Hoàng Hưng
Nhà hàng Thác Bạc 46 An Dương, Hà Nội (ĐT 0911692698) chuyên đặc sản cá hồi – cá tầm của luật sư Nguyễn Trọng Cử, đêm nay (16/4/2018) có một sự kiện đặc biệt: khai trương phòng hát trên lầu, dành cho đêm “Lộc Vàng – cung đàn số phận”. Đây sẽ là nơi trình diễn mới của người ca sĩ Hà Nội xưa mà chủ nhân quán cá ưu ái tặng cho ông hằng đêm thứ Tư và thứ Bảy. Đêm khai trương cũng là đêm kỷ niệm 50 năm vụ án “nhạc Vàng” hay còn gọi là vụ “Toán Xồm”.
Năm 1968, bảy chàng trai Hà Nội thụ án mỗi người chục năm vì hát “nhạc vàng” (cáo trạng gọi là “nhạc đồi truỵ”!). Giờ đây chỉ còn lại mỗi Nguyễn Văn Lộc – chết danh “Lộc Vàng” từ khi anh được hát trở lại.
Nhà báo Lưu Trọng Văn dẫn chương trình. Rất đông mặt anh hùng đất Hà thành: nhà giáo Phạm Toàn, người Hà Nội cao tuổi nhất ở đây, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý, nhà báo Trần Tiến Đức, đạo diễn Trần Quốc Trọng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Phạm Lưu Vũ, nhà báo Kỳ Duyên – Kim Dung (người chấp bút cuốn hồi ức “Cung đàn số phận” chưa được phát hành nhưng sách lậu đã bán đầy đường Hà Nội), nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán – người đã ghi lại tấm hình “lịch sử” Lộc Vàng đưa điếu thuốc lá cho bạn Toán Xồm chỉ vài ngày trước khi anh chết rấp trên vỉa hè Hà Nội…, cùng nhiều gương mặt trẻ lớn lên đã thoải mái hát những bài ca lãng mạn mà không hề biết chúng từng là đồ “quốc cấm” còn kinh hơn thuốc phiện!
Tôi may mắn ra Hà Nội đúng dịp này. Nửa tháng trước, đã không cầm được nước mắt khi đọc status của Lưu Trọng Văn viết về câu chuyện đau thương này. Đêm nay ngồi nghe mới mấy bài Lộc Vàng hát mà gai hết người, thơ ở đâu vụt về mấy dòng, bèn ghi vội sổ tay. Văn giới thiệu tôi lên, nói đây là nhà thơ người Hà Nội mà “số phận trớ trêu” cũng theo chân 7 chàng trai kia “lên rừng” vài năm, không vì “nhạc vàng” mà vì “thơ vàng” (“Về Kinh Bắc”). Đúng thế! Tôi gặp Toán Xồm lần đầu sau khi anh được về vài năm. Nghe anh hát ở quán rượu Hoàng Cầm. Mấy ngày sau thì tôi “lên đường”. Vậy là số phận đau thương đã lặp lại, không còn là số phận cá nhân, mà là số phận của văn hoá, số phận cả dân tộc!
Đây là bài thơ “vụt hiện” ngay sau khi nghe 2 bài đầu tiên Lộc Vàng hát:
Đêm Lộc Vàng
Đêm Lộc Vàng
Hà Nội xưa sống lại
Sương giăng số phận đoạ đày
Đêm Lộc Vàng
Mơ màng
Những chồi xuân cựa mình trong tiếng hát
Hát một thuở
Nghẹn ngào u uất
Hát một thời
Nước mắt nuốt vào trong
Hát chiêu hồn
Những người con Hà Nội chết mất xác nơi rừng thiêng nước độc
Hay trở về chết rấp vỉa hè hoang
Hát chiêu tuyết
Những tâm hồn trắng trong bị ném bùn hết tuổi thanh xuân
Hát tình yêu người con gái Hà Nội mạnh hơn cái chết
Đêm Lộc Vàng
Vàng thau không thể lẫn
Đêm Lộc Vàng
Qua bao thăng trầm Hà Nội vẫn vàng son.
16.4.2018
H.H.
Tác giả gửi BVN