Cơ chế đặc thù: sao không là an sinh, mà cứ chăm chăm tăng thu?

Trúc Mai (VNTB)

Từ ngày 1-4-2018, cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM được tăng thu nhập; từ ngày 1-6, phí tạm dừng đậu ô tô trên lòng đường ở TP được tính theo giờ…

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 (bất thường) sáng 16-3, HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua 6 tờ trình thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP; trong đó có những nội dung như nêu trên.

Nhậu, nhậu và… nhậu

Một ngày đẹp trời, người viết có dịp tiếp xúc với một số cán bộ trong các cơ quan hành chính của TP.HCM. Dẫu biết rằng chuyện này cũng không xa lạ hay mới mẻ gì, nhưng khi gặp trực tiếp mới cảm nhận hết cái ngán ngẩm đối với những người nhân danh “do dân, vì dân”. Ngay trong khoảng thời gian gọi là giờ hành chính, mặc cho luật pháp có quy định nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn trong thời gian làm việc (theo Chỉ thị số 26/CT-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành), song các công chức vẫn vui vẻ bên bàn nhậu, bên cái micro hát karaoke ở phòng VIP… trong thời gian làm việc.

Không chỉ nhậu một lần, trong khoảng thời gian mấy tiếng đồng hồ đó, lê la hết nhà hàng này tới quán nhậu nọ, bình dân có, hạng sang cũng có. Ghi nhận phản ánh của một người dân ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn thì chính quyền xã ở đây đi nhậu đến độ “gọi là quen mặt”. Chẳng chút bận tâm là trong giờ hành chính hay không, cứ thích là ghé quán, thậm chí có lúc bao luôn cả quán chỉ để nhậu cho sướng (!?).

Công chức là những người giúp đỡ dân trong các thủ tục liên quan hành chính. Thế mà giờ làm việc lại thoải mái ăn nhậu, thích làm gì thì làm. Phải chăng do “xa mặt trời” hay luật pháp không nghiêm? Đã vậy sắp tới đây còn được tăng thu nhập từ tiền thuế của người dân nữa chứ.

Những trí thức thờ ơ

Họ có bằng từ đại học trở lên. Xin tạm gọi họ là “trí thức”, một tầng lớp được cho là sẽ giúp phát triển đất nước, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Công bằng, không ít trí thức có tâm với đất nước và mong muốn xây dựng đất nước. Tuy nhiên, phần thờ ơ lại chiếm con số cũng không phải là nhỏ.

Với nền tảng kiến thức từ đại học, sinh viên là tầng lớp được nhiều kỳ vọng nhất. Thực tế lại khác, có không ít sinh viên giỏi nhưng cũng nhiều sinh viên mang bệnh “hoang tưởng”. Cầm tấm bằng đại học trong tay, tự cho mình giỏi, đi xin việc làm, buộc doanh nghiệp phải cho mình làm trưởng phòng, phó phòng hoặc nhóm trưởng này nọ.

Hoặc như một vài sự kiện xã hội, nhiều sinh viên không dám nói lên tiếng nói của mình. Khi ai đó đăng một tấm hình tự sướng, hoặc mấy cái tin ‘nhảm’ thì rất nhiều lượt thích, nhưng khi đăng một vấn đề gì đó liên quan phản biện xã hội, sẽ ít ai dám ‘like – thích’. Phải chăng do lúc nào cũng có thể bị phiền toái với công an nên ai cũng sợ, không dám cất lên quan điểm riêng?

Bên cạnh đó, cũng có một số trí thức vì tư lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến cuộc sống của người khác. Điển hình như trường hợp mà người viết có dịp lắng nghe. Một trí thức và lại đang là một chức sắc báo chí đã ca ngợi và tán dương trong những hành động mang tính cờ bạc như đua ngựa, đá gà. Anh còn mong cái mô hình đó được đem về áp dụng cho quê mình.

Anh lý luận rằng khi ấy việc bán thức ăn cho gà, chuồng nuôi, những gì liên quan tới gà sẽ tha hồ phát triển, giúp cán kéo kinh tế tăng tốc. Điều anh nói có thể không sai, nhưng anh quên mất lời dặn của ông bà về “bác thằng bần”. Đâu phải ai cũng giàu nứt đố, đổ vách nhờ vào bài bạc như cái ông trùm của C50 vừa xộ khám. Việc đá gà phát triển sẽ kéo theo bao nhiêu là hệ lụy: thua độ gia đình tan nát, vợ chồng ly hôn, con cái bỏ học…

Trở lại với cơ chế đặc thù: sao không ai nghĩ ra dùm đặc thù đồng bộ cho nền kiến trúc hạ tầng và cả thượng tầng phải nên thế nào để người dân thực sống trong an lành, được quyền cất tiếng nói, quyền tự do hội họp, quyền xuống đường cho những vấn đề dân sinh… Khi ấy, chắc chắn người dân sẽ rất hài lòng bởi tiền thuế của mình đã được chi xài đúng nghĩa “của dân, do dân, và vì dân”!

T.M.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.