Phần II: “TỪ CỘT ĐỒNG MÃ VIỆN NĂM XƯA ĐẾN CỘT ĐỒNG Ý THỨC HỆ HÔM NAY”
Nguyễn Thượng Long
Có thể nói, bất khuất trước những bạo tàn là một trong những phẩm chất vốn có của dân tộc Việt Nam. Tương truyền từ ngàn xưa, trong đêm dài 1000 năm Bắc thuộc, người nước Nam ngoài việc phải lên rừng tìm ngà voi, xuống biển tìm châu báu để cống nạp cho mẫu quốc Trung Hoa, nước Nam ta nhức nhối trên thân mình là những cột đồng với lời nguyền ác độc “ĐỒNG TRỤ CHIẾT – GIAO CHỈ DIỆT” cùng những bùa chú các loại của người phương Bắc, nhằm trấn yểm long mạch đất nước này.
Là những thầy địa lý tài ba, họ quá tin vào những pháp thuật, những lời nguyền, bùa chú… sẽ làm nước Nam lụn bại, bị Hán hóa và đời đời là Quận Huyện của Bắc Quốc. Họ không biết chúng ta về phong thủy lại liền mạch cùng tổ sơn Himalaya ngút ngàn hùng vĩ, có Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng sự dồi dào yếu tố ĐỊA LINH – NHÂN KIỆT đã góp phần hóa giải thành công lời nguyền của Mã Viện ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất. Không có thời kỳ nào nước Nam bị khô kiệt nhân tài vì những bát quái trận đồ của phù thủy lừng danh Cao Biền (821 – 887). (Tìm đọc “Trận đồ bát quái của Cao Biền trên sông Tô Lịch” – “Thắng địa Thăng Long & Địa linh đất Việt” của Trần Văn Việt và Nguyễn Văn Túc).
Tôi tin là rồi những “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị – Hợp tác toàn diện – Ổn định lâu dài – Hướng tới tương lai), “4 tốt” (Láng giềng tốt – Bạn bè tốt – Đồng chí tốt – Đối tác tốt)… một dạng “bùa chú” mới thời cộng sản của những Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình được những Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng… giúp sức đưa vào Việt Nam, rồi cũng sẽ chung số phận với những gì mà những Mã Viện, Cao Biền, Hoàng Phúc … đã từng thi thố từ hàng ngàn năm trước mà thôi. Trừ những đám Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Hoàng Văn Hoan, trừ những kẻ đang bán dần đất nước cho Tàu… truyền thống phải cảnh giác với người Tàu đã là thái độ thường trực của người Việt Nam yêu nước từ lâu rồi.
Nhưng… đất nước chúng ta lại đang thực sự lao đao vì một thứ cũng hoàn toàn ngoại lai do những người cộng sản Việt Nam du nhập và khư khư lưu giữ suốt 88 năm nay. Đó là “Ý THỨC HỆ MÁC – LÊ”. Vì sao mà một dân tộc có truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”… lại dễ dàng bị cuốn vào cơn gió chết chóc một cách dễ dàng như vậy!
Dễ hiểu thôi, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng nói: “Hồ Chí Minh chở Chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam trên cỗ xe Nho giáo” nên về cơ bản, “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” cũng mang hồn cốt của Khổng Nho với biết bao hạn chế không khắc phục được. Nếu cơ sở tư tưởng của Khổng nho là “Tứ Thư – Ngũ Kinh” thì cơ sở tư tưởng của Mác Lê là “Tư bản Luận”. Nếu chuẩn mực đạo đức của Khổng Nho là “Tam tòng tứ đức – Tam cương Ngũ thường”, là “Quân xử thần tử – Thần bất tử bất trung”, thì chuẩn mực của ý thức hệ Mác Lê đã chuyển “Trung với nước – Hiếu với dân” thành “Trung với Đảng hiếu với dân”, và “Yêu nước là yêu CNXH”. Trong bài “Nỗi ám ảnh của quá khứ”, giáo sư Trần Quốc Vượng nói rõ hơn: “Chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme”.
Những người cộng sản Việt Nam tiền bối cũng có căn cước là nông dân chính hiệu. Cho nên không có gì là lạ, ngay từ khi chưa cướp được chính quyền thì “TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO” là cái gai trong mắt họ cần phải “ĐÀO TẬN GỐC TRỐC TẬN RỄ”. Là những lãnh tụ nông dân, nên phát súng đầu tiên của Cải Cách Ruộng Đất họ dành cho ân nhân của họ là bà Nguyễn Thị Năm, chỉ vì bà là địa chủ. Là những lãnh tụ nông dân, nên mới có chuyện “Tiếng đầu đời con gọi Stalin” và “Bên ni biên giới là nhà / Bên tê biên giới cũng là quê hương” (Tố Hữu). Là những lãnh tụ nông dân, nên mới có chuyện lùa nhân dân đi tìm thiên đường XHCN mà “Không biết đến hết thế kỷ này đã thành hiện thực chưa?” (Nguyễn Phú Trọng), và ròng rã 88 năm nay, với “Ý THỨC HỆ” đó, ĐCS đã đặt đất nước luôn ở vị trí cửa dưới, chầu rìa trong những cuộc chơi mà quyền định đoạt luôn luôn thuộc về các siêu cường.
Trong một thế giới đơn cực không còn đối trọng bởi Liên Xô và hệ thống XHCN đã tan rã ngót 30 năm rồi, thế giới đó đang lấp đầy là những tín điều thực dụng đến nghiệt ngã nhưng lại là chân lý:
“Mọi lý thuyết đều là màu xám – Còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Thế giới đó “Không có liên minh nào là vĩnh viễn – Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn – Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”… thì ĐCS Việt Nam dường như vẫn chưa ra khỏi cơn hoang tưởng vào sự vô địch của “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ”. Tại sao ĐCS lại coi thường người dân đến như vậy?
Thực ra ĐCS Việt Nam thừa biết là “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” đã hết sức sống rồi, nhưng nếu từ bỏ nó thì ĐCS không có lý do tồn tại. Mất đảng tức là mất độc quyền cai trị dân tộc Việt Nam, là không còn cơ hội để vơ vét tham nhũng được nữa. Thế là người ta cấy vào “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG”, biểu tượng của kinh tế TBCN một cái đuôi xấu xí “ĐỊNH HƯỚNG XHCN”. Vậy là đã có một cuộc hôn phối gượng ép giữa “CHỦ NGHĨA TƯ BẢN RỪNG RÚ” với “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ PHIÊN BẢN STALIN – MAO”, hình thành nên một mô hình chính trị quái đản chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ở Việt Nam, “Cuộc Hôn Phối” bệnh hoạn này đã tạo ra một thứ “CỘT TRỤ” vô hình, nhưng nó phát tác lực “TRẤN YỂM” là vô cùng ghê gớm.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà nguyên khí dân tộc bị tiêu tán, nội lực dân tộc bị suy kiệt vì chia rẽ, vì hận thù.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà mọi giá trị trong xã hội Việt Nam bị đảo lộn nghiêm trọng. Vì thứ “CỘT” đó, Việt Nam sẽ không bao giờ có Đa Nguyên chính trị, không bao giờ có tam quyền phân lập, không bao giờ có bầu cử trực tiếp… và ĐCS mãi mãi có quyền hành xử và hiện diện như một lực lượng chiếm đóng.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà các lực lượng vũ trang Việt Nam trở thành lực lượng “Chỉ biết còn đảng còn mình”. Quân đội thì bỏ nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ để mải mê làm kinh tế. Công an thì hèn với giặc ác với dân, làm “Thanh Kiếm – Lá Chắn” cho đảng.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà xã hội Việt Nam xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp “Tư Bản Đỏ”, bên cạnh đó là sự tàn tạ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của ngót 100 triệu con người không còn trong lành.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà trí thức văn nghệ sĩ mất hết bản lĩnh trở thành những kẻ bưng bô tầm thường cho quyền lực để sinh nhai.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà Bệnh viện – Nhà trường biến thành thương trường, chợ búa. Nơi đó những thầy cô giáo xấu, những thầy thuốc bất lương tha hồ thi thố các chiêu trò ma giáo.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà công nhân thì bị giới chủ bóc lột tàn tệ, thất nghiệp lang thang sống kiếp làm thuê làm mướn khắp thế giới.
-
Vì thứ “CỘT” đó nông dân thì bị mất đất đai vì lá bùa “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thay mặt đứng ra quản lý” vẫn sừng sững án ngữ luật pháp hiện hành.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà kho tàng tiếng Việt đã xuất hiện những thuật ngữ vô cùng biểu cảm “Thuyền Nhân, “Dân Oan” . Những thuật ngữ này có tính tố cáo rất cao.
-
Vì thứ “CỘT” đó mà người Trung Quốc tự do ra vào Việt Nam, ngày Việt Nam trở thành quận huyện của Trung Quốc đã cận kề.
Chiến tranh đã lùi xa qua 43 năm mà hiện trạng của Việt Nam lúc này không làm ai hài lòng. Đất nước đã thống nhất nhưng chưa hề có Dân Chủ, chưa hề có Độc Lập, chưa hề có Tự Do, chưa hề có Hạnh Phúc… Tất cả là do sự kiên định cái mớ lý thuyết màu xám đó. Vì khư khư cái thứ mà các dân tộc văn minh đã vứt bỏ mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì bất đồng vì chia rẽ. Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao? Ai là người có lỗi trước tiền nhân? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây?
Hình như sự kiên định “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” của ĐCS Việt Nam là dấu hiệu cho biết nghiệp báo vì những gì đã diễn ra trong quá khứ của dân tộc là nặng nề đến thế nào. Sẽ có điều gì khác không nếu sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam và nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Bắc? Người dân miền Nam mà sống với những người cộng sản ở miền Bắc, họ sẽ phải tiếp thu ý thức hệ của ĐCS. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK47 được sản xuất từ Liên Xô. Người miền Bắc mà phải sống ở nam vĩ tuyến 17, trong tay họ sẽ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra đây? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng? Chẳng thể có câu trả lời dứt khoát được. Nhưng một điều có thể chắc chắn là người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng sẽ biết thế nào là đấu tố trong cải cách ruộng đất, thế nào là: “Mang bục công an đặt giữa trái tim người / Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), sẽ phải thắt lưng buộc bụng, phải làm việc bằng hai để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà thoái thác được nhiệm vụ là người lính ngăn chặn làn sóng “ĐỎ” đang lăm le tràn ngập khắp Châu Á. Và nếu như lịch sử lại có một kết cục ngược lại, ngày 30/4/1975 lại kết thúc chiến tranh ở Hà Nội thì liệu người dân ở đó có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như những gì đã xảy ra ở miền Nam sau 30/4/1975? Câu hỏi này cũng chẳng có câu trả lời khẳng định được. Nhưng chắc chắn sẽ xảy ra cái điều mà nhà thơ Nguyễn Duy đã nói tới trong bài “Đá ơi” là: “Nghĩ cho cùng / Mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”… Vậy là bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định. Chúng ta vẫn chỉ là những con tốt thí, những quân cờ trên bàn cờ “Ý THỨC HỆ” mà thôi.
Vào thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này, các Fan hâm mộ các ca sĩ hải ngoại của cư dân nơi tôi ở đang vô cùng háo hức đón chờ thế hệ hậu duệ của những tài danh Chế Linh (Chế Phong), người hùng Biệt Động Quân Duy Khánh với quý tử Chế Phi cùng với những siêu sao cỡ Khánh Ly, Thanh Tuyền, Giao Linh, Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Trường Vũ, Quang Lê, Hoài Linh, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên… “Nối vòng tay lớn” – điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ao ước ngay từ buổi trưa 30/4 của 43 năm về trước. Đây là một dẫn chứng sinh động cho điều mà ông Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào”. Những cuộc “Nối vòng tay lớn” tương tự đã, đang và có thể sẽ còn diễn ra dồn dập hơn nữa, liệu quá trình đó có làm lu mờ đi vừng hào quang của chiến thắng 30/4/1975? Tất nhiên là có. Khi phải hạ mình đón nhận những đồng tiền của bọn “Ngụy” bỏ nước ra đi vì bị họ đánh thắng… thì còn đâu vầng hào quang nào nữa. Hóa ra chúng ta đã “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường… không hề trí tuệ” (Xin lỗi Tiến sĩ Hà Sĩ Phu). Cái giá của cuộc tương tàn để có một xã hội như thế này… thật là thê thảm và vô nghĩa. Tôi nghĩ, nếu được làm lại thì những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng… sẽ hành xử khác những gì mà những người chiến thắng đã làm sau ngày 30/4/1975.
Lại một ngày 30/4 nữa sắp đến… Xin các đỉnh cao trí tuệ đừng bắt dân tộc tôi phải tiếp tục lên đồng, phải tự sướng với những tín điều đã không còn sức thuyết phục nữa rằng, 30/4 là ngày “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”. Nên chăng hãy coi 30/4 là ngày để người Việt Nam ở cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc cùng lắng lòng mình lại, để suy tư về những thảm kịch đã đến với mảnh đất đau thương này, đến với dân tộc bất hạnh này… Nếu ai đó mừng vui nghĩ ngày 30/4 hàng năm là ngày “Quốc Khánh” thì nên hiểu đó là ngày Quốc Khánh của một nước Việt Nam thứ 2 ở hải ngoại. Nước Việt Nam đó có 4 triệu dân, cũng máu đỏ da vàng, cũng thờ cúng tổ tiên ông bà như người Việt Nam trong nước, cũng vững tin “Truyện Kiều còn tiếng ta còn – Tiếng ta còn nước Nam còn” (Phạm Quỳnh). Nước Việt Nam đó không tôn thờ “Ý THỨC HỆ MÁC – LÊ”, nhưng họ cũng xuống đường phản đối Trung Quốc mỗi khi nước này giở trò với cố hương của họ và từ nước Việt Nam đó mỗi năm có hơn 13 tỷ Mỹ kim kiều hối chảy về giúp cho CHXHCN Việt Nam bù đắp thâm hụt do tham nhũng tràn lan và nợ công cao ngút trời.
Mọi năm… người ta vẫn coi 30/4 là ngày “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”. Đánh cho Mỹ cút cái gì mà ông lớn, ông nhỏ nào cũng đua nhau cho con cháu ôm tiền cướp được đi Mỹ để mua nhà, mua đất sẵn cho ngày tháo chạy? Đánh cho ngụy nhào cái gì mà lại hạ mình gọi “Những kẻ đĩ điếm lười lao động” là “Khúc ruột ngàn dặm”. Ngày nào mà những giáo điều quan trọng nhất của tà thuyết ngoại lai, như “Bạo lực cách mạng triệt để”, “Chuyên chính vô sản đến cùng”, “Chính quyền trên đầu mũi súng”… chưa được cởi bỏ thì những gì mà nhạc sĩ tài hoa Văn Cao viết trong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” sau ngày 30/4/1975: “Từ nay người biết yêu người – Từ nay người biết thương người” vẫn chỉ là một mơ ước của một DÂN OAN nổi tiếng của chế độ mà thôi.
(Còn tiếp)
Đón đọc Phần III: “… Những con tốt thí”
4 – 2018
N.T.L.
Tác giả gửi BVN
***
Nguyễn Thượng Long
– Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
– Nơi ở :Văn la – Phú La – Hà Đông –
– ĐT 0433521066 & 01652323836.
– Email: nguyenthuonglong571@gmail.com