Từ U23 nghĩ về Ngô Hồng Quang

Thư giãn Chủ nhật

Mạc Văn Trang


Thành tích của tuyển BĐ U23 tại AFC 2018 đã đưa người hâm mộ VN bay bổng, phấn khích tột độ. Báo Nhân dân còn có bài “Tuyển VN vào chung kết U23 châu Á, thế nước mạnh, vận nước lên”! Với tôi, đó mới chỉ là chút hy vọng còn mong manh: BĐVN (chỉ BĐ thôi) sắp vươn lên tầm châu lục?

Nhưng nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang (NHQ) lại cho tôi ấn tượng sâu sắc và niềm hy vọng vững chắc rằng, anh thuộc diện quý hiếm hơn “U23”, đang đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra “sánh vai cường quốc năm châu” và “đem vinh quang về cho Tổ quốc”. Mặc dù anh chẳng có đông đảo CĐV hò hét phất cờ; chẳng có vị lãnh đạo nào hân hoan chào đón, tặng bằng khen; chẳng có các mạnh thường quân đua nhau tặng thưởng…; anh cứ lặng lẽ, âm thầm đi biểu diễn, tự kiếm sống, nhưng tôi vẫn tin tưởng, anh đang đem “Giá trị Việt ra với thế giới”… NHQ có gì để ta tin tưởng và hy vọng vững chắc hơn U23?

1. NHQ là nghệ sĩ có NĂNG LỰC và PHẨM CHẤT đáng tin cậy.

Năm 13 tuổi, NHQ rời quê Tứ Kỳ, Hải Dương thi vào Khoa Âm nhạc truyền thống của HV Âm nhạc VN với điểm tuyệt đối. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện VN, anh đã tiếp tục học và tốt nghiệp Thạc sĩ tại HV Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, năm 2016. Nhưng quan trọng là anh tự học, khổ luyện để phát triển tài năng. Anh đã học cách đem âm nhạc cổ truyền, dân gian diễn đạt bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại để phối hợp cùng các nghệ sĩ của nhiều quốc gia khác nhau, cùng biểu diễn với nhau. Để hợp tác cùng nhau trong các hoạt động chung, đòi hỏi anh phải có nhân cách độc lập, đáng tin cây, có chuyên môn cao ở tầm quốc tế để người ta chia sẻ, có tiếng Anh tốt để làm việc cùng nhau, hiểu nhau, tạo lập mối quan hệ thân thiết, lâu dài…

Tôi đã xem NHQ biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa châu Á Thái Bình Dương, ở Warszawa tối 2/8/2017 cùng Nguyễn Bảo Trung, một NS Ghita tại Mỹ, nhưng anh lại “phối khí” với NHQ bằng Beatbox. Hai NS trẻ VN đã làm cho dân Ba Lan, quê hương của Chopin, thán phục, vỗ tay không ngớt và sau buổi diễn, NHQ còn giao lưu, giải thích về các loại nhạc cụ dân tộc cho những người tò mò, vây quanh…

Lần 2 xem NHQ biểu diễn vào tối 16/12/2017, tại TT Văn hóa Raszyn, Warzawa, NHQ biểu diễn cùng nghệ sĩ Nhật Mieko Miyazaki; cô tốt nghiệp xuất sắc Nhạc Viện Tokyo, được đến Hoàng cung, trình diễn để Nhật hoàng và Hoàng hậu thưởng thức… Cô đang tu nghiệp tại Paris và được NHQ rủ rê, bay sang BL, cùng biểu diễn, theo lời mời của bạn bè người Việt tại BL, vốn hâm mộ anh.

Cuối buổi diễn tôi có hỏi, hai bạn đã quen nhau và phối hợp tập luyện thế nào để có buổi biểu diễn tuyệt như vậy?

NHQ Cho biết, cách đây mấy năm, hai nghệ sĩ đã quen nhau trong Liên hoan âm nhạc châu Á, tại Paris và đã thử biểu diễn cùng nhau… Trước khi sang BL lần này, 2 nghệ sĩ trao đổi chương trình biểu diễn, gửi bài qua email để tự chuẩn bị, và sang đây có một buổi để tập cùng nhau.

– Làm sao NS Mieko hiểu ngôn ngữ âm nhạc dân tộc VN để phối hợp nhuần nhuyễn vậy?

– Cháu chuyển ngôn ngữ âm nhạc dân tộc ra ngôn ngữ quốc tế, gửi cho Mieko và Mieko lại chuyển thành ký âm nhạc dân tộc của Nhật…

Nhiều người Ba Lan sành âm nhạc, xúm lại tò mò xem bản ký âm của Mieko, toàn những nét gạch ngang, sổ thẳng, gạch chéo… cực kỳ đơn giản!

Tôi cũng đã xem VTV4 giới thiệu một chương trình NHQ biểu diễn cùng nhạc sĩ jazz nổi tiếng Nguyên Lê – người Pháp gốc Việt.

Chỉ ngần ấy thôi, cũng chứng tỏ cái tầm của NHQ còn cao hơn, xa hơn Xuân Trường U23 đấy chứ! Còn báo Tiền phong gọi NHQ có “visa nghệ sĩ” toàn cầu…

2. NHQ nghệ sĩ trẻ ĐA TÀI.

NHQ biểu diễn nhuần nhuyễn hàng chục nhạc cụ dân tộc, mà anh còn có giọng hát “trời cho”, hát được bao nhiêu làn điệu dân ca các dân tộc, các vùng miền. Tôi đã xem NHQ lần lượt biểu diễn đàn Nhị, đàn Tính, đàn Bầu, đàn 3 dây của Tây Nguyên và đặc biệt là đàn Môi 3 lá, đàn Môi 1 lá, với sự “phối khí” Beatbox của Bảo Trung. Chỉ với những nhạc cụ cổ xưa, thô sơ mà anh tạo nên biết bao cung bậc, sắc màu âm thanh mang đậm bản sắc dân tộc thật kỳ ảo: lúc thì điệu Nam ai tha thiết nao lòng; lúc lại rộn rã náo nức “Lý ngựa ô”; lúc ầm vang tiếng cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng núi rừng; lúc lại tưng bừng, nhí nhảnh điệu xòe Tây Bắc với tiếng chim hót, suối reo, gió thổi; lúc thổn thức chia tay bạn tình và tiếng gọi bạn giữa núi rừng hoang vắng bằng tiếng sáo H’Mông… Tất cả đều như hút hồn khán giả…

NHQ biểu diễn đàn Bầu cũng rất điêu luyện, nhưng hình như đã quen thuộc; lạ lùng hấp dẫn nhất với khán giả lại là đàn Môi. Đàn Môi ba lá đã lạ, tạo nên những âm thanh kỳ ảo; đàn Môi một lá lại càng lạ, chỉ với 1 lá đồng nhỏ xíu trên môi và những ngón tay kỳ diệu đã tạo nên một thế giới âm thanh khó có thể tưởng tượng… Những tiếng vỗ tay không ngớt, những tiếng “ồ”… “à”… thán phục, người người nhấp nhổm cố nhìn cho rõ, cố ghi hình các nhạc cụ, nhất là chiếc đàn Môi, đã nói lên sức chinh phục của buổi biểu diễn tối 2/8/2017 đối với cư dân của xứ sở Chopin…

Buổi biểu diễn tại TT Văn hóa Raszyn, Warzawa, NHQ không mang theo nhiều nhạc cụ, nhưng hai nghệ sĩ song tấu nhiều nhạc phẩm của Nhật và VN bằng nhạc cụ dân tộc khác nhau rất hòa quyện; Meiko độc tấu và hát dân ca Nhật, NHQ đệm bằng Nhị và đàn Bầu; NHQ hát dân ca H’Mông, Quan họ và Meiko đệm đàn “Thập lục” Nhật… Tất cả thật nhuần nhuyễn…

NHQ đã nghiên cứu, cải tiến một số nhạc cụ dân tộc để dễ biểu diễn hơn mà vẫn giữ giá trị âm hưởng đặc sắc dân tộc…

NHQ còn là người chịu khó lặn lội đến các vùng miền nghiên cứu âm nhạc và văn hóa các dân tộc thiểu số để sáng tác nhạc. Trong đêm 16/12/2017 NHQ cùng Mieko đã song tấu nhạc phẩm “Chim họa mi” do NHQ sáng tác theo dân ca H’Mông rất tuyệt…

NHQ cũng tham gia thuyết trình, Xemine với đồng nghiệp quốc tế nhiều buổi về âm nhạc dân tộc VN rất hấp dẫn, thuyết phục…

Tóm lại NHQ đã đem giá trị âm nhạc của Tổ tiên, hiện đại hóa, quốc tế hóa, nâng tầm lên để hội nhập vào thế giới văn minh đem lại giá trị đích thực và niềm tự hào chân chính cho người Việt.

3. Thay lời kết.

NHQ và các bạn trẻ đang lặng lẽ âm thầm, làm việc trong các lĩnh vực Khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật… dẫu miệt mài, khổ công hàng chục năm trời mới có chút sản phẩm ngang tầm thế giới, nhưng, cũng đừng suy bì với U23 nhé. “Cái nước mình nó thế”, người ta cứ phải mắt thấy, tai nghe “đấu đá” tưng bừng, “lấm lưng, trắng bụng”, mới khoái chí.

Nhưng thôi cũng may, NHQ mà rơi vào động Vietjet Air, được tung hô tới mây xanh, được tặng huân chương và nhiều tiền thưởng, khéo lại say sưa bí tỉ tối ngày và vào CASINO thâu đêm, thì ôi thôi!

Mà NHQ nhớ này, Ngô Bảo Châu, nhà Toán học cũng từng đem “vinh quang về cho Tổ quốc”, nhưng chỉ lỡ lời một tí là thành “Con Trâu biết làm toán”! Cậu phải kheo khéo đấy, kẻo lại thành “Con Bò biết đánh đàn”!

06/2/2018

M.V.T.

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.