Carlyle A. Thayer,“Vietnam: Anti-Corruption Campaign Assessed,”
Thayer Consultancy Background Brief, January 5, 2018.
Anh Hồng dịch
Hỏi: Đánh giá của ông về sự sụp đổ của Đinh La Thăng (so với các thành viên Bộ Chính trị trước đây) cũng như việc xét xử công khai đầu tiên và chưa có tiền lệ đối với cựu thành viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng?
Trả lời: Trong năm thành viên Bộ Chính trị bị kỷ luật từ năm 1976, Đinh La Thăng là người duy nhấtphải hầu tòa và đối mặt với một án tù lâu dài. Trường hợp đầu tiên rất ngoại biệt, liên quan đến vụ Hoàng Văn Hoan đào thoát sang Trung Quốc năm 1979. Ông đã bị kết án tử hình vắng mặt. Ba trường hợp khác bao gồm: Năm 1990, Trần Xuân Bách bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị vì đã có những quan điểm cải cách chính trị và kinh tế khác với chính sách của đảng. Năm 1996, Nguyễn Hà Phan bị trục xuất khỏi đảng vì những quan điểm về kinh tế đi ngược lại chính sách của đảng và vì sự thật là ông đã không thành thật khi thú nhận những sai lầm trong quá khứ thời chiến tranh Hoa Kỳ. Cũng trong năm 1996, Đào Duy Tùng bị đình chỉ hoạt động như một thành viên Bộ Chính trị. Năm 2003, Lê Hồng Anh bị miễn nhiệm khỏi Bộ Chính trị, trong khi Trương Tấn Sang bị khiển trách vì thất bại khi đảm nhận nhiệm vụ Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong việc ngăn chặn hoạt động của băng đảng tội phạm Nam Cam, và những sai phạm về nhân sự.
Hỏi: Trịnh Xuân Thành đang phải đối mặt với án tử hình, trong khi Đinh La Thăng có thể nhận bản án 20 năm tù. Liệu sự trừng phạt nghiêm khắc này có tác động mạnh mẽ đến việc hạn chế tham nhũng trên quy mô lớn?
Trả lời: Trịnh Xuân Thanh là người duy nhất trong số chừng 20 bị cáo bị đưa ra án tử hình. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận rằng Thanh không thành khẩn, cố trốn thoát và gây trở ngại cho việc điều tra. Đinh La Thăng thì thất bại trong việc giám sát hiệu quả cấp dưới của mình.
Nếu bản án của Trịnh Xuân Thanh được thực thi, nó sẽ làm lạnh sống lưng các quan chức cao cấp liên quan đến những trò gian lận khủng dẫn đến thất thoát lớn cho nhà nước. Tuy nhiên, thậm chí trong những quốc gia tiên tiến nhất thì những trò gian lận lớn cũng không thể bị loại trừ hoàn toàn. Có những kẻ hám ăn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì những lợi ích to lớn họ hi vọng nhận được. Với trường hợp Việt Nam, tham nhũng ở cấp cao trên quy mô lớn chỉ có thể bị kiềm chế bằng cách lập các cơ quan thẩm tra có tính tự trị cũng như một môi trường truyền thông tự do hơn độc lập với sự ảnh hưởng mang tính chính trị.
Hỏi: Có thể nói gì về quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong cách “bàn tay sắt” của ông để chống nạn tham nhũng? Cái gì sẽ là điểm mấu chốt để chiến đấu chống lại nạn hối lộ đã bám rễ sâu vào Việt Nam?
Trả lời: Nếu chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục như nhịp độ hiện tại, ở cấp tỉnh và quốc gia, nó sẽ thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhổ bật rễ nạn tham nhũng và ăn hối lộ.
Chiến dịch chống tham nhũng hiện tại đang diễn ra trên quy mô lớn nhất kể từ khi Việt Nam hợp nhất năm 1976. Đây là lần đầu tiên một thành viên Bộ Chính trị sẽ chịu án phạt vì thất bại trong việc hạn chế tham nhũng và gian lận trong cơ quan mà ông chịu trách nhiệm (PetroVietnam).
Điểm mấu chốt trong chiến dịch chống tham nhũng ở cấp quốc gia là cần xác nhận rằng tất cả các bộ và cơ quan đại diện trong Chính phủ đều cam đoan thẩm tra thích đáng chống tham nhũng và thực hiện các biện pháp chống lại bất cứ quan chức nào có liên quan. Xác nhận này nên được mở rộng đến tất cả các cơ quan nhà nước. Một chương trình xác nhận tương tự cần được tiến hành ở cấp tỉnh và thành phố cũng như khu vực tư nhân.
Hỏi: Một số người so sánh cơ chế chống tham nhũng ở Việt Nam với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Quan điểm của ông là gì?
Trả lời: Trung Quốc và Việt Nam, ở một mức độ nhất định, chia sẻ các hệ thống chính trị và mô hình phát triển tương đồng. Sẽ là đáng ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không nghiên cứu kinh nghiệm và những bài học từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cần nêu ra hai điểm. Thứ nhất, về phương diện lịch sử, từ chiến dịch cải cách ruộng đất trong thập niên 1950Việt Nam biết không nên dựa theo kinh nghiệm của Trung Quốcmột cách không có phê phán. Khi Việt Nam khởi động chiến dịch thành lập các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cấp cao, chiến dịch này không được mở rộng để tạo thành các công xã kiểu Trung Quốc. Thứ hai, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc được thực hiện bởi Tập Cận Bình, một lãnh tụ đảng có thể xem là nhiều quyền lực hơn Mao Trạch Đông. Trong trường hợp Việt Nam, trong khi Tổng Bí thư đảng dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng thì công tác tiến hành lại là do một tập thể lãnh đạo.
Hỏi: Đánh giá tổng thể của ông về chiến dịch chống lạm dụng quyền lựcở Việt Nam hiện nay?
Trả lời: Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam có thể chỉ phát hiện ra phần chóp của tảng băng trôi. Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 113 trên 176 quốc gia được điều tra. Chiến dịch chống tham nhũng tất nhiên đã phát hiện ra những gian lận ở quy mô lớn – trị giá hàng triệu đô – trong một hệ thống. Nó vẫn còn được xem xét nếu các chính quyền được khảo sát có thể phát hiện và tiến hành hành động chống lại các mạng lưới tham nhũng quy mô lớn.
- A. T.
Dịch giả gửi BVN.