Hải sản bị nhiễm kim loại nặng: nguyên nhân từ đâu?

Đăng Nguyễn

(TBKTSG) – Theo thông tin trên Lao Động Online, ngày 5-4-2018, tại “Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác”, ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm – thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: “Trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là Liên hiệp châu Âu (EU) tăng gấp 2 lần so với năm 2016, tăng gấp 6 lần so với năm 2015”. Và, kết quả điều tra của các doanh nghiệp cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do cá thể hải sản khai thác có kích cỡ lớn bị nhiễm kim loại nặng.

Trước đó, ngày 24-5-2016, EU ban hành văn bản cảnh báo số 16-814 yêu cầu cơ quan thẩm quyền các nước thành viên tăng cường kiểm tra kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Từ khi có văn bản này, số lô hàng thủy sản nhập vào thị trường EU bị cảnh báo kim loại nặng bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, chỉ trong chín tháng đầu năm 2016, đã có 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng là thủy ngân và cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015 (theo Tiền Phong Online, ngày 7-10-2016).

Ngày 23-4-2018: Ngày phán xét

Ngày 23-10-2017, Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã rút thẻ vàng đối với ngành đánh bắt hải sản Việt Nam. Đã sắp hết thời hạn sáu tháng, đến ngày 23-4-2018 tới đây, nếu cảnh báo của EC không được nước ta khắc phục hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp thẻ đỏ, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Nếu bị thị trường EU từ chối, tâm lý e ngại sản phẩm thủy sản của nước ta sẽ lây lan sang các thị trường nhập khẩu khác. Như vậy, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác 3,3 tỉ đô la Mỹ trong tổng số 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản theo kế hoạch năm 2018 đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Có những khả năng nào làm gia tăng hàm lượng kim loại nặng trong nước biển, để từ đó kim loại nặng xâm nhập vào hải sản khai thác, mà hậu quả là dư lượng kim loại nặng trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu vượt giới hạn tối đa cho phép một cách đột biến?

Trước 2015: nước biển chưa bị ô nhiễm kim loại nặng

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ cho thấy chất lượng nước còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép (so với QCVN 10-MT:2015/BTNMT). Tuy nhiên, ô nhiễm do chất rắn lơ lửng (TSS), chất hữu cơ và dầu mỡ đang gia tăng tại các vùng biển ven bờ. Trong khi đó, báo cáo cũng khẳng định rằng nước biển xa bờ trong giai đoạn 2011-2015 có chất lượng tốt. Với những đánh giá trên, báo cáo này không ghi nhận tình trạng ô nhiễm kim loại nặng trong nước biển và có thể hiểu nước biển từ năm 2015 trở về trước chưa có hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng. Điều này hoàn toàn tương đồng với thực tế số lượng hàng thủy sản xuất khẩu vào EU từ năm 2015 trở về trước bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng không đáng kể.

Điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển

Cách đây đúng hai năm nhiều người vẫn chưa quên về thảm họa môi trường biển xảy ra ở miền Trung do Formosa Hà Tĩnh xả nước thải gây ra. Một năm sau, tháng 5-2017, Bộ TN-MT công bố báo cáo chất lượng môi trường biển miền Trung, cho biết nước biển và trầm tích biển đã ổn định, đảm bảo mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh… nhưng là đối chiếu với quy chuẩn mới, thay vì các quy chuẩn đã áp dụng trước năm 2015.

Cụ thể là từ ngày 1-3-2016, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển QCVN 10-MT:2015/BTNMT đã được áp dụng thay thế cho QCVN 10:2008/BTNMT với những chỉ tiêu quan trọng và có liên quan đến ngành luyện gang thép đã được nâng giới hạn cao đột biến (đối với những vùng nước biển ven bờ không dùng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm, thể thao dưới nước như vùng vịnh Sơn Dương), gồm tổng phenol tăng từ 0,002 mg/l lên 0,03 mg/l (tăng 15 lần!), tổng dầu mỡ khoáng tăng từ 0,2 mg/l lên 0,5 mg/l (tăng 2,5 lần) và kim loại nặng cadmi tăng từ 0,005 mg/l lên 0,01 mg/l (tăng 2 lần).

Vậy, sự phát sinh nguồn thải chứa tải lượng lớn các chất ô nhiễm kim loại nặng từ Formosa Hà Tĩnh (xem bảng), trong đó gồm thủy ngân và cadmium, cùng với sự “thoáng” hơn của Bộ TN-MT trong việc điều chỉnh quy chuẩn chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT), có liên quan gì đến kim loại nặng là thủy ngân và cadmium vượt quá tiêu chuẩn trong sản phẩm thủy sản mà EU trả về?

Câu hỏi này chỉ có thể được trả lời bằng những kết quả quan trắc kim loại nặng trong nước biển từ năm 2016 đến nay mà Bộ TN-MT cần công bố.

Không phải ngẫu nhiên mà từ tháng 10-2016, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã yêu cầu các trung tâm vùng của đơn vị này triển khai chặt chẽ hoạt động kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó lưu ý ưu tiên lấy mẫu thẩm tra chỉ tiêu kim loại nặng đối với các lô hàng có thành phần nguyên liệu hải sản được nuôi trồng, khai thác, đánh bắt tại vùng biển các tỉnh miền Trung. Tuy vậy, dường như việc kiểm tra này là chưa đủ chặt chẽ khi số lô hàng sản phẩm chế biến từ hải sản khai thác bị nhiễm kim loại nặng đang tiếp tục gia tăng.

Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng phi pháp ở Biển Đông có ảnh hưởng đến môi trường biển?

Một báo cáo của Lầu Năm góc (Mỹ) tháng 5-2016 được The Guardian dẫn lại ước tính rằng Trung Quốc đã đào đắp, cải tạo và xây dựng phi pháp khoảng gần 13 triệu mét vuông chỉ riêng khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) được CNBC trích dẫn cho biết chỉ trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục bồi đắp phi pháp với diện tích 290.000 mét vuông tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông nêu rõ, tòa cũng cho rằng Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt” do các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng (phi pháp) các đảo nhân tạo tại bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 11-10-2016 cho biết Trung Quốc hiện đang chế tạo một nhà máy điện hạt nhân quy mô 10 MW, đủ để cung cấp năng lượng cho 50.000 hộ gia đình. Nhà máy điện hạt nhân này có thể hoàn thành trong vòng năm năm, và dự kiến đặt trong một container kích thước 6,1 mét x 2,6 mét để lắp trong một đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Tháng 11-2017, trong một dự án khác, lò phản ứng hạt nhân di động đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất khâu thử nghiệm cuối cùng để đưa xuống Biển Đông. Báo Thanh Niên ngày 29-12-2017 tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đã công bố kế hoạch sản xuất 20 nhà máy điện hạt nhân nổi phục vụ mưu đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong đó một nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ đi vào hoạt động trước năm 2020.

Như vậy, những “siêu tàu nạo vét”, những máy móc thiết bị công trình hạng nặng đang đào đắp, xây đảo nhân tạo, và cả những lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ngoài việc phá hủy các rạn san hô, liệu rằng có phải đó cũng có thể là nguồn làm gia tăng ô nhiễm kim loại nặng trong nước biển tại các ngư trường truyền thống mà ngư dân Việt Nam đã đánh bắt từ hàng ngàn năm qua?

Dù với nguyên nhân nào, nguy cơ đe dọa sinh kế ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển Việt Nam cũng như cơ nghiệp của các nhà chế biến, xuất khẩu thủy sản cả trong ngắn hạn và dài hạn đang hiện hữu một cách khắc nghiệt vì “lời nguyền” kim loại nặng không dễ gì hóa giải.

Đ.N.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/271548/hai-san-bi-nhiem-kim-loai-nang-nguyen-nhan-tu-dau-.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.