Trúc Giang (VNTB)
Công điện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hăm he về khả năng sẽ dùng lực lượng công an trấn áp mạnh bất kỳ tài xế nào dám phản ứng với các trạm BOT đường bộ. Tuy nhiên diễn biến vài ngày gần đây cho thấy phía chính quyền địa phương, dường như không mấy “mặn mà” với nội dung công điện đóng dấu “hỏa tốc” này của văn phòng Chính phủ.
Nhiều luật sư ở Sài Gòn đang ngờ rằng các nội dung trong bản hợp đồng BOT đường bộ đang cất ở văn phòng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu công khai cho bàn dân thiên hạ biết thì sẽ lộ ra ngay những điểm chết, đưa đến việc đây là những hợp đồng vi phạm hình thức, hoặc nặng nề hơn là những hợp đồng vô hiệu.
Trong các hợp đồng BOT mà người viết được nghe kể, hầu hết các nhà đầu tư đều đi vay vốn ngân hàng với tỷ lệ lớn, có khi lên đến hơn 85% và vốn tự có chỉ 15%. Nghe nói hợp đồng BOT đoạn Quốc lộ I Cai Lậy, Tiền Giang với chiều dài khoảng 40 cây số, có tổng vốn đầu tư được công bố trên báo chí là gần 1.400 tỷ, nhưng thực ra chủ đầu tư chỉ có trên 200 tỷ (về lý thuyết), đi vay gần 1.200 tỷ đồng (con số vay này có lẽ đúng sự thật, vì liên quan đến báo cáo nợ xấu của ngân hàng).
Không chỉ vậy. Ở điều khoản về sự kiện bất khả kháng, các hợp đồng BOT đường bộ cũng cài thêm nhiều lý do khiến nhà đầu tư được kéo dài việc thu phí. Đơn cử, trường hợp nếu việc thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư như tính toán – ví dụ như trạm BOT Cai Lậy đang dừng thu phí trong 60 ngày, thì Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư không phải trình cơ quan nào khác về việc thay đổi thời gian thu phí, mà hai bên tự thương thảo theo hướng kéo dài cho nhà đầu tư.
Tương tự, dự án mở rộng đoạn quốc lộ I tỉnh Bình Thuận chiều dài 44,7 cây số, tổng vốn đầu tư công bố trên báo chí là gần 2.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ gần 400 tỷ đồng, còn lại vay gần 2.200 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn). Và vẫn thòng câu quen thuộc trong hợp đồng: “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”.
Như vậy dễ thấy rằng ở đây có sự vô lý rõ rệt thể hiện ở chỗ, Nhà nước huy động tư nhân vào đầu tư hạ tầng vì Nhà nước thiếu tiền. Nhưng nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cũng lại chỉ dựa vào vốn vay để thực hiện dự án. Mâu thuẫn còn ở chỗ là nếu để Nhà nước đi vay bằng trái phiếu, rồi đầu tư làm đường, chắc chắn lãi suất thấp hơn so việc nhà đầu tư đi vay ngân hàng, qua đó người dân sẽ phải qua trạm với số tiền “đóng phí” ít hơn, thời gian cũng ngắn hơn so với nhà đầu tư gắn mác tư nhân.
Một quan chức am tường chuyện hậu trường làm ăn ở Bộ Giao thông vận tải, kể rằng hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay đều có điều khoản bí mật ràng buộc các bên không được tiết lộ thông tin về tài chính, pháp lý hay kỹ thuật của dự án. Những ràng buộc này là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích công gồm cơ quan đại diện nhà nước là Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư, người sử dụng là các doanh nghiệp vận tải và người dân. Có nhiều chủ thể tham gia, nhưng ở đây chỉ có hai đại diện ngồi lại ký kết cho một cú áp phe, tức là đã sai về mặt nguyên tắc.
Bên cạnh đó, quá trình mời gọi nhà đầu tư, thẩm định, đàm phán ký kết hợp đồng cũng là một quá trình mật, vì phía Bộ Giao thông vận tải chỉ định thầu không ai biết cả. Các nhà thầu có năng lực về phát triển hạ tầng khác cũng không biết để tham gia. Như vậy, Bộ Giao thông vận tải đã công khai triệt tiêu sự cạnh tranh về chất lượng, năng lực về công nghệ và cạnh tranh cả về giá, phí.
“Khi loại trừ những khả năng cạnh tranh đó thì ai là người có lợi? Chắc chắn chỉ có hai bên. Do đó, tôi cho rằng, đó không phải là giao dịch kinh tế thực sự, mà là sự móc ngoặc, đi đêm với nhau”. Viên chức này kết luận.
Một câu hỏi đặt ra ngay lúc này là các chủ đầu tư BOT, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có phải sợ phản ứng của các nhà xe như đang diễn ra ở các trạm BOT? Câu trả lời là hoàn toàn không. Thủ tướng đã không chút e dè phát lệnh “hỏa tốc”, sẳn sàng trấn áp bất kỳ tài xế nào dám phản ứng chuyện thu phí BOT.
Cái mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sợ nhất là khi những việc thuộc về hợp đồng BOT được công khai và mổ xẻ. Họ sợ nhất là hợp đồng BOT bị vô hiệu. Bởi nếu công khai các hợp đồng, có thể các chuyên gia sẽ chỉ ra ít nhất là ba điều làm cho hợp đồng vô hiệu ở một số dự án BOT: vi phạm điều cấm của pháp luật (dễ thấy nhất là chỉ được quyền thu phí trên tuyến đường làm mới 100%); vi phạm căn cứ pháp luật về uỷ quyền; và tính trung thực của một số điều khoản.
Nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực tâm muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực lòng “nhóm lửa đốt lò”, thì hãy công khai ngay các hợp đồng BOT đường bộ trên cả nước. Khi ấy, có lẽ “rừng” sẽ cháy, chứ không chỉ có ‘củi’!
T.G.
VNTB gửi BVN