Gỡ bỏ quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam” để thỏa mãn EVFTA?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ đạo gỡ bỏ quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại trùng với thời điểm Tổng bí thư đảng cầm quyền – ông Nguyễn Phú Trọng – công du Pháp vào cuối tháng Ba năm 2018.

Chỉ đạo trên xuất phát từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó bản dự thảo Luật An ninh mạng gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội không còn nội dung đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do: để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam” được đưa vào dự thảo Luật An ninh mạng (Khoản 4, Điều 34) bởi Bộ Công an vào năm 2017, cùng lúc được sự “nhất trí cao” của Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan quản lý chính về Internet, đặc biệt mang dấu ấn của Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn khi ông Tuấn khăng khăng đòi các hãng Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Vào năm 2017, cơ chế “làm việc” cấp tập với đại diện của Google, Facebook… để yêu cầu những hãng này “gỡ bỏ thông tin xấu và độc hại” cho thấy Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã “học tập kinh nghiệm Trung Quốc”.

Kinh nghiệm Trung Quốc” là việc quốc gia độc trị này đã bắt Google phải đăng ký máy chủ quản lý dữ liệu với ngành công an và quản lý thông tin và do đó có thể kiểm soát được toàn bộ nội dung trên mạng xã hội. Trong suốt một thời gian khá dài, giới quản lý của Trung Quốc đã o ép mạng xã hội không mấy kém thua việc họ đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại đất nước này. “Chịu hết nổi”, đến tháng 3/2010, Google đã phải chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Vào tháng 8/2017, một số đại sứ nước ngoài tại Việt Nam gồm đại sứ Mỹ, Úc, Canada, trưởng phái đoàn Liên Minh Châu Âu và các Đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam đã gửi thư chung đến Chủ tịch Quốc hội – như một động tác “khiếu kiện đông người” – bày tỏ quan ngại về yêu cầu đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là trái với cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam với tư cách là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), “quy định đặt cơ quan đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam.

Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự”.

Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại Khoản 4, Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam”, Đại diện VCCI nhấn mạnh.

Về việc đặt máy chủ, trong nội dung Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết tháng 2-2016, Chương Thương mại điện tử, Khoản 2, Điều 14.13 (địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”.

Chính một con số thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ tăng tốc sụt về số âm.

Không loại trừ khả năng chuyến đi Pháp của Nguyễn Phú Trọng và tháng Ba năm 2018 đã nhận được sự phản ứng nào đó từ Chính phủ pháp và Liên minh châu Âu về quy định “đặt máy chủ ở Việt Nam”, dẫn đến việc ông Trọng phải chỉ đạo cho Quốc hội và Chính phủ Việt Nam lược bỏ quy định này trong bản dự thảo Luật An ninh mạng. Động thái lược bỏ này cũng có thể là một cách nhân nhượng nhằm xúc tiến vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu “linh hoạt sớm thông qua”.

Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động”.

T.L.

Nguồn: https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/go-bo-quy-dinh-dat-may-chu-o-viet-nam-de-thoa-man-evfta.html

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.