có thể làm tốt hơn cái việc tôn thờ các con số phát triển, nên coi việc quan tâm về nhân quyền mới là quan trọng.

Xét cho cùng, ngay cả khi dữ liệu đằng sau 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ có thể được xác minh, thì chúng có ý nghĩa gì nếu không có ai đề cập đến những từ như quyền con người, tự do dân sự, hoặc dân chủ – thậm chí chỉ một lần? Các con số không phải lúc nào cũng đơn giản hoặc trung tính như người ta vẫn nghĩ.

P.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Sử Liệu. Bookmark the permalink.