Một hình ảnh trong Vietnam War, PBS series. Hình minh họa
Military Times – một tờ báo dành cho quân đội của Mỹ – vừa thuật lại chuyện tự nguyện tạm đình chiến giữa khối Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga, sau đó có thêm Mỹ) với khối Liên Minh (Đức, Áo-Hungary, Bulgaria Thổ Nhĩ Kỳ) hồi Thế chiến thứ nhất vào dịp Giáng sinh năm 1914…
Thế chiến thứ nhất bùng phát vào tháng 7 năm 1914 với 70 triệu người tham chiến. Đó là lần đầu tiên con người sử dụng súng máy, vũ khí hóa học, đại bác, xe tăng, phi cơ và tàu ngầm để tàn sát nhau trên toàn châu Âu… Thế chiến thứ nhất đã làm tất cả các quốc gia ở châu Âu kiệt quệ, biến đổi cục diện châu Âu và thế giới nhưng đó là chuyện sau tháng 11 năm 1918 (thời điểm khối Liên Minh đầu hàng – Thế chiến thứ nhất kết thúc)…
Trung úy Walther Stennes, một sĩ quan thuộc Trung đoàn Bộ binh 16 của quân đội Đức – khối Liên Minh – kể với các sử gia rằng, ngày 24 tháng 12 năm 1914 (lúc Thế chiến thứ nhất đã bước vào tháng thứ năm) trời đột nhiên lạnh khác thường, nước đông thành đá. Bởi tính chất của Giáng sinh – thời điểm dành cho đoàn tụ, dịp để bày tỏ tình thương, những mong ước về sự an lành –, những người lính trong đơn vị của ông tự động ngưng tìm – giết kẻ thù. Không có thỏa thuận chính thức về việc tạm ngưng bắn nhưng đối phương cũng thế thành ra mặt trận lặng như tờ.
Binh nhì William Quinton, thuộc Trung đoàn 2 Bedfordshire của quân đội Anh – khối Hiệp ước – kể với các sử gia, ông và đồng đội cũng hành xử y hệt lính Đức, xem rồi viết thư cho thân nhân… Dù đề cao cảnh giác, không lơi tay súng, không dám ngủ, tiếp tục theo dõi mọi động tĩnh từ phía kẻ thù nhưng không ai muốn tìm – giết đối phương trong ngày Giáng sinh. Thế rồi từ phía chiến hào của quân đội Đức, ai đó đột nhiên cất tiếng, hát rất to những bài hát mừng Giáng sinh cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Anh. Nhiều người trong đơn vị của ông Quinton phụ họa… sau đó thì lính tráng cả hai bên cùng vỗ tay tán thưởng lẫn nhau…
Khi nghiên cứu về Thế chiến thứ nhất, các sử gia đã tìm thấy vô số báo cáo về việc những người lính của cả hai khối: Hiệp ước và Liên Minh tự nguyện ngừng bắn giết nhau trong ngày Giáng sinh. Thậm chí ra khỏi chiến hào để bước sang phía đối phương, trao đổi cả những lời chúc mừng lẫn quà bởi Giáng sinh đã tới. Các sĩ quan của cả hai khối – từng tham gia Thế chiến thứ nhất cùng xác nhận, không phía nào đề ra “chủ trương” tạm ngừng bắn nhân dịp Giáng sinh nhưng đó là điều phổ quát, diễn ra trên diện rộng ở các chiến trường. Những sĩ quan, binh sĩ đại diện cho các đơn vị đối đầu với nhau, gỡ bỏ cả súng lẫn dao, chủ động ra khỏi chiến hào, bước sang phía đối phương, bắt tay – chúc mừng kẻ thù nhân dịp Giáng sinh. Loại hành động này được xem như một thỏa thuận tạm ngừng bắn trong dịp Giáng sinh mà không cần biểu đạt thành lời. Có trường hợp, sĩ quan và binh sĩ hai bên còn tổ chức giao hữu bóng đá nhân dịp Giáng sinh… Ở một số nơi, tự nguyện hưu chiến kéo dài đến năm, bảy ngày, giúp lính tráng hai bên nghỉ ngơi, tu sửa hầm hố, chiến hào, trước khi tiếp tục tìm – giết nhau.
***
Dẫu không xem Giáng sinh là thời điểm quan trọng dành cho đoàn tụ, thương yêu, bày tỏ ước vọng an lành nhưng người Việt vẫn có một dịp mà ý nghĩa, tầm vóc tương tự như Giáng sinh của dân châu Âu, đó là Tết.
Phàm đã nhắc đến Tết, người ta không thể quên Tết Mậu Thân 1968.
Ngày 19 tháng 10 năm 1967, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố, vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27 tháng 1 năm 1968 đến 3 tháng 2 năm 1968.
Ngày 17 tháng 11 năm 1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam – tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động “giải phóng miền Nam” long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16 tháng 12 năm 1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ ngày 30 tháng 1 đến 1 tháng 2. Sau tuyên bố vừa kể, rất nhiều quân nhân được nghỉ phép, lệnh giới nghiêm được bãi bỏ…
Rạng sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968 – đúng thời điểm Giao thừa âm lịch – các đơn vị của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng loạt nổ súng, thực hiện cuộc “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968” trên toàn miền Nam. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng choáng váng vì hiểu sai “tự nguyện ngừng bắn”.
Cho dù nhiều nơi ở miền Nam, kể cả Sài Gòn, tan hoang bởi “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”, nhiều nơi bị dìm trong máu như Huế (khoảng 7.000 người bị giết và mất tích) nhưng “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968” vẫn thảm bại. Nếu nghi ngại các dữ liệu và nhận định của những sử gia không phải đảng viên Đảng CSVN thì có thể tìm đọc hồi ký “Ở chiến trường Long An” của Thiếu tướng Huỳnh Công Thân (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1994). Ông tướng vốn là Anh hùng các Lực lượng vũ trang của Việt Nam, Tỉnh đội trưởng Long An, Tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968” sẽ chỉ cho độc giả thấy ta thắng hay thua vì kế hoạch vừa điên rồ, vừa phi nhân tính đó.
***
Giữa tháng trước, cho dù còn ba tháng mới tới Tết Mậu Tuất 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Sở Giáo dục thành phố Cần Thơ tổ chức “Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trung tuần tháng này, tới lượt Tổng cục Chính trị của Bộ Công an và Thành ủy TP.HCM tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học lịch sử về “Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Từ nay đến Tết Mậu Tuất chắc chắn sẽ còn nhiều hoạt động rầm rộ hướng tới việc kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Những hoạt động ấy sẽ tiếp tục đề cao “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Thế còn nhân bản, liêm sỉ? Hai thứ này vẫn được xem là không đáng bận tâm. Bàn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các sử gia là đảng viên CSVN vẫn tiếp tục khẳng định: Việc quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lơi lỏng phòng bị không phải vì tuyên bố tự nguyện tạm ngừng bắn vì đó là “thứ không hề tồn tại”, thất bại của quân đội Mỹ và Việt Nam Công hòa là thất bại về tình báo khi không phát hiện ra ý định của đối phương, vẫn cho rằng trong thời gian sắp tới không thể xảy ra chiến sự lớn!
T.V.
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/hue-1968-tong-tan-cong-mau-than/4184446.html