Thiện Tùng
Loại trừ người đãng trí, tham vọng vốn là bản chất của con ngưới. Tham vọng của người chân chính lấy tài đức làm phương tiện đua tranh với đời. Tham vọng của kẻ bất lương dùng quyền lực dẫm lên xác đồng loại để mưu danh đoạt lợi.
Dầu được liệt vào loài động vật thượng đẳng, suy cho cùng, con người tranh giành ngôi thứ, sát phạt nhau cũng chỉ vì cái ăn, cái ở,… Bởi vậy mới có câu “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.
Những kẻ bất lương có thói quen “nhơn danh những gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng”- kể cả mãi quốc cầu vinh, cũng chỉ để giành ăn, giành ở,…với nhau chớ không có chi gọi là cao thượng.
Xung đột nội bộ trong đảng cầm quyền đang lúc cao trào
Từ khi thủ vai cầm quyền, Đảng được xem là ngôi nhà chung của đảng viên. Đảng cắt cứ, chia quyền cho mổi thành viên của mình trị vì thiên hạ. Do cai quản không nghiêm, đảng viên sống ngoài vòng pháp luật, tự tung tự tác, tham nhũng lan tràn khiến cho dân chúng thán oán, uy tín của Đảng đang như chỉ mành treo chuông.
Từ khi thủ vai Đảng trưởng, ông Trọng gần như dành hết thời gian chăm lo việc “củng cố xây dựng Đảng”. Với quyền hành của mình, ông Trọng buộc Thủ tướng Dũng chuyển quyền trưởng Ban Phòng chống tham nhũng về tay ông. “Chọn mặt gởi vàng”, ông Trọng chọn Nguyễn Bá Thanh làm tướng tiên phuông trong trận chiến chống tham nhũng. Khi xung trận, ông Bá Thanh tuyên chiến bằng câu nẩy lửa: “gặp hốt liền, không nói nhiều”. “Thần khẩu hại xác phàm”, ra quân trận đầu, tướng tiên phuông Bá thanh tử trận, cuộc chiến chống tham nhũng phải quản binh chờ thời thế.
Đại hội Đảng lần thứ 12, bằng mọi cách, loại cho kỳ được con “sâu chúa” Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vòng chiến, ông Trọng phất cờ tuyên chiến với tham nhũng. Đối tượng đầu tiên ông Trọng chọn là Trịnh Xuân Thanh. “Dòi trong xương dòi ra”, biết mình sắp đưa lên thớt, ông Xuân Thanh chuồn mất làm hòng cả kế hoạch.
Bằng mọi cách, mọi giá, khi tóm cổ được Xuân Thanh, ông Trọng “nhóm lò” và tuyên bố: “Lò đã nóng củi tươi, củi ướt cũng cháy”. Sau Xuân Thanh, ông Trọng hạ bệ Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Xuân Anh,…; hốt Đinh La Thăng và lủ khủ đàn em của ông ta nhốt vào kho củi, sẽ đốt khai niên 2018 (cuộc hỏa thiêu bắt đầu 8/1/2018). Củi trong kho, củi bên ngoài còn quá nhiều, liệu cái “lò” của ông Trọng có đủ nhiệt để thiêu rụi chúng hay không hả?Chờ xem. Vụ kế tiếp chắc là vụ án Đã Nẳng, vì đã tóm cổ được “Vũ Nhôm” nhập kho.
Từ lâu, Đảng như cái bình (ngôi nhà chung), bọn tham nhũng như đàn chuột hở là rút vào bình để được che chắn. Giờ đây, ông Trọng cầm roi giữ không cho loài chuột bọ chui vào bình, hẳn nhiên là chúng phải chạy tứ tán, không còn là đồng chí, chỉ còn là đồng bọn, co cụm khắp nơi, tạo thế lực, thề tử chiến với ông Trọng. Nói đến đây, người viết nhớ lại chuyện Tàu “Tam chiến Lữ Bố”, chẳng biết ông Trọng có thủ nổi vai Lữ Bố không, cũng hãy chờ xem.
Lực lượng vũ trang
Lực lương vũ trang là lực lượng được trang bị vũ khí, bao gồm Quân đội và Cảnh sát. Gần như nước nào cũng vậy, Quân đội và Cảnh sát đều được trang bị vũ khí và phương tiên chiến đấu để bảo vệ quốc gia, dân tộc, thuộc sở hữu toàn dân – Điều 65 Hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng đã khẳng định như vậy.
Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị vũ khí và phương tiện tối đa để tấn công, có nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ đất nước và dân tộc (đối ngoại). Cảnh sát Nhân dân Việt Nam được trang bị vũ khí và phương tiện tối thiểu để tự vệ, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an trong nội địa (đối nội).
Bọn tham nhũng là bọn sâu dân mọt nước, lúc túng cùng này, chúng không thể dựa vào dân, chỉ còn lợi dụng con em… của nhân dân đang trong quân ngũ để tạo thế lực “tranh bá đồ vương”.
Nói gì thì nói, Quân đội luôn đóng vai trò quyết định, thế thường diễn ra theo 4 kịch bản:
- Nếu Quân đội đứng về phía đương quyền thì thể chế ấy còn giữ vững.
- Nếu Quân đội đứng về phía đối lập thì giới đương quyền khó tránh khỏi sụp đổ.
- Nếu Quân đội ngã theo hai hoặc nhiều phía thì sẽ có nội chiến, tha hồ hưởi mùi tanh của máu và múi thuốc súng.
- Nếu Quân đội xác định rõ trách nhiệm của mình là đối ngoại, không can dự vào việc đối nội, làm ngơ như quân đội các nước Cộng sản Châu Âu giữa thập kỷ 1980-1990 thì tuyệt vời. Không can dự vào nội tình, Quân đội vẫn đường hoàng trong phục trang, giữ vững đội ngũ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh hay những năm tháng sau này cũng vậy, nội chiến xảy ra bắt nguồn từ lực lượng vũ trang ngây thơ vụng dại, để bị bọn xấu lợi dụng đẩy ra phía trước giết chóc lẫn nhau, chúng ở phía sau trục lợi.
Nội bộ đảng cầm quyền dường như đang lâm vào biến cố, cần hợn bao giờ hếtsự tỉnh táo, làm đúng chức năng của lực lượng vũ trang nhân dân như Hiến pháp quy định, quyếtkhông để bị chính trị hóa dẫn đến nội chiến, chẳng những hại cho nước cho dân, còn chuốc họa vào thân.
08/01/2018
T.T.
Tác giả gửi BVN