‘Lợi ích nhóm’ nằm trong Luật Đất đai

 

Hoàng Hải Vân – 26/01/2018

Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành

Luật Đất đai là một trong những đạo luật có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến đời sống của người dân, nhất là nông dân và là một đạo luật mà bóng dáng của các nhóm lợi ích hiện hình rõ nhất.

Hơn 80% đơn khiếu kiện của người dân gửi lên các cơ quan Trung ương là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng tình trạng khiếu kiện không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành. Tuy nhiên, sự bất cập dưới cái nhìn của nông dân rất khác với sự bất cập dưới cái nhìn của những người soạn thảo. Phạm vi bài này chỉ nói về vấn đề Nhà nước thu hồi đất. Vì phần lớn các khiếu kiện về đất đai đều liên quan đến các chính sách đền bù giải tỏa khi thu hồi đất, cho nên có thể nói đây là một trong những vấn đề mấu chốt cần được mổ xẻ.

Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng và an ninh theo điều 61 Luật Đất đai không khiến ai thắc mắc. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (điều 64), do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (điều 65) cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng thu hồi đất để “phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” quy định tại điều 62 thì có vấn đề nghiêm trọng. Việc thu hồi đất quy định tại điều này áp dụng cho các dự án quan trọng do Quốc Hội quyết định chủ trương đầu tư, các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đây là điều khoản mơ hồ nhất và dễ bị lợi dụng nhất của Luật Đất đai. Vì những lý do sau:

Thứ nhất, khái niệm “phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” không có nội hàm được xác định, có nghĩa là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là quá rộng. Đối với các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư còn có những giới hạn có thể hiểu được, nhưng đối với các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thì được mở rộng… “vô biên”, trong đó có cả các dự án khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…, không phân biệt đó là dự án của tư nhân hay nhà nước.

Thứ hai, với phạm vi thu hồi đất được mở rộng vô hạn độ như vậy, trong cơ chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn đẩy nông dân ra khỏi ruộng vườn của họ để lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết phục hay mua chuộc được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể dễ dàng lấy được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân.

Nói ra thực tế này chúng tôi hoàn toàn không có ý coi thường các vị Bí thư hay Chủ tịch các tỉnh, vì rất nhiều Bí thư và Chủ tịch tỉnh một lòng vì dân vì nước. Điều chúng tôi muốn nói là một điều luật như điều luật trên đang dễ dàng tạo điều kiện cho người xấu làm việc xấu và rất có thể “chuyển hóa” một người tốt thành một người xấu, trong khi mục đích tối thượng của luật pháp là ngăn chặn người xấu không làm việc xấu. Tình trạng “chạy dự án” rồi sử dụng lực lượng cưỡng chế của chính quyền để lấy đất của nông dân mà chúng ta thường nghe nói, phần lớn được điều luật này tiếp tay, dung túng.

Lẽ ra, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ nên thu hồi đất dành cho các công trình quốc phòng – an ninh, cho các dự án công cộng và hoạt động công ích, cho các công trình trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế với mức đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường, còn mọi dự án kinh tế – xã hội của mọi thành phần kinh tế đều thực hiện theo nguyên tắc của thị trường, tức là chủ đầu tư muốn có đất để làm dự án thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất để được chuyển nhượng một cách sòng phẳng. Ai dám bảo người làm vườn làm ruộng không “vì lợi ích quốc gia, công cộng”?

Còn nhớ, trước khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013, đã có một cuộc vận động lấy ý kiến với quy mô chưa từng thấy với gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào dự Luật. Rất nhiều ý kiến, cả trong dân và tại diễn đàn Quốc Hội, đã đề nghị thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất quy định tại điều luật này, nhưng Ban soạn thảo chỉ tiếp thu một cách hời hợt bằng cách đảo qua đảo lại chứ nhất định không chịu thu hẹp. Và điều lạ lùng là cuối năm vừa rồi, Bộ Tài nguyên và môi trường khi đưa ra thảo luận những đề xuất tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai thì phạm vi Nhà nước thu hồi đất theo điều 62 này không những không được đề nghị thu hẹp mà còn đề nghị tiếp tục mở rộng.

Xin nói thẳng, không chỉ là đơn khiếu kiện chiếm 80%, mà điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội. Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối của các thế lực thù địch, mà do đất của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các “đại gia”, tuy có thể đúng Luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên Cộng sản hãy nhớ rằng, Liên minh công nông là nền tảng chính trị của Đảng không chỉ ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống.

H.H.V.

Nguồn: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/loi-ich-nhom-nam-trong-luat-dat-dai-80970.html

Phụ lục: Các comment bên dưới bài báo:

Hồ Quang Huy

05-2-2018 04:59:13

Không những điều 62 ẩn chứa lợi ích nhóm, gây đổ máu cho người dân, gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia mà điều 69 cũng gây hậu quả tương tự. Khoản D điều 69: “d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện. Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.” Đáng lẽ ra nếu người dân không chấp hành giao đất thì họ phải có quyền khởi kiện ra tòa. Tòa mới có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất có hợp pháp hay không chứ không phải chính quyền. Khi họ không giao đất tức là họ cho rằng chính quyền làm chưa đúng, cũng có nghĩa giữa 2 bên có tranh chấp thì tòa án là bên thứ 3 có thẩm quyền quyết định ai đúng, ai sai. Điều 69 này đã cho phép chính quyền dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp là bất chấp công lý, thiếu nhân văn, nhân đạo.

  • Nguyen Linh Gia

28-1-2018 08:32:59

Bài viết này rất hay, nói nên thực trạng của vấn đề nổi cộm hiện nay, những bất cập của luật đất đai để đa số các địa phương hiện nay đang lợi dụng câu kết với doanh nghiệp chiếm đất, phải nói là cướp đất của nông dân thì đúng hơn. Cứ đà này khoảng mươi năm nữa khi đó xã hội ta lại ở tình trạng như những năm trước khi cải cách ruộng đất, sự phân hoá giai cấp sẽ bộc lộ, những kẻ có tiền nhiều đất và đa số tầng lớp nông dân lại tay trắng. Và khi đó mâu thuẫn giai cấp lại gia tăng, xh hội lại bất ổn và không biết là hạnh phúc ấm no của nhân dân ở đâu và cái vòng luẩn quẩn của sự rối loạn xã hội thật đau lòng cho thế hệ mai sau.

Mai Văn Vĩ

27-1-2018 11:19:30

Bài viết này “chọc đúng tim đen” của nhóm lợi ích và chính quyền địa phương. Việc trao quá nhiều quyền lực cho chính quyền bằng luật, nhất là luật đất đai đã và đang gây ra các đám lửa đây đó trong xã hội. Rất nhiều đại gia, tập đoàn kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực có liên quan đến thu hồi đất bỗng chốc trở nên giàu có nứt đố đổ vách là nhờ… cướp đất của dân với giá rẻ mạt do chính quyền hỗ trợ bằng quy hoạch. Họ có tên, được Forbes xếp hạng vào hàng tỷ phú đô la không phải đến từ sáng tạo, từ công nghệ sản xuất mà từ “cạp đất” mà ăn! Thặng dư giá trị quá lớn, quá khổng lồ bởi việc làm mất lòng dân nếu không muốn nói là bất lương này… dư thừa để mua các quan chức hám lợi. Đất nước không thể yên bình, xã hội không thể nằm bẹp như một con giun bị dày xéo mãi như vậy! Nước ta đang tiến sâu, bước dài trên con đường của nền kinh tế thị trường thì giai đoạn quá độ với hình thức “quyền sử dụng đất” đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Hầu hết người dân đều muốn có “quyền sở hữu đất” như các nước. Dân muốn có nó nhưng chính quyền lại không muốn là phi lý… khi nói “chính quyền là của dân, vì dân và do dân mà ra” hoặc lấy lợi ích của người dân làm trọng chứ không phải “tiền” hay lợi ích là trên hết. “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” luôn là tiêu chí cao cả cho bất cứ một thể chế nào. Nó hoàn toàn đối kháng với những cái bất cập, những ý định trao cho các quan chức đảng viên, các chính quyền địa phương cái quyền lấy đi một phần cốt lõi của khái niệm này! Quốc hội phải là nơi thể hiện ý chí của toàn dân là đúng đắn, chứ không nên là nơi thể hiện chỉ riêng cho chính sách của chính phủ. Nếu hai nơi này là một, luôn nhất trí giống nhau như đúc (!) thì đất nước ta sẽ đi đâu… về đâu khi trong chính phủ vẫn còn sót những quan chức cao cấp có tâm tư giống như các ông đứng trước vành móng ngựa được cải tiến lại tương tự như cái quầy quán bar vừa qua?

Dân

27-1-2018 08:36:53

Dự thảo Luật cạnh tranh, lợi ích nhóm có trong QH không, khi dự thảo lần 3 xóa tính ưu việt của dự thảo lần 1? Ở lần 1, điều 3 khoản 6: “6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.”; Và điều 35 về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khoản 6, có tham chiếu: “6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.”. Sang dự thảo lần 3: “6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Và điều 46 “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh” đã loại bỏ luôn, và khoản 6 chỉ ghi: “6. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại các Luật khác”. Cần loại bỏ lợi ích nhóm ngay trong QH làm luật. Họ là ai, có quay lại tính ưu việt không?

Hoàng Huy

26-1-2018 11:37:21

Không ngờ bây giờ vẫn còn có bài viết như thế này. Quá đúng. Nhưng liệu có sửa được luật không.

Nguyễn Quốc Hội

26-1-2018 10:10:45

Có sự hiểu sai nghiêm trọng của người soạn thảo luật ĐẤT ĐAI về 2 vấn đề lớn: 1- Quyền của cơ quan công quyền trong việc định đoạt sở hữu đất đai, 2- chủ quyền và quyền lợi của người dân về đất đai. Hai vấn đề này không được bàn luận nghiêm túc dựa trên các quan điểm NHÂN VĂN và BẢN CHẤT KINH TẾ cơ bản của CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, các quan điểm cơ bản của Đảng CS về DÂN SINH, DÂN QUYỀN, DÂN CHỦ và vận dụng đúng các tiêu chí hợp lý của HIẾN PHÁP đã và đang có hiệu lưc ĐỂ bảo đảm rằng chỉ có một cách hiểu và giải thích Luật, NÊN người soạn thảo soạn ra Luật với nội dung không cụ thể, không chính xác, mơ hồ… tạo điều kiện cho người có quyền thực thi diễn giải tùy tiện theo lợi ích mà họ có thể có được, đó chính là lỗ hổng pháp lý để THAM NHŨNG từ gốc, từ cơ sở để đề ra CHÍNH SÁCH, tao ra tiền đề của cái gọi là ĐÚNG QUY TRÌNH mà thực chất chỉ để bảo vệ cái sai trong thực thi đã bị diễn giải chủ quan của kẻ cơ hội , mà người chịu thiệt luôn là dân.

Đỗ Khuyến

26-1-2018 12:37:30

Bài viết rất hay, rất đúng và trúng. Qua đây mới thấy rằng việc lấy ý kiến quần chúng nhân dân trong việc sửa đổi luật nói chung và luật đất đai nói riêng cũng chỉ là hình thức. Ban soạn thảo đã bất chấp ý kiến của đông đảo nhân dân và cả Quốc hội thông qua cũng làm một cách hời hợt.

Ngô Văn

26-1-2018 11:09:30

Trân trọng cám ơn tác giả vi nhận định thẳng thắn, xác đáng trong bài báo. Cắt bỏ quy định vì lợi ích nhóm này chắc chắn giúp giải tỏa bất công, bất ổn xã hội.

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.