Mùa Thu Đông ở Đức

Vũ Nam

Mùa thu đã về và đã đi, đông đã tới, những con đường trong đêm đã bị đóng băng hoặc bị phủ tuyết trắng. Nhưng người viết không muốn bận tâm bởi thời tiết thay đổi, vì đất trời nơi đây hay trên toàn cầu bao giờ cũng vậy, năm nào cũng vậy, tuần hoàn là lẽ thường. Lá vàng, gió chướng, đông về, xuân đến, dù tươi vui sống động, hay ủ dột u buồn, trong vài tuần vài tháng rồi đâu cũng vào đó. Những việc của trời đất con người không thể làm thay.

Người viết quan tâm về con người. Con người nơi Việt Nam hôm nay. Nhất là người dân ở miền Trung. Có còn hạnh phúc không? Có còn khỏi lo toan nữa không? Chắc là không! Lụt về, năm nào cũng về, năm nào cũng ngập lụt! Mất nhà cửa, mất đồng ruộng ghe thuyền, mất cả thú nuôi, mạng người. Nhưng không phải chỉ do thiên nhiên gây ra, mà còn do con người gây ra. Gây ra vô tội vạ. Một đất nước được điều hành như thế sao!? Đúng là nước Việt Nam bị nạn thật! Nạn từ con người!

Hôm cuối tuần trước có việc, tôi chạy xe ngang qua vùng ngoại ô thành phố Tübingen để đến thành phố Böblingen, nhìn thấy mùa thu đã rủ xuống trên con đường quen thuộc với lá vàng. Tôi đã từng đi qua con đường này qua bốn mùa thay đổi. Xuân xanh tươi cây lá nụ non đâm chồi, hạ mát mẻ gió rừng, chim muôn ca hót, thu lá vàng dọc suốt đường đi, và đông đầy sương tuyết. Hôm nay, trên đường trở về, lúc gần đến nhà, tôi ngừng xe, xuống hít thở không khí mùa thu đông nơi quê người. Chỗ tôi dừng xe để nghỉ là gần nơi có những đường hầm dài đựng nước mưa. Dưới đây là câu chuyện ngắn từ con đường hầm này.

Mấy năm trước vùng quanh thành phố Tübingen có mưa nhiều, nước mưa từ dãy rừng trên thế đất cao đổ xuống, và làm tràn nước ở những con đường, xe phải chạy chậm. Dự trù là những năm tới mưa sẽ nhiều hơn, gây thiệt hại nặng hơn, thành phố đã cho xây ngay con đường hầm đựng nước dưới những rặng rừng để sẵn sàng chứa. Trên đường hầm này là con đường đi bộ cho khách du lịch, người thành phố, mỗi khi họ muốn nhàn tản để hít thở không khí của trời đất. Mặt đường mấy năm nay đã khô lại trong mùa mưa nhờ những đường hầm này.

Như tôi đã từng thấy ở một làng cạnh thành phố Tübingen cũng vậy, khi nước từ con suối trong mùa mưa tràn vào bờ ruộng, nhà dân nơi nào, họ liền cho đào một vũng thật lớn nơi đó, lớn như hố bom B52 từng chiếu trên truyền hình, để nước suối chảy vào, tránh tràn ngập gây thiệt hại. Còn ở Việt Nam, ở các thành phố, họ lấp các vũng, các bàu chứa nước mưa rồi chia lô bán cho các công ty làm công trình, làm nhà, nên chuyện không có lụt mới là lạ.

Miền Trung Việt Nam, đã biết mỗi năm sẽ bị lụt, nhưng hầu như nhà nước không chuẩn bị gì cả, đã đầy những nhà máy lấy nước làm điện vậy mà còn định xây thêm nhà máy từ những nơi ở vị trí cao, rồi khi bị ngập cứ xả xuống đồng bằng, dân làng bên dưới, sống chết mặc ai. Chỉ lo bảo vệ khối bê-tông khổng lồ, bảo vệ những chiếc máy, motor bằng sắt thép trước đã, chớ không màng đến tính mạng con người, dù là ruột thịt, máu đỏ da vàng, nói chi đến cái nhà, con bò, con trâu, đồng ruộng, tài sản của người dân bên dưới. Nghe tin tức nói hiện tại có những nơi vị trí tương đối cao mà cũng bị lụt thì biết nói gì đây!

Khi viết về đất nước người, người viết không bao giờ có ý khen cái gì người ta cũng giỏi hơn mình, người viết chỉ muốn trong phạm vi hiểu biết và không gian ở nhỏ hẹp của mình, nói ra rằng nơi đây họ làm việc gì cũng tính toán rất kỹ, và tính trước mười, mười lăm năm. Họ có các chuyên gia làm việc để giúp tỉnh thành, tiểu bang, liên bang, chính phủ, các bộ làm chính sách. Không phải tự dưng mà có người cứ thỉnh thoảng gọi điện thoại đến từng nhà để hỏi các chính sách về việc làm, xã hội, sức khỏe trong hiện tại. Đó là cách để họ thăm dò, lấy ý kiến, thống kê, sau đó sẽ giúp các bộ trưởng điều chỉnh hoặc đưa ra chính sách cho đúng. Vậy mà đôi khi vẫn còn bị sai, phải điều chỉnh lại ngay. Không phải tự dưng họ đứng hàng giờ trước một đoạn đường để đo số lượng xe qua lại trong ngày, buổi sáng, buổi chiều, để mà chơi chơi, nếu không phải là họ chuẩn bị sửa đường, làm đường mới trong khu vực đó. Không phải cứ làm đường vô tội vạ, cắt đường vô tội vạ miễn là đường đó, lộ đó đẻ ra tiền cho các người có quyền ra lịnh cắt. Bây giờ chắc họ có máy đếm rồi, chớ không cần người đứng đếm nữa như người viết đã thấy khoảng gần 30 năm về trước.

Tôi viết ra những cái hay của đất nước người với mong muốn sao cho đất nước VN mình bớt những tai họa do chính người mình gây ra (thiên tai thì không nói làm gì, phải chịu thôi!), vì dẫu người Bắc, người Trung hay người Nam thì cũng đều là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, dù anh ở bất cứ nơi đâu trên khắp quả địa cầu này anh cũng là người Việt Nam, hình hài Việt Nam, vì thế lúc nào cũng đau đáu với những sướng-khổ, buồn-đau của quê hương đất nước.

V.N.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.