Thủ tướng nhắc ngành nông nghiệp “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Diệu Thùy

 

Gắn vòng nguyệt quế cho một ngành “vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém”, “thấp”, “chậm”, “bất cập”, “xuống cấp”, “vi phạm… còn lớn”, “năng suất lao động còn thấp”, lại đang “cần 9.000 tỉ đồng tái cơ cấu”, thực chỉ có kẻ điên!

Bauxite Việt Nam

 

Sáng 4-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội về nông nghiệp.

Cần 9.000 tỉ đồng tái cơ cấu nông nghiệp

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, ngành NN&PTNT đã đạt 8 kết quả nổi bật, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016. Bên cạnh đó, ngành vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm. Công nghiệp chế biến phát triển chậm; công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

Hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục đem lại nhiều thách thức cho hàng nông sản như việc EU “rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam. Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, phá rừng, và khai thác thủy sản trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Vốn đầu tư cho ngành và cho bộ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2018, ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3,0%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỉ USD. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói đầu tư hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống thiên tai khoảng 9.000 tỉ đồng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,9%, đóng góp đến 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Một số lĩnh vực rất thành công, như lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ quả đã vượt cả lúa gạo, dầu thô. Thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỉ USD.

Vẫn còn tình trạng lợn 2 chuồng, rau 2 luống

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của ngành nông nghiệp song cũng nhắc ngành nông nghiệp “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Thành tích trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều bất cập. Đó là tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn. Năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp. Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. Một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. An toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”. Thủ tướng cũng nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tình trạng phá rừng và sẽ xử lí nghiêm địa phương nào không quản lí tốt vấn đề này.

Về định hướng nhiệm vụ năm qua 2018, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp phải đạt 3%, xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỉ USD. Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: Kỉ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.

Các địa phương và ngành NN&PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Phải quan tâm xử lí đồng bộ những vấn đề bức xúc mà nông nghiệp, nông thôn đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”. Đầu vào nông nghiệp phải quản lí tốt, nâng cấp tốt, không để tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan. Đầu ra là thị trường và tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm. Môi trường nông thôn phải được chú trọng khi mà mỗi năm ở nông thôn có 13 triệu tấn rác. Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Làm những cái có lợi cho thị trường thì làm chứ không phải làm cái người ta không cần; phát huy lợi thế từng vùng miền.

Thủ tướng lưu ý việc tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị năm 2018, Bộ NN&PTNT phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Bộ đang có 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 50% để đạt con số 3.849 dòng hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

D.T

Nguồn: http://infonet.vn/thu-tuong-nhac-nganh-nong-nghiep-dung-ngu-quen-tren-vong-nguyet-que-post250457.info

This entry was posted in Chính phủ. Bookmark the permalink.