Hòa Ái, phóng viên RFA
Tòa án tỉnh Đắk Nông, vào chiều ngày 3 tháng Giêng năm 2018 tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, người đã nổ súng chống công ty tư nhân lấy đất của dân hồi tháng 10 năm 2016. Bản án này bị dư luận chỉ trích là một bản án bất nhân và không có công lý.
Phản đối quyết định của Tòa án
Truyền thông trong nước đưa tin hàng chục người dự phiên tòa sơ thẩm đối với 3 bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường và những người khác cùng vụ việc đã gây náo loạn sau khi Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên án vào chiều thứ Tư, ngày 3 tháng Giêng.
Ba bị cáo vừa nêu lần lượt lãnh các bản án tử hình, 20 năm tù giam và 12 năm tù giam với cáo buộc giết người vì đã nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, trong cuộc tranh chấp đất với Công ty tư nhân Long Sơn tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Những người phản đối các bản án, mà họ cho là quá nặng và không thỏa đáng, là thân nhân của 3 bị cáo cùng với người dân địa phương. Họ mong muốn Tòa án tỉnh Đắk Nông phải xem xét lại mức án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến và cần phải xử lý hành vi xem thường pháp luật của Công ty Long Sơn. Dân chúng sinh sống tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ việc nổ súng xảy ra là do Công ty Long Sơn đã đàn áp và phá hoại tài sản của người dân.
Tranh chấp giữa Công ty Long Sơn và các hộ dân ở tiểu khu 1535 xảy ra do Công ty Long Sơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê đất để làm dự án nông lâm nghiệp, nhưng được yêu cầu chờ chính quyền xử lý phần diện tích tranh chấp với các hộ dân. Tuy nhiên, Công ty Long Sơn vào chiều ngày 23 tháng 10 năm 2016 cho hơn 30 nhân viên được trang bị hung khí cùng xe ủi, xe máy cày đến phá hàng trăm cây điều của hai gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và Hoàng Văn Thắng nên mới xảy ra cớ sự.
Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm 2013, Công ty Long Sơn cũng đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân trong khu vực của dự án với hình thức tương tự và Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức đã ra quyết định đình chỉ việc cưỡng chế. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từng đích thân đến địa phương để thị sát và đã chỉ đạo ngừng cưỡng chế.
Qua bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, dư luận thắc mắc vì sao Tòa án tỉnh Đắk Nông không suy xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trước hành vi xem thường pháp luật trong thời gian dài của Công ty Long Sơn.
Báo mạng Dân Việt, vào ngày 4 tháng Giêng dẫn lời của Luật sư Nguyễn Thế Truyền, thuộc Công ty Luật Thiên Thanh rằng sự thờ ơ và vô cảm của cán bộ được giao trách nhiệm ở địa phương đã dẫn đến hệ lụy này. Luật sư Nguyễn Thế Truyền còn nhấn mạnh việc tuyên án tử về mặt pháp lý là không sai, nhưng đã không xem xét đến hoàn cảnh xảy ra vụ việc cũng như chưa xem xét yếu tố lỗi của bị hại và chưa thực hiện đúng chính sách khoan hồng của pháp luật khi bị cáo đầu thú và thành khẩn khai báo.
Quyết hy sinh tính mạng để giữ đất
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có những người từng khuyên nhủ các bị cáo ra đầu thú bày tỏ sự thất vọng trước bản án tử hình dành cho bị can Đặng Văn Hiến. Qua trang Facebook của Quốc Ấn Mai, chúng tôi được biết chủ tài khoản Facebook này là một phóng viên trong thời điểm vụ nổ súng ở Đắk Nông xảy ra và anh cũng là người đã khuyên nông dân Đặng Văn Hiến nên đầu thú. Qua phiên tòa sơ thẩm đối với ông Đặng Văn Hiến và 2 bị cáo khác, Facebooker Quốc Ấn Mai bày chia sẻ day dứt trong lòng anh luôn đối diện với câu hỏi của những người dân ở tiểu khu 1535 rằng nếu nhà báo rơi vào tình cảnh chúng tôi thì sao, khi những đơn thư gửi lên các cấp chính quyền đều rơi vào im lặng? và nhà báo sẽ phản ứng thế nào nếu có vợ mang thai mà bị bảo vệ Công ty Long Sơn đánh tới chết?
Câu hỏi dành cho chính mình của Facebooker Quốc Ấn Mai là “nếu một thời gian dài bị cướp bóc và chứng kiến người thân bị cướp bóc, tôi sẽ làm gì?” được cụ Lê Đình Kình, đại diện cho người dân Đồng Tâm trả lời:
“Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả”.
Và những dân oan ở Thủ Thiêm, Sài Gòn hồi năm ngoái từng tuyên bố sẽ hy sinh cả mạng sống để giữ đất nói với RFA họ theo dõi phiên tòa ở Đắk Nông với tâm thế mà họ đã dự liệu được bản án được tuyên sẽ thế nào. Một dân oan Thủ Thiêm cho biết:
“Khi biết tin họ xử ép những người dân oan thì tinh thần của dân oan càng lên cao hơn. Tại vì không khi nào tòa án bênh vực cho người dân oan hết. Tòa án bây giờ là chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhóm lợi ích, phải bênh cho nhóm lợi ích, chứ không tuân theo luật pháp nữa. Chuyện đó là chúng tôi biết trước rồi, lường hết những gì xấu nhất có thể xảy ra. Phiên tòa này kể như càng kích động và xúi giục dân phải can đảm hơn và đấu tranh quyết liệt đến cùng”.
Trong khi không ít cư dân mạng lên tiếng về bản án tử hình tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông cho rằng nó thể hiện sự răn đe của chính quyền đối với những người dân chống trả lại việc cưỡng chế đất sai trái, đang xảy ra tràn lan khắp nước, thì cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định, qua trang Facebook cá nhân nhận định nạn cường hào, ác bá và cướp đất ngày nay nghiêm trọng hơn thời thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và ông cũng cảnh báo hãy đừng quên vai trò cốt lõi của nông dân trong các biến động xã hội trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam cận đại đã ghi lại vụ án xảy ra ở đồng Nọc Nạn, Bạc Liêu gần một thế kỷ trước, gia đình nông dân Biện Toại phải chiến đấu không cân sức với bọn cường hào và lực lượng Phú Lang Sa cầm quyền để bảo vệ đất khẩn hoang của gia đình. Lịch sử Việt Nam thời hiện đại, ghi lại các vụ án tương tự của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Hải Phòng; gia đình thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, ở Thạnh Hóa, Long An và mới nhất là các gia đình nông dân ở Đắk Nông. Trong khi tòa án thực dân Pháp trước kia tuyên trắng án cho nông dân Biện Toại, còn các nông dân như anh em Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường bị Tòa án Nhân dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên những bản án dành cho tội phạm giết người.
H.A.