Một học giả Pháp thế kỷ trước đã viết vừa tinh tế vừa khinh bỉ rằng “Người Việt có thói ghét kẻ la làng hơn ghét kẻ cắp”. Qua vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn đang diễn ra có thể thấy rõ cái méo mó loạn chuẩn mang tầm dân tộc của dân ta ngày nay, minh chứng cho nhận xét sâu sắc của học giả này. Bọn tham nhũng kết nối với nhau thành những tập đoàn lợi ích ăn cắp hàng tỷ đô la, chất núi nợ lên đầu con cháu chúng ta đến mấy thập kỷ chưa trả hết. Vậy mà không ít kẻ ra vẻ trí thức, mang tinh thần pháp trị cấp tiến, mang nhiệt huyết chống cộng phô trương, lại làm cái việc “Ghét kẻ la làng hơn ghét kẻ cắp” một cách tự tin, như thể mình đang thương xót, bênh che và ngợi ca tội phạm trong trò chơi “Đấu tranh chui có thưởng”. Đấu tranh với thể chế kiểu đó cũng là thứ mượn gió bẻ măng, lén lút và “tham nhũng” uy tín chống cộng trong chính trị. Ném quả bóng thương xót vào Đinh La Thăng để mong nó bật vào khung thành thể chế, thực chất là đá vào khung thành của nhân dân. Tôi đã hết lời ủng hộ tác phong Đinh la Thăng và vẫn sẽ tiếp tục khẳng định như một tác phong bứt phá lên khỏi tác phong chui lủi dưới mẫu số chung tập thể để chây ỳ níu kéo nhau của thể chế này. Nhưng tác phong điều hành ấn tượng, hiệu quả, cũng như những chai rượu ngon tặng cho bè bạn, dăm ba thứ quà vặt và hàng loạt cử chỉ thân thiện chan hoà kiểu bá vai bá cổ sao có thể là bằng chứng cho sự tử tế và vô tội, trong khi tính ra giá trị vật chất thì không bằng một phần tỷ những gì mà đám ấy đã bỏ túi hay làm thất thoát. Cho nên nếu là chân thành thì xem lại tư duy và bảng giá trị của mình, xem lại việc đem chuẩn mực pháp lý phương Tây để đo đạc và thương xót cho tội phạm, trong khi nếu đem chuẩn mực của Mỹ của Tây đo số phận người lương thiện, thì phải khóc thương dân và căm ghét đám Đinh La Thăng gấp ngàn vạn lần mới là người có trái tim và đầu óc bình thường. Nếu trong tâm can cũng biết là như vậy, nhưng lại láu cá né tránh đấu tranh trực diện, muốn tỏ ra thương xót Thăng để gián tiếp tỏ lập trường “dân chủ” chống đối thì hãy thôi đi!
1. Bị cáo ĐINH LA THĂNG – Người như tôi biết
Lê Kiên
Khi ông Thăng nhận án kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương, ra khỏi Bộ Chính trị, thôi chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM, tôi có viết vài note trên facebook. Ông gọi điện, nói gọn: “Anh đọc trên fb, cảm ơn chú. Nhưng mọi chuyện an bài rồi, chú đừng viết thêm gì nữa, người ta ngứa mắt rồi lại ảnh hưởng đến công việc của chú”.
Nay, ông đang là bị cáo trước Toà, không có cơ hội gọi điện cản tôi viết nữa. Và tôi viết những dòng này không chỉ cho riêng ông, mà cho VN quê hương tôi.
Đường đời & đường đất nước
Ông Thăng “ngồi” vào ghế Bộ trưởng GTVT vào thời điểm mà nhiều ĐBQH đề nghị tuyên bố tình trạng tai nạn giao thông mức thảm hoạ, năm cao điểm có tới 13.000 tử nạn vì thảm hoạ này. Nhiều vụ tai nạn xe đối đầu, thương tâm, thảm khốc xảy ra trên những cung đường thổ tả.
Ông Thăng tiếp nhận dự án mở rộng Quốc lộ 1A (dài 1.887 km từ Hà Nội – Cần Thơ) với một núi công việc, đặc biệt là công tác bồi thường, thu hồi đất với 25.000 hộ dân (7.500 hộ phải tái định cư). Trưởng ban chỉ đạo công tác này thời đó, hiện nay là đương kim Thủ tướng, nhưng để dự án về đích đúng lệnh của Trung ương và Quốc hội, không ai có thể làm mờ được vai trò của “đốc công” Đinh La Thăng. Không ngại mưa nắng, không nghỉ thứ Bảy Chủ nhật, không nghĩ lễ, ông dành mọi thời gian đến công trường. Ở những điểm nóng, chắc hẳn đến nay nhiều lãnh đạo địa phương vẫn còn nhớ câu ông Thăng thường nói: “cố gắng vận dụng mọi cơ chế có thể để bồi thường mức cao nhất cho người dân”…
Tôi đã ở Thủ đô 18 năm để làm nghề viết lách, đã đi đủ mọi cung đường của đất nước, đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc với cảnh xe khách đấu đầu, những chiếc xe tải rùa bò, những chuyến phà mỏi mòn chờ sớm tối…
Khi ông Thăng kết thúc nhiệm kỳ “ngồi” (mà chẳng bao giờ được ngồi) ghế Bộ trưởng GTVT, thì Quốc lộ 1A đã thông toàn tuyến – tuyến huyết mạch rộng rãi khang trang nhất kể từ thời tổ tiên để lại. Tai nạn giao thông vẫn còn rất nặng nề, nhưng so với thời cao điểm thì đã giảm được 5.000 người chết.
Không quyết liệt, bạo liệt như Đinh La Thăng, không có kết quả ấy (cứ so sánh với những người tiền nhiệm, kế nhiệm của ông thì thấy rõ).
Khi vài “điểm nóng” BOT xảy ra, có nhiều người coi ông như tội đồ (tôi đã viết về việc này nên không viết lại. có những việc chúng ta cần hàng chục năm trải nghiệm mới nhận ra).
Quốc lộ 1A khang trang, giảm đi 5.000 ngàn nhân mạng chết oan uổng mỗi năm, và nhiều tuyến đường khác được hoàn thành, công lao là của “cả hệ thống chính trị”, còn những nguyền rủa nhằm vào ông Thăng.
Tập đoàn kinh tế và nỗi đau thể chế
Bị cáo Đinh La Thăng đang đứng trước Toà với cáo buộc phạm tội thời ông làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia VN. Báo chí đăng tin ông đã nhận trách nhiệm người đứng đầu và xin Toà xem xét cho cấp dưới.
Chắc chắn sẽ có án dành cho ông. Tôi không bàn chuyện này, vì đó là việc của các cơ quan tư pháp.
Tôi quay lại câu chuyện các tập đoàn kinh tế nhà nước của VN. Với tiền thân là các tổng công ty 91 được thành lập hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến năm 2005 thì tập đoàn kinh tế đầu tiên được thành lập là Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN, một năm sau đó thì Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN được thành lập.
Tôi nhớ, trong suốt 2 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch luôn ra rả đề nghị hoàn thiện thể chế kinh tế đối với các tập đoàn, ông nói thẳng rằng ở nước ngoài thì mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước được quản lý bằng một đạo luật riêng. Nhưng đề nghị của ông Lịch không nhận được quan tâm đúng mức, hoặc là do vấn đề quá khó hoặc là do người ta không hiểu những gì vị TS kinh tế này cảnh báo.
Cũng như trước đó, năm 2010, đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ việc ở Vinashin, thì có vị đại biểu Quốc hội đứng lên phản kích: “đừng vì Vinashin mà làm phức tạp tình hình”. Cái vị phản kích ấy đang giữ một chức vụ hàm Bộ trưởng, còn GS Thuyết trở về với công việc viết sách giáo khoa thân thuộc của mình.
Kể từ khi Thủ tướng quyết định “thí điểm” thành lập mô hình tập đoàn kinh tế đến nay, chưa có ai chính thức tuyên bố kết thúc thí điểm mô hình này, mà chỉ có sự điều chỉnh (ví dụ từ chỗ cho kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và sau đó yêu cầu thoái vốn, tập trung cho lĩnh vực chính).
Trong quá trình “thí điểm”, chúng ta đã chứng kiến gần như tập đoàn nào cũng “có chuyện”. Vậy mà hơn 20 năm rồi, thể chế quản lý DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, vẫn chưa được hoàn thiện.
Hàng loạt các lãnh đạo tập đoàn bị kỷ luật, bị truy tố, xét xử, thụ án. Ông Đinh La Thăng không là ngoại lệ. Trong số những người bị kết án, có nhiều người đã tận hiến cả cuộc đời vì công việc, vì nghề mà họ yêu thích, có nhiều thành tích nổi bật làm lợi cho đất nước, quê hương. Tôi đơn cử trường hợp ông Phùng Đình Thực, một người con sinh ra từ vùng đất hiếu học Hoằng Hoá quê tôi, là một du học sinh giỏi nổi tiếng, bảo vệ luận án TSKH về dầu khí biển tại Liên Xô. Khi về nước, ông xuôi ngược Bắc – Nam, dặm trường từ đồng bằng đến biển cả, để tìm dầu. Ông có nhiều sáng kiến hết sức có giá trị đối với ngành kinh tế chủ lực – là cứu cánh của hầu bao ngân khố VN mấy chục năm nay.
Làm 100 dự án thành công, những chiếc bằng khen và thậm chí là danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN như ông Phùng Đình Thực, có thể không ai nhớ; nhưng chỉ một dự án thất bại, sai lầm, sai phạm, thì bị nguyền rủa suốt đời.
Hẳn nhiên là sẽ có người nói: không muốn bị đi tù thì khi đương chức đừng có sai phạm.
Hôm kia tôi đọc fb của một anh bạn nhà báo, đại ý rằng khi một lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố thì đó là sai phạm của cá nhân, nhưng khi nhiều lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo ở nhiều tập đoàn bị khởi tố, thì phải xem lại cái thể chế ấy có lỗi gì không?
Nhìn ở góc độ này, không ít người vừa là tội nhân, lại vừa là nạn nhân.
Ông Đinh La Thăng – người như tôi biết
Có những người ác ý, họ thường thêu dệt hình ảnh ông Thăng bên chai rượu Macallan 30. Và khi toà đang xét xử ông trước cáo buộc “cố ý làm trái”, thì họ mặc nhiên khẳng định chắc nịch: đó là tham nhũng.
Khi một số người có thiện cảm với ông Thăng công khai viết stt, thì có những người khác lấy vài ví dụ về một vài người oán thù làm dẫn chứng, rồi dẫn dắt theo các câu chuyện của riêng họ.
Những chuyện trên cũng bình thường. Cuộc đời là thế.
Ông Thăng dường như chẳng có bí mật gì. Ông là người sống thật, không giấu được cảm xúc. Cuộc sống cũng vậy. Từng là Chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn nhất nước, chắc chắn ông chủ trì nhiều cuộc tiệc tùng có rượu tây, với các món đặc sản. Những cuộc tiệc như vậy, nhiều lãnh đạo trong thể chế này từng chủ trì. Có khác, là trong khi có những lãnh đạo uống macallan 74 hoặc chivas 38 sau khi “sân khấu” đã đóng rèm, thì ông Thăng thích đông vui với bạn bè, anh em, không một chút cảnh giác.
Ông Thăng ở trong một căn chung cư, chưa chắc đã sang trọng bằng căn hộ của ông Chủ tịch cấp huyện, còn so với căn penthouse cỡ như Bộ trưởng Y tế đang ở tạm thì nó nhỏ hơn rất nhiều. Ông không có biệt phủ. Ông không chơi golf. Ông cũng không đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài…
Ông Thăng uống rượu tây nhưng cũng vui vẻ dùng rượu đế. Kể từ khi ông ứng cử ĐBQH ở 6 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, năm 2011 đến nay, ông đã nhiệt tình dự hàng trăm cuộc rượu ngô, rượu sắn với quan chức cấp xã cấp huyện và cử tri vùng cao…
Lần gần đây nhất, sau kỳ họp Quốc hội, khi tình cảnh với cá nhân ông đã rất căng, có người khuyên ông thôi đừng đi tiếp xúc cử tri nữa. Nhưng ông vẫn quyết định đi tiếp xúc cử tri, đến xã Mường Chanh cao nhất ở vùng biên giới của huyện biên giới cao, xa nhất – Mường Lát, Thanh Hoá. Trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối cùng ấy, cô con gái ông đã mua gần một ngàn chiếc áo khoác ấm để ông tặng các học sinh cấp 1, cấp 2. Tặng xong, khi đoàn chụp hình lưu niệm với nhà trường, ông đã xua tay, và lúc ấy tôi nhìn thấy trong mắt ông thấm đẫm nỗi buồn.
Đêm cuối cùng ở Mường Lát, cả đoàn uống rượu ngô, có 2 chai rượu tây vừa được tặng thì ông đem nó tặng lại trưởng công an huyện Mường Lát để chúc mừng một sỹ quan công an người dân tộc trẻ tuổi vừa được thăng quân hàm vì những chiến công đánh án ma tuý…
L.K.
Nguồn: http://doctinmoi24h.info/bi-cao-dinh-la-thang-nguoi-nhu-toi-biet/
2. Bi kịch của ông Đinh La Thăng: Thành “tội đồ” vì không muốn kinh tế Việt Nam phụ thuộc nước ngoài mãi
Bạch Hoàn
Nhiều người nói rằng, hôm bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Đinh La Thăng rất run vì quá bất ngờ. Thực ra không có bất ngờ nào cả. Khoảng hai tháng trước ngày khởi tố, ông Thăng đã thường xuyên phải lên làm việc với C46, Bộ Công an. Vài ngày trước hôm khởi tố, ông Thăng có mời bạn đến nhà, gặp gỡ trước ngày ông rời tổ ấm của mình để đến một nơi ở mới là nhà giam. Ông ấy biết trước số phận của mình.
Khi xảy ra sự việc Trịnh Xuân Thanh với cái xe biển xanh, tôi có hỏi ông Thăng mọi sự sẽ ra sao và cũng thẳng thắn rằng, cảm giác của tôi là cái đích đến sẽ là chính ông ấy – Đinh La Thăng. “Cứ để họ làm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang vào kiểm tra rồi em à”, ông ấy nói.
Ông Thăng, có vẻ bình tĩnh đón nhận mọi mưa gió cuộc đời từ khi ấy, dù ông vẫn cho rằng những việc mình làm là cần thiết.
“Nếu anh không xin chủ trương tăng cường nội lực, thì sẽ vẫn mãi phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Thực tế, từ nền móng chỉ định thầu để nhà thầu trong nước thực hiện, ngành dầu khí hiện nay có thể đảm đương được nhiều dự án lớn. Chẳng lẽ chúng ta cứ phụ thuộc vào nước ngoài mãi sao?”. Trong một lần trò chuyện, ông Thăng nói như vậy với tôi.
Nếu ai cũng đi theo lối mòn thì làm sao phát triển được? Nhưng trong cơ chế hiện nay, nếu phá cách, dám đương đầu, dám thay đổi, dám thử nghiệm, thì rất dễ nhiệm kì trước được khen là dám nghĩ dám làm, nhiệm kì sau sẽ bị xét lại. Người được khen hôm qua, hôm nay sẽ thành tội phạm.
Mô hình nhà nước làm kinh tế, với những tập đoàn lớn nắm giữ các hầu hết các nguồn lực quốc gia, thực sự là một sai lầm. Nhà nước làm kinh tế, người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải đóng hai vai, vừa thực hiện công việc của một doanh nhân, lại vừa phải làm nhiệm vụ của một cán bộ nhà nước.
Doanh nhân làm kinh tế thì đương nhiên là có được có mất, có thương vụ lời, có dự án lỗ. Lời, lỗ trong kinh doanh là bình thường. Nhưng khi là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, làm 10 dự án, 9 dự án lời được khen, 1 dự án lỗ sẽ rơi vào tình thế quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước vướng vào lao lý là một minh chứng cho thấy, khi kinh doanh bằng những đồng tiền của người khác thì việc để lãng phí, thất thoát, có lẽ là chuyện tất nhiên. Đặc biệt là khi cơ chế kiểm soát quyền lực không hữu hiệu, mô hình nhà nước làm kinh tế càng dễ thua lỗ, gây lãng phí nguồn lực, thất thoát tài sản quốc gia.
Không phải riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có dự án thua lỗ. Hãy thử nhìn sang các tập đoàn điện lực, than – khoáng sản, nhìn sang cao su, đóng tàu, lương thực… đâu đâu cũng thấy thua lỗ, nợ nần, dự án chậm trễ, đắp chiếu, lãng phí vô độ.
Ông Đinh La Thăng chỉ là một cá nhân bị đưa ra xử lý vì những việc ông làm trong thời kì làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Nếu bới ra, thì sẽ còn rất nhiều những Đinh La Thăng khác, ở những tập đoàn kinh tế nhà nước khác.
Không biết người ta đã nhìn ra câu chuyện về ông Đinh La Thăng như một bài học để lên tiếng cho sự thay đổi hay chưa? Có lẽ là chưa, vì Hiến pháp năm 2013 vẫn coi kinh tế nhà nước là chủ lực và hiện giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu gì thay đổi. Kinh tế tư nhân vẫn chỉ giữ vai trò quan trọng, còn chủ lực vẫn xác định là nhà nước.
Thế nên, hãy xác định trước rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đều có thể là tù nhân dự bị khi cần.
Theo FBBạch Hoàn
3. Doanh nghiệp nói gì về ông Đinh La Thăng?
Theo Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Séc
Bạn nhìn nhận ông Thăng với góc nhìn thế nào là quyền của bạn, nhưng với Tôi thì góc nhìn về ông Thăng sẽ khác nhiều người.
Khó khăn về đăng kiểm tàu thuyền công nghệ mới PPC kéo dài suốt nhiều năm và được ĐBQH tỉnh BRVT chất vấn tại kỳ họp Quốc hội năm 2015. May mắn đã đến khi tôi được ông Thăng mời ra HN họp tại Bộ GTVT. Cuộc họp với sự tham dự của rất nhiều thành phần, ông Thăng đã lắng nghe phản biện của DN và ngay lập tức khó khăn về đăng kiểm đã được tháo gỡ.
Cũng tại cuộc họp ngày 17/6/2015, vấn đề xã hội hóa về đăng kiểm tàu thuyền đã được đặt ra để tạo điều kiện cho DN phát triển nhưng khi BT Nghĩa về thì khó khăn về đăng kiểm tàu PPC lặp lại và việc xã hội hóa đăng kiểm sẽ chẳng biết khi nào mới thực hiện được.
Vướng mắc về đăng kiểm tàu PPC đã kêu đến Thủ tướng, Quốc hội và nhiều bộ ngành nhưng không ai giải quyết được vì không có một lãnh đạo nào có cái tầm và cái tâm để giải quyết.
Một câu chuyện nhỏ về đăng kiểm chiếc cano mà mất 5 năm trời cả một bộ máy nhà nước chưa giải quyết xong thì còn những việc khác không biết thế nào.
Ai làm cũng có thể sai và đặc biệt trong cơ chế hiện nay tôi đố ông nào dám nói mình làm không sai, chỉ trừ khi những ông ngồi chờ thằng khác sai để lên chức. Nhưng không phải mọi cái sai đều có thể hình sự hóa. Ông Thăng là người quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi hy vọng các luật sư sẽ giúp ông và các CQTT chứng minh sai phạm một cách thuyết phục.
Việc chứng minh TP một cách thuyết phục cũng sẽ giúp cho cán bộ công chức nhà nước yên tâm khi làm việc, tránh tâm lý sợ trách nhiệm nặng nề như hiện nay đang cản trở sự phát triển của xã hội.
V.V.Đ.
Nguồn: http://baotinmoi24gio.info/doanh-nghiep-noi-gi-ve-on-g-di-nh-la-thang/