Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại

 

Thiền Lâm/ Cali Today

Ông Thiền Lâm có suy luận rằng trong đám cầm quyền của Đảng CSVN hiện nay cứ “100 thằng thì đến 99 thằng nhúng chàm”. Vâng, ông nói có thể đúng, vì trong hàng ngũ đảng viên cũng chưa phải người nào cũng đen tuyền hết. Nhưng thưa ông, vấn đề là ở chỗ có phải đích thực ông Trọng chủ trương tìm cho được người tốt để đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc nhất thể hóa hay không? Chúng tôi tuy không phải ở trong chăn mà chỉ đứng gần chăn hơn ông thôi, song cũng đã nhìn thấy rận bò lổm ngổm đấy ông ạ. Phe đảng hình như tìm được nhiều rận trong phe phái đối lập, nhưng họ lại quen với rận trong phe mình, không thấy ngứa nữa, vì thế biết đâu sau một cuộc thay đổi thì rận vẫn hoàn rận đấy. Xin ông hãy nán chờ ít lâu nữa rồi khắc biết.

Bauxite Việt Nam

Bộ phim kinh điển Mỹ có tựa đề “Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” cùng những nhân vật đặc trưng cho các bộ phận của cơ thể thời đại thời đó đang tương đồng với khuôn hình chính trị Việt Nam thời nay.

Giờ đây, đã rõ là đảng cầm quyền ở Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng không còn có thể mang đứa con “nhất thể hóa” của mình bỏ chợ. Nhưng nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến đảng lo lắng lẫn lo sợ không phải là “trách nhiệm với nhân dân”, mà chỉ đơn giản là đảng không biết hoặc chưa biết làm cách nào để “kiểm soát quyền lực”, khi mũi tên “nhất thể hóa” đã được bắn đi.

Ngay sau Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017 kết thúc cùng một kế hoạch triển khai “nhất thể hóa” được phát ra, dư luận xã hội, trong đó đặc biệt là giới cán bộ hưu trí và cựu thần có công với đảng, đã bày tỏ băn khoăn lẫn bức bối về “làm sao để chọn được người tốt để bố trí kiêm cùng lúc hai chức vụ Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kể cả Chủ tịch Hội đồng nhân dân?”.

Người tốt” hay “lãnh đạo tốt” là những khái niệm mà Ban Tổ chức trung ương nêu ra trong kế hoạch triển khai “nhất thể hóa”. Tuy nhiên như thế nào là “người tốt’ thì lại không được cụ thể hóa. Cũng có thể hiểu cách khác là nếu cụ thể hóa “người tốt” theo các tiêu chuẩn của “19 điều đảng viên không được làm” – một quy định lâu đời của đảng nhưng càng để lâu lại càng sinh tham nhũng tràn lan, nhiều cán bộ về hưu nói thẳng là cứ “sờ đến thằng nào là dính thằng đó”, nghĩa là “100 thằng thì đến 99 thằng nhúng chàm”.

Nếu tình hình của “giới tinh hoa của đảng” như vậy thì làm sao tìm ra được “người tốt”?

Mà nếu không tìm được “người tốt” thì đảng, hay chính xác hơn là nhóm của Tổng bí thư Trọng và Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính chỉ còn có thể chọn được những nhân sự “không tốt lắm”, hoặc nếu dùng phép loại suy thì chỉ còn lại “kẻ xấu”.

Nhưng “kẻ xấu”, tức ‘tốt vừa vừa”, vẫn còn hơn “tên vô lại”.

Tên vô lại” là khái niệm mà từ lâu nhiều dư luận đã trực chỉ vào giới cán bộ đương chức đương quyền – những kẻ mà nếu áp vào khung “19 điều đảng viên không được làm” thì xét ra chẳng còn thiếu mấy điều không bị “dính”.

Một trong những bằng chứng lộ hình sống động nhất là cho tới nay chủ trương kê khai tài sản cán bộ trong đảng vẫn chẳng đi tới đâu, hay nói cách khác là từ trung ương xuống địa phương đều giấu nhẹm “thành tích” của mình. Trong hai năm 2015 và 2016, đảng chỉ phát hiện có 5 – 6 trường hợp “kê khai không trung thực” trong số hơn 1 triệu công chức viên chức kê khai tài sản.

Trong bối cảnh quá nhập nhèm giữa người tốt, kẻ xấu và tên vô lại như thế, Nguyễn Phú Trọng quả thật là một người cô đơn. Ông Trọng có thể tự hào về quá trình được xem là “trong sạch” của ông, nhưng còn bao nhiêu cấp dưới của ông thì sao? Liệu ông Trọng có dám thẳng tay loại hàng triệu cấp dưới đã nhúng chàm?

Trong khi còn lâu mới “xử” được đám quan quân hỗn loạn phía dưới, chính Tổng bí thư Trọng lại đóng góp một phần không nhỏ vào nạn hình thành và tung tác sứ quân ở các địa phương. Đó là một chủ trương mà có thể phóng tác thành cái tên “nhất thể hóa 3 thành 1”.

Theo đó, “nhất thể hóa” theo cách “Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân” – một dạng “chính ủy chuyên quyền 3 thành 1” – sẽ không chỉ dừng ở cấp xã, huyện mà còn được phát triển lên thẳng cấp tỉnh thành. Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế Bí thư tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức “nhị quyền phân lập” – tức Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì nếu thực hiện cơ chế “3 thành 1”, các “chính ủy” sẽ “quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế – xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện “chính ủy” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia.

Một cách chính xác và rất có thể là chính thức, chủ trương “nhất thể hóa 3 thành 1” sẽ làm biến mất vai trò của tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp, kể cả cấp Quốc hội. Hội đồng nhân dân và Quốc hội – trong dĩ vãng vốn bị người dân xem là “cánh tay nối dài của đảng” và “vô tích sự” với một thao tác duy nhất là “gật theo đảng”, thậm chí sẽ không còn cơ hội để “gật” nữa. Sẽ có nhiều vấn đề mà một khi giới “chính ủy” do đảng bố nhiệm vào những vị trí then chốt của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đảng thông qua sẽ được triển khai luôn mà chẳng cần đến cơ chế “bấm nút thông qua” tại Hội đồng nhân dân hay Quốc hội, dù chỉ cho có.

Nhưng một xung đột rất lớn chính trong “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” là chỉ sau khi tung ra chủ trương “nhất thể hóa”, ông Trọng mới chợt nhận ra là đáng lẽ trước đó ông ta phải có được một cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát quyền lực, không để tản quyền biến thành cát cứ mà sẽ khiến định hướng cơ chế trung ương tập quyền của ông ta có nguy cơ bong bóng.

Chỉ đến gần đây, một vài hội nghị, hội thảo về chủ đề “kiểm soát quyền lực” mới được đảng tổ chức.

Còn Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính thẽ thọt: ‘Chúng ta đang có vấn đề trong kiểm soát quyền lực’.

Vậy thì đến bao giờ mới phân biệt rạch ròi giữa “người tốt”, “kẻ xấu” và “tên vô lại” trong đảng?

T.L.

Nguồn: https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/nguoi-tot-ke-xau-va-ten-vo-lai.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.