Vì sao về hưu mới tham gia đấu tranh?

 

Trần Thị Thảo


Tôi nghiệm thấy: Mỗi lần tôi viết một Stt về một cá nhân nào đó đã về hưu , hoặc một cán bộ lão thành cách mạng nào đó có tinh thần yêu nước chống giặc phương Bắc hay chống tham nhũng… là thế nào cũng đọc được mấy cái comment ở phía dưới CHÊ TRÁCH, đại loại rằng:

– Khi còn đương chức đương quyền sao không nói gì, mà giờ về hưu mới nói ?

– Già sắp chết rồi mới nói thì tác dụng gì !

Trước kia, tôi cứ nghĩ : “ chỉ có vài người không trực tiếp tham gia đấu tranh và ít hiểu biết, nên mới nói như vậy. Nhưng bắt đầu từ sáng 30 Tết vừa qua, tôi mới thấy không phải vậy. Và đó chính là lý do tôi viết bài này để những người đang có suy nghĩ sai lệch việc những người về hưu tham gia đấu tranh với độc tài, để họ có thể hiểu được:

Sáng 30 Tết , sau khi thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Biên Giới năm 1979, mấy anh chị em chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê. Trong lúc nói chuyện có một bạn ít hơn tôi cả chục tuổi đã hỏi :

“ Tại sao khi về hưu chị mới tham gia đấu tranh chống độc tài? Chị thua những người trẻ hiện đang đấu tranh ở chỗ ấy”.

Một lần nữa mong người bạn đó và những người có suy nghĩ tương tự hãy nghe tôi giải thích, tôi hy vọng đây cũng là một bài học để KHAI DÂN TRÍ:

– Thứ nhất : Những người về hưu là những người đã cao tuổi ,ít nhất cũng thuộc thế hệ U 60, U 70 , còn có người thuộc U 80; U90 hay cá biệt như bác Nguyễn Trọng Vĩnh đã 103 tuổi nhưng bác vẫn tích cực chống tham nhũng và chống TQ xâm lược. Vậy các bạn hãy quay ngược về thời gian mà chúng tôi còn trẻ, đó là mấy chục năm về trước xem lúc đó đã có mạng Internet chưa? Nếu chưa có thì làm sao biết được chúng tôi có đấu tranh hay không. Hơn nữa, lúc đó nhiều bạn trẻ chưa ra đời, hoặc vừa mới sinh, hay còn nhỏ xíu thì làm sao biết được những người đi trước có đấu tranh hay không (tất nhiên trừ những người nổi tiếng như các bác Hoàng Minh Chính, Trần Độ…thì được truyền đến đời sau) . 

Xin bật mí : Nếu muốn biết những người cách đây mấy chục năm đấu tranh như thế nào thì các bạn trẻ hiện nay nên tìm đọc những HỒI KÍ hay TỰ TRUYỆN mà những người cao tuổi để lại, hoặc những Stt của nhiều người cao tuổi hiện nay còn sống như bác Nguyễn Khắc Mai, Giáo sư Tương Lai, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, các nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, Phạm Thành, nhà báo Nguyễn Tường Thụy , nghệ sỹ Kim Chi… hiện họ vẫn đang viết trên mạng, thì cũng thấy được họ đã sống và đã chiến đấu với những cái sai trái trong xã hội như thế nào. Đó là chưa kể nhiều người về hưu (trong đó có cả những người kể trên) còn tích cực xuống đường biểu tình và viết bài chống Trung Quốc xâm lược, chống hủy diệt môi trường còn tích cực hơn rất nhiều so với nhiều người trẻ tuổi khác hiện nay. Thực tế đã và đang chứng minh: Già nửa dân số VN là người trẻ tuổi , nhưng thử tính xem có bao nhiêu người trẻ dám đấu tranh với độc tài hay dám xuống đường chống Trung Quốc xâm lược biển đảo, chắc chắn số lượng đó chiếm tỷ lệ quá ít, đúng không?

– Lý giải thứ hai: Suốt mấy chục năm làm việc trong chế độ CS, nhiều người cao tuổi chúng tôi mới tích lũy được nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm để truyền thụ cho lớp trẻ hiện nay, nếu không thế thì sao các bạn trẻ hiện nay biết được suốt hơn 70 năm qua chế độ này đã làm những gì, đúng không? Như vậy, tuy muộn nhưng cũng có ích cho phong trào đấu tranh đấy chứ, phải không ?

– Còn một điều nữa mà buộc tôi phải nói ra để những người chưa chịu hiểu để biết được rằng: Muốn đấu tranh lâu dài thì phải có kinh tế, nếu chúng tôi không có lương hưu thì sống bằng gì để đấu tranh, mà thực ra lương hưu cũng là tiền của bản thân chúng tôi đã đóng bảo hiểm lúc còn đang công tác. Đó là mình tự nuôi mình để đấu tranh mà.

– Tuy nhiên, phải thừa nhận ở lứa tuổi chúng tôi khi còn trẻ thì đại đa số dân chúng (trong đó có tôi) chưa nhận thức rõ ràng, đầy đủ được những cái sai trái của chế độ độc tài, điều này có lý do của nó: lúc đó chiến tranh liên miên, cuộc sống quá khó khăn, vì vậy mỗi chúng tôi phải vật lộn để tồn tại. Hơn nữa, mọi thông tin với thế giới bên ngoài lúc đó đều bị bưng bít. Xin đơn cử một ví du: Lúc tôi còn trẻ, ở quê tôi, cả làng chỉ có một gia đình có cái Radio mác Orionton do Hung – ga – ri sản xuất , thời đó đài chỉ đưa tin về chiến thắng của quân ta và các nước XHCN. 

– Còn một điều thực tế phải thừa nhận rằng: Khoảng 20 năm trở lại đây, nạn tham nhũng, cửa quyền, hống hách trong giới quan chức và sự bành trướng xâm lược của TQ mới lộ rõ và ngày càng gia tăng nên nhiều người giống như cái lò xo bị nén lâu ngày, nay mới phải bật dậy. Đồng thời cũng phải cám ơn mạng xã hội trong mấy năm gần đây đã và đang phát triển rất mạnh nên đã kết nối được nhiều người, nhờ đó mà khích lệ những người về hưu dũng cảm đứng lên cùng với người trẻ đấu tranh.

T.T.T.

Nguồn: FB Trần Thị Thảo 

This entry was posted in Biểu Tình. Bookmark the permalink.