Hai ý kiến sóng đối

 

Gọi là sóng đối bởi trên cùng một trang FB của một vị luật sư, hai bài viết được đưa liền nhau, không nói rõ ra nhưng đối chọi chan chát. Một bên là câu chuyện một nhóm người rất trẻ, nếu xét về tiêu chí gọi là cách mạng thì xuất thân của họ không xoàng, học hành lại giỏi giang, bằng cấp đầy mình và đều là bằng cấp thứ thiệt. Nhưng họ đã coi thường việc chen chân vào bộ máy nhà nước để kiếm chút công danh bổng lộc, hồn nhiên dấn thân cho lý tưởng dân chủ hóa đất nước và cố nhiên phải hứng chịu hậu quả: vào tù.

Một bên là một lũ quan dạng đến tận răng, “ăn không chừa thứ gì”, nay lại còn toan tính hợp thức hóa bằng một thứ nghị định quỷ quái để có thể giành trước mỗi người một khoảnh đất đủ rộng rãi khi nằm xuống, được nhà nước xuất tiền công quỹ đưa ma, phúng điều, kèn trống, xây mộ linh đình.

Hãy thử so sánh xem, khi đặt bên cạnh nhau hai hình ảnh như trên thì điều rút ra được là gì? Rõ ràng, một hình ảnh là thuộc về tương lai dù rằng bàn chân họ đang điềm nhiên bước tới nhà ngục. Điều ấy thì số đông trong chúng ta đều đã đã rõ. Nhưng điều còn có ý nghĩa thông báo thâm thúy hơn chính là hình ảnh thứ hai: những kẻ đang bày tỏ hết oai quyền trên các cương vị điều hành bộ máy của đất nước – những kẻ này thực chất đã tự thừa nhận rằng mình không còn nghĩ được điều gì hay ho ngoài cái… sinh phần cho chính mình. Trách nào từ lâu đến nay, việc gì họ làm cũng đều đổ hỏng: văn hóa xuống cấp, kinh tế lụn bại, môi trường tan nát, biển Đông bị Tàu Cộng xâm chiếm…, không một việc nào không gây gây phản cảm cho toàn xã hội.

Nếu là người “đang sống”, nghĩa là đang đầy sinh lực, thì mười việc ít ra cũng được một vài việc chứ. Thế hỏi có đáng thương không?

Bauxite Việt Nam

Của cải và vị thế của người chết

LS Lê Văn Luân

Chết rồi còn muốn phân chia giai cấp và vị thế bằng cách xây nghĩa trang thật nguy nga dành riêng cho cán bộ cấp cao an táng.

Thế mới biết Karl Marx nói đúng, chỉ có loài súc vật mới quay lưng lại với đồng loại để chăm bẵm cho bộ lông của mình.

Đất nước còn nghèo, thuộc các quốc gia của thế giới thứ ba, thu nhập thấp, môi trường ô nhiễm, giáo dục tụt hậu, gần 1/4 (tức khoảng 20 triệu người) dân số sống ở mức đói, nghèo, cận nghèo. Nhiều nơi trẻ em không có trường để học, không có đường hay cầu qua sông, suối để đến lớp. Công nhân sống đời sống khổ cực và bấp bênh, bảo hiểm ít ỏi và khó khăn trong việc thụ hưởng. Việc nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ, khoa học, y tế hay an sinh xã hội, họ thường nại ra là không có đủ tiền để thực hiện.

Nhưng thử nhìn vào những tượng đài nghìn tỷ, những dự án đắp chiếu hoặc thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ nhan nhản rải khắp trên cả nước. Nay thì còn có thêm dự án mà người sống lo cho xương cốt có nơi trú ngụ lộng lẫy và trang hoàng như vua chúa xưa kia thường hay làm khi chết.

Người sống thì còn không đủ ăn, đủ mặc, không đủ phương tiện đến trường, nợ công thì tăng cao làm kiệt quệ ngân khố, nhiều tỉnh còn làm công văn xin hỗ trợ gạo hoặc ngân sách để có tiền chi trả cho các hoạt động thường xuyên của địa phương, nhiều nơi còn nợ lương công chức, viên chức. Thế mà họ rảnh rang lại bày ra dự án lên tới hàng ngàn tỷ chỉ để lo khi lìa đời họ vẫn được hưởng vinh hoa phú quý.

Người Do Thái có đạo Do Thái giáo và họ được giáo dục rằng, tài sản là do Chúa ban tặng cho mỗi người để quản lý và họ có trách nhiệm làm sinh sôi nó nhiều hơn lên, đồng thời với đó là việc người Do Thái luôn tâm niệm phải biết cho đi tài sản (mà thực chất là thuộc sở hữu của Thượng đế), phải khiến người khác cũng giàu có lên như mình. Thế nên đi đâu, sống ở nơi nào, thời kỳ nào, họ cũng luôn làm cho không chỉ họ trở nên thành đạt mà họ còn khiến cộng đồng người của họ cũng trở nên thịnh vượng.

Karl Marx và Lenin lập ra luận thuyết của mình với mong muốn sẽ xoá bỏ đi giai cấp người trong một xã hội (và không còn nhà nước), nhưng thế hệ các quốc gia tiếp nhận chủ thuyết này, mặc dù là những chủ nghĩa sai lầm cả về mặt lý luận học thuật nội tại lẫn thực tiễn, đã khiến sự phân định giai cấp ngày càng trở nên rõ nét và khủng khiếp hơn, đến cả khi chết họ vẫn cần có một khuôn viên riêng dành cho 4 từ “cán bộ cao cấp” như là một sự phân định lố bịch nhất.

 

Ngày mai các bạn trẻ ra tòa

LS Lê Văn Luân

Vào sáng ngày mai, 31/01/2018, sẽ diễn ra phiên xử sơ thẩm tại Trụ sở TAND thành phố Hà Nội đối với ba bị cáo là ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và bạn trẻ Trần Hoàng Phúc với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 BLHS 1999, sửa đổi 2009.

Riêng bạn trẻ Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, bị bắt khi đã học xong Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP HCM. Bạn sinh viên này có khoảng 500 chứng chỉ các loại về các khoá học, khoá đào tạo, từ trong nước đến quốc tế, trong đó có cả do Harvard cấp, với nhiều lĩnh vực hay chuyên ngành khác nhau. Bạn Phúc rất giỏi tiếng Anh, đã từng làm thư ngỏ trao đổi và kiến nghị gửi Tổng thống Obama đề nghị có quan điểm và cùng xử lý vấn đề thảm hoạ môi trường Biển do Formosa gây ra vào tháng 4/2016.

Đến đây, tôi lại nhớ tới ông Nguyễn Ái Quốc, đã cùng chí sỹ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường (do ông soạn thảo bằng tiếng Pháp vì lúc này ông Nguyễn Tất Thành chưa thạo tiếng Pháp) viết bản yêu sách gửi tới Versailles, Pháp, để yêu cầu chính quốc này phải thực hiện các đòi hỏi (Bản yêu sách 8 điểm):
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Ông Nguyễn Ái Quốc đã từng bị xét xử vắng mặt ở Trung Kỳ với mức án tử hình. Sau đó với tên Tống Văn Sơ, bị bắt và xét xử ở Hong Kong, ông ấy đã được luật pháp văn minh và luật sư của Anh Quốc bảo vệ hết mình cùng một loạt sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền quốc tế, ông Hồ được thả và trục xuất theo một hướng và về một quốc gia không thể biết trước.

Bạn trẻ này là một người có vóc dáng cao lớn (1m82), tâm hồn trong trẻo, giàu nhiệt huyết, có tiềm năng và nhiều cơ hội để có thể tìm kiếm một công việc, cuộc sống tốt cho mình với một mức lương cao trong một môi trường cộng đồng nước ngoài và quốc tế. Bạn ấy cũng sống và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Ông ngoại là người hoạt động tình báo, Mẹ là giáo viên dạy văn. Tuy nhiên, bạn trẻ đã lựa chọn đi theo những gì chính bên trong mình mách bảo, từ trái tim đến lương tri cùng nhận thức của chính bản thân chàng trai đó thức tỉnh, trong khi những người trẻ cùng lứa tuổi khác thường thờ ơ, không bận tâm đến tình hình đất nước hoặc sống thiếu đi định hướng, khát vọng hay mưu cầu những giá trị hữu ích mà có thể cống hiến cho con người, xã hội và quốc gia.

Bạn trẻ đó, đang đối diện với bức tường đầy oái oăm và oan nghiệt, bị cáo buộc với một tội danh về “tuyên truyền”, một hình thức thuộc về quyền tự do ngôn luận, với vai trò là một người giúp sức, mà thực chất vô cùng mờ nhạt và không thực sự rõ ràng để có thể kết tội một cách thoả đáng.

Sau bạn trẻ cùng tuổi Phan Kim Khánh, một sinh viên khá xuất sắc Khoa quốc tế và từng là đoàn viên ưu tú của Trường Đại học Thái Nguyên, bạn Trần Hoàng Phúc lại trở thành tội nhân của những điều luật vô cùng mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học pháp lý và thực tiễn đối với một xã hội văn minh.

Bạn trẻ ấy mong rằng, ngày mai ra toà, sẽ không bị ngắt điện khi chính bạn ấy đang thực hiện lời bào chữa. Bạn ấy cũng mong rằng, sẽ được tự bảo vệ mình như Fidel Castro đã từng tự hùng biện trong suốt 4 tiếng đồng hồ mà không bị cắt lời trong chế độ và chính quyền độc tài cái thời đã đem ông ta ra xét xử trước một phiên toà đầy tai tiếng đã được lưu lại cho sử sách mà sau này là niềm tự hào của chế độ cộng sản Cuba cũng như toàn quốc tế đánh già và nhận định.

Ngày mai, bạn trẻ ấy ra toà, với một nụ cười rạng rỡ, vô tư.

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.