Vòng xoắn kép của lịch sử Trung Quốc

Denise Y. Ho

Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)

Ngay cả khi lịch sử Trung Quốc thời hiện đại đã có thêm những thành tố cải cách, nhưng bao giờ nó cũng bị vặn vẹo thành chế độ độc tài. Vì vậy, trong khi cuộc cải cách trong thời đại dường như là độc đoán của Tập Cận Bình có thể là một bước thụt lùi, không nên bỏ qua biểu hiện của nó.

Bây giờ, khi Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua với số phiếu 2.958/2 – về việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Tập Cận Bình có thể cai trị Trung Quốc vô thời hạn, chứ không chấm dứt giai đoạn nắm quyền kéo dài hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kì 5 năm, vào năm 2023. Tập [Cận Bình] có thể trở thành người nắm tất cả quyền lực như nhiều nhà quan sát dự đoán hay không?

Các nhà theo dõi Trung Quốc đã và đang tranh luận về tính chất và mức độ quyền lực của Tập [Cận Bình] sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX vào năm ngoái. Một trong những chỉ số là thánh hóa tư tưởng của ông ta: “Tư tưởng của Tập [Cận Bình] về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. Mao Trạch Đông là nhà lãnh đạo Trung Quốc duy nhất trước đây đã đưa được “Tư tưởng” của mình vào hiến pháp, một số người cho rằng Tập [Cận Bình] hiện là nhà lãnh đạo quyền lực nhất, kể từ thời Mao.

Tất nhiên, Đặng Tiểu Bình – người lãnh đạo thời kì “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc trong hai thập niên, bắt đầu từ năm 1978 – cũng được thần thánh hóa, với “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình”. Và “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” là chính sách do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Nhưng việc Tập [Cận Bình] nói thẳng về “Kỷ nguyên Mới” khởi đầu từ Đặng Tiểu Bình, cho thấy rằng thời kỳ cải cách đã chấm dứt.

Khác hẳn với nước Cộng hòa Nhân dân cách đây 40 năm – đất nước nông nghiệp đang vươn lên từ Cách mạng Văn hoá – Trung Quốc hiện nay là siêu cường kinh tế và chính trị với một xã hội tiên tiến về công nghệ và đang đô thị hóa rất nhanh. Thời đại Mới của Tập [Cận Bình] là cột mốc quan trọng trong quá trình tìm kiếm lâu dài “của cải và quyền lực” của Trung Quốc. Thay cho “mở cửa”, Trung Quốc của Tập [Cận Bình] sẽ “bước ra” thế giới.

Nhưng giai đoạn mới này sẽ hiện ra thế nào trong bối cảnh lịch sử Trung Quốc hiện đại, và nó sẽ cho ta biết những gì về bản chất quyền lực Tập [Cận Bình]?

Trong thế kỷ XX, Trung Quốc đã trải qua ba chế độ: Triều đại nhà Thanh, tiếp theo là thành lập nước Cộng hòa Trung Quốc năm 1912, và từ năm 1949, là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được chia thành hai giai đoạn: thời Mao (1949-1976) và thời cải cách.

Người ta thấy lịch sử nước này thay đổi theo thời gian như thế nào. Dưới thời Mao, thời kỳ Cộng hòa – với chính sách “Mặt trận thống nhất” và sự phát triển của xã hội dân sự – chỉ là một khoảng nghỉ ngắn giữa những giai đoạn chuyên quyền. Tuy nhiên, trong giai đoạn cải cách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người ta lại coi sự hỗn loạn thời Mao chỉ là sai lầm, thậm chi Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tìm cách tách mình ra khỏi cái mà họ gọi là “những sai lầm tả khuynh”. Với sự thành công của “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, phép lạ kinh tế của Trung Quốc dường như khẳng định rằng đất nước này đã vững bước trên con đường hướng tới phát triển và hiện đại hóa.

Nhận thức đang thay đổi về đường đi của Trung Quốc được thể hiện trong quan hệ của Mỹ với nước này. Trong Thế chiến II, Trung Quốc là đồng minh của Mỹ. Thật vậy, năm 1943, phu nhân của lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch, đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ về biện pháp áp dụng “bốn quyền tự do” của Tổng thống Hoa Kỳ, Franklin D. Roosevelt, đối với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật.

Nhưng niềm tin cho rằng quan hệ Mỹ-Trung dựa trên các giá trị mà hai bên cùng chia sẻ đã bị chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đập tan vào năm 1949, dẫn đến ý kiến nói rằng Hoa Kỳ đã “đánh mất Trung Quốc”. Với việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao và sau đó là thời kì cải cách, hy vọng đã được phục hồi, ở mức độ nào đó. Tin rằng phát triển kinh tế và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến tự do hóa về chính trị, Mỹ lại “chơi” với Trung Quốc.

Hy vọng được củng cố thêm trong suốt những năm 1990 và 2000, khi các quan chức bắt đầu thử nghiệm với những cuộc bầu cử ở cấp làng xã, và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đã thay đổi thường xuyên, sau hai nhiệm kỳ. Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đã tổ chức Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh. Như nhà báo Jim Mann từng khẳng định, kỳ vọng về cải cách chính trị là chỗ dựa cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, thậm chí ngay cả sau cuộc tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn, năm 1989.

Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, người ta đã đặt dấu hỏi về kỳ vọng này. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã gia tăng, tầng lớp trung lưu cũng ngày càng đông thêm, nhưng dân chủ đã không tới. Các nhà nghiên cứu chính trị đã thôi dự đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu hỏi lý do vì sao nhà nước độc-tài-độc-đảng lại dẻo dai đến như thế và liệu thời kỳ cải cách và mở cửa có sắp chấm dứt hay không. Như “Thời đại mới” của Tập [Cận Bình] cho thấy, câu trả lời là “Có”.

Xin xem xét quá trình vươn lên của công nghệ số. Không những không để cho Internet mang lại nhiều tự do hơn, mà chính phủ Trung Quốc còn lập ra Vạn Lý Hỏa Thành. Đồng thời, nước này còn phát triển cái mà các nhà nghiên cứu chính trị gọi là “chủ nghĩa Lenin kỹ thuật số”, trong đó, những công nghệ mới nhất còn tạo điều kiện cho nhà nước giám sát dân chúng với mức độ sát sao và rộng lớn chưa từng có.

Tương tự như thế, nền kinh tế thị trường của Trung Quốc đã phát triển, nhưng tư nhân hóa thì không gia tăng. Không những thế, chính phủ còn giữ quyền kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất, còn các doanh nghiệp tư nhân thì được hướng dẫn nhằm phục vụ các ưu tiên của nhà nước. Trong lĩnh vực chính trị, thử nghiệm dân chủ chỉ được tiến hành ở cấp địa phương, và được phép khi nó giúp tăng cường được quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ví dụ, nhiều người nghĩ về thời kỳ cải cách, đặc biệt là những năm 1980, như là giai đoạn của diễn ngôn chính trị đa nguyên và xã hội dân sự ngày càng sôi động. Nhưng giai đoạn này cũng cũng có đặc điểm là bám sát vào “bốn nguyên tắc trọng yếu” của Đặng Tiểu Bình: Con đường xã hội chủ nghĩa; chế độ chuyên chính dân chủ của nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa Marx, Chủ nghĩa Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông.

Đặng [Tiểu Bình] lãnh đạo cuộc cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc, ông ta cũng là người lãnh đạo vụ tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Tương tự như vậy, trong khi thời kỳ Cộng hòa, nước này đã xây dựng những trường đại học mới và có những nghề nghiệp mới (trong đó có cả nghề luật sư), nhưng nước này cũng có “Khủng bố Trắng” do Tưởng Giới Thạch tiến hành và phong trào “Đời sống mới” theo xu hướng bảo thủ.

Ngay cả khi lịch sử Trung Quốc thời hiện đại đã có thêm những thành tố cải cách, nhưng bao giờ nó cũng bị vặn vẹo thành chế độ độc tài. Trong “Thời đại Mới” của Tập [Cận Bình] xu hướng độc đoán đang giữ thế thượng phong. Lịch sử sẽ cho biết liệu xu hướng mở cửa có tồn tại được hay không.

D.Y.H.

__________

Denise Y. Ho là giáo sư sử học tại Đại học Yale và là tác giả của cuốn: “Curating Revolution: Politics on Display in Mao’s China”.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.