Người dân TP HCM băn khoăn “cơ chế đặc thù giúp gì cho họ”

Thiên Ngôn

 

Chỉ cần đọc bài tiếp theo bài này là chắc chắn hết băn khoăn.

Bauxite Việt Nam

 

Theo lãnh đạo các cơ quan báo chí, vấn đề người dân quan tâm nhất lúc này là cơ chế đặc thù có hay không giải quyết được kẹt xe, ngập nước.

Ngày 9-1, tại buổi gặp gỡ giữa thường trực Thành ủy TP HCM với lãnh đạo các cơ quan báo chí về việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, Tổng biên tập báo Công an thành phố Trần Trọng Dũng nói rằng-, người dân không quan tâm đến các vấn đề vĩ mô-, mà chỉ muốn biết cơ chế này có hay không làm cho thành phố bớt kẹt xe, ngập nước. “Cả đề án đô thị thông minh cũng thế, người dân không quan tâm các chuyện lớn lao đâu, chỉ quan tâm hai vấn đề nóng nhất đó thôi” – ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, ông Mai Ngọc Phước – Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM – đề nghị thành phố cho biết cụ thể giải pháp chống kẹt xe, ngập nước khi áp dụng cơ chế đặc thù. Ngoài ra, vấn đề tăng lương, tăng lệ phí và mức phạt giao thông cũng là những việc người dân muốn biết.

Ông Nguyễn Đức Liên – Trưởng đại diện báo VietNamNet tại TP HCM – nói vấn đề người dân muốn biết là “họ được lợi ích gì khi thành phố có cơ chế mới”, nhất là về giáo dục, y tế, giải pháp về an ninh trật tự.

Trong khi đó bà Lê Huyền Ái Mỹ – Tổng biên tập báo Phụ nữ TP HCM – cho rằng báo chí đang chờ thành phố xác định 18 đầu việc trong các lĩnh vực, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, tự quyết một số loại thuế, phí, tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định… sẽ được thực hiện như thế nào trong 3 năm tới.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cảm ơn các ý kiến và cam đoan tạo điều kiện tối đa cho báo chí tiếp cận thông tin về cơ chế đặc thù. Nghị quyết 54 của Trung ương đã cho HĐND thành phố những cơ chế vượt trội hơn quy định hiện hành nên phải có Nghị quyết của Quốc hội. “Có thể có một số quy định mới được thí điểm khi thành phố triển khai cơ chế đặc thù nhưng chắc chắn không vi phạm quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tỉnh, thành nào” – bà Tâm khẳng định.

Còn Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã lập 2 tổ công tác để triển khai cơ chế đặc thù. Ông đứng đầu tổ nghiên cứu về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, tăng lương cán bộ… Tổ còn lại do Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phụ trách về các thủ tục đầu tư, tài chính, ngân sách. “Tinh thần là 2 tổ tuần nào cũng họp, dự kiến cuối tháng 3 sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch và phải xong trước tháng 6 thì mới kịp triển khai” – ông Phong nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra TP HCM có 2 đặc thù là đô thị lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Quan trọng nhất là thành phố có dân số lớn nhất nước (năm 1975 chỉ có 3,5 triệu dân nhưng nay đã hơn 8 triệu), mật độ dân số bằng gần 17 lần cả nước. Bình quân 8 năm tăng thêm một triệu dân đã kéo theo nhu cầu về xã hội tăng, tạo áp lực đô thị rất lớn, khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. “Từ 2 đặc điểm dân số lớn nhất, quy mô kinh tế lớn nhất và trước thách thức cạnh tranh cùng biến đổi khí hậu, TP HCM đối mặt với nhiều thách thức. Nếu không có cơ chế đặc thù, thành phố không thể phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước” – ông Nhân nói.

T.N

Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-dan-tp-hcm-ban-khoan-co-che-dac-thu-giup-gi-cho-ho-3696246.html

 

TP HCM muốn thu phí thoát nước 1.800-2.000 đồng mỗi mét khối
Văn Nam
Theo nguồn tin của TBKTSG Online, dự kiến trong tháng 1 này, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước sẽ trình UBND TPHCM đề án thu phí dịch vụ thoát nước đối với nước sạch. Nếu chính quyền thành phố thông qua, loại phí mới này sẽ được áp dụng từ tháng 3-2018.

Mức thu ban đầu ở mức khoảng 1.800-2.000 đồng/m3 và đây chỉ là mức thu dự kiến ban đầu, đơn vị đề xuất còn phải tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và nhận phản biện từ nhiều phía trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mức thu cuối cùng. Đơn vị này cho hay, với việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước nói trên, mỗi năm ngân sách thành phố có thêm 1.200-1.400 tỉ đồng. Khoản thu này sẽ dùng để chi trả cho các dịch vụ thu gom, vận hành, bảo trì hệ thống xử lí nước thải sinh hoạt của thành phố.

Theo đó, dự kiến mức thu sẽ tăng dần theo từng năm và theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, có nghĩa là người sử dụng càng nhiều nước sạch sẽ trả nhiều tiền hơn cho chi phí xử lí nước thải sinh hoạt. Song song đó, có thể chính quyền thành phố sẽ tính đến chính sách phí thấp hơn đối với hộ nghèo.

Khi áp dụng phí dịch vụ thoát nước, thành phố sẽ không thu thuế bảo vệ môi trường đối với nước sạch. Hiện tại,  thuế này đang được áp ở mức 10% giá nước sạch sinh hoạt.

Trong thời gian vừa qua, việc kêu gọi đầu tư đối với các dự án xử lí nước thải ở TP HCM gặp nhiều khó khăn, phần lớn là do nhà đầu tư thiếu vốn, họ lại không mặn mà với các dự án thoát nước do thiếu chính sách về phí để thu hồi vốn.

Hiện nay, TP HCM chỉ có một nhà máy xử lí nước thải sinh hoạt đang vận hành là nhà máy xử lí nước thải Bình Hưng với công suất 141.000 m3/ngày. Theo quy hoạch, TP HCM dự kiến sẽ có khoảng 7 nhà máy xử lí nước thải sinh hoạt và tính đến nay, đang có khoảng 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng kí tham gia đầu tư các dự án xử lí nước thải sinh hoạt tại TP HCM.

Theo các chuyên gia môi trường, hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lí của cả thành phố thải ra kênh rạch mỗi ngày là trên 1,2 triệu m3. Do chưa có đầy đủ hệ thống xử lí nên phần lớn nước thải chưa xử lí khu vực nội thành được thải thẳng ra các kênh rạch, đổ ra sông Sài Gòn và trôi dần về phía hạ lưu là sông Đồng Nai.

Số liệu từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho thấy TP HCM đã đạt chỉ tiêu 100% hộ dân có nước sạch với tổng công suất phát nước bình quân mỗi ngày của các nhà máy nước khoảng 1,8 triệu m3/ngày, công suất tối đa có thể lên 2,4 triệu m3/ngày.

Theo yêu cầu của UBND thành phố, ngoài giá dịch vụ thoát nước dự kiến sẽ được áp dụng thu trong năm nay, thành phố cũng đang tính đến các phương án thu phí trông giữ xe trên lòng lề đường, vỉa hè tại khu trung tâm, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng và tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố, phí ô tô vào trung tâm thành phố, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xa xỉ …

V.N

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/267294/TPHCM-muon-thu-phi-thoat-nuoc-1800-2000-dong-moi-met-khoi.html

This entry was posted in Lên Tiếng, Xã Hội. Bookmark the permalink.