XUNG QUANH CHUYỆN BÁN SABECO

1. Chuyên gia kinh tế: vụ Sabeco ‘lộ’ ra nhiều nguy cơ

VOA Tiếng Việt

clip_image001

Dây chuyền sản xuất bia Sabeco

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về việc hơn 50% cổ phần của Công ty Sabeco, tức Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, rơi vào tay của một nhà đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng không nên vì cần tiền trả nợ mà làm lợi cho tư nhân nước ngoài, phá hỏng thương hiệu Việt.

Từ thành phố New York, Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, nói với VOA rằng việc bán cổ phần Sabeco cho nhà đầu tư nước ngoài, đi ngược lại với chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà Việt Nam từng hô hào:

Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt

“Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài. Bây giờ hướng họ giải quyết là ngược lại. Họ bán những công ty này cho nước ngoài. Sabeco là công ty có nhiều người trong nước biết và có lợi nhuận rất cao.

“Tôi nhìn lại thống kê của Việt Nam và thấy rằng kinh tế tư nhân trong nước có chiều hướng giảm, năm 2005, GDP của khu vực tư nhân là 8,5%, đến 2016 chỉ còn 8,26%. Trong khi đó kinh tế của khu vực nước ngoài (FDI) tăng từ 15% đến 18%. Vấn đề đặt ra là chính phủ Việt Nam muốn gì?”.

Sau phiên đấu giá cổ phần của Công ty Sabeco ngày 18/12, Công ty mới thành lập Vietnam Beverage thuộc Tập đoàn ThaiBev đã chính thức sở hữu hơn 53% cổ phần của Sabeco, trị giá khoảng 4,8 tỉ đôla.

Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% – có trụ sở tại Hong Kong, của một tỉ phú người Thái gốc Hoa tên Charoen Sirivadhanabhakdi.

clip_image002

Thông tin về Công ty Sabeco

Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định, nếu Việt Nam muốn ưu tiên phát triển kinh tế trong nước thì nên bán các doanh nghiệp làm ăn sinh lãi như Sabeco cho các nhà đầu tư ở trong nước. Ông nêu ra một số nghi vấn về động cơ bán cổ phần Sabeco cho nước ngoài.

“Sabeco đang có lãi, trong khi rất nhiều công ty quốc doanh khác thua lỗ, tại sao không tìm cách bán những công ty không có lãi cao? Không cải cách những công ty lãi ít? Tại sao lại bán đi những công ty đang đóng góp lợi nhuận cho ngân sách quốc gia? Nếu phân chia cổ phần và bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có rất nhiều người Việt Nam mua chứ!”.

Hôm 22/12, ThaiBev công bố thông tin về thương vụ mua cổ phần Sabeco lên cho Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

ThaiBev nói Sabeco là doanh nghiệp có chất lượng cao với lịch sử hơn 140 năm và có thương hiệu nổi tiếng như bia Sài Gòn và bia 333. Sabeco có thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam, tình hình tài chính và kinh doanh tăng trưởng tốt. ThaiBev cho rằng thị trường bia Việt Nam rất hấp dẫn với vị trí lớn nhất ASEAN và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Sabeco, tên đầy đủ là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng trong năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.

Báo Dân trí trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói:

“Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại.

…Các doanh nghiệp trong nước vẫn đủ điều kiện để mua và có thể mua được. Tôi nghĩ xu hướng sính ngoại không chỉ trách người dân Việt Nam mà chính ngay từ chính sách của chúng ta”.

Trong quá trình mua bán – sáp nhập (M&A), nhiều doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam đã bị “thôn tính,” nhưng những thương hiệu lớn như Sabeco, và trước đó là Vinamilk, cũng lần lượt rơi vào tay nước ngoài là một làn sóng “rất đáng lo”.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng ngay từ ban đầu, các nhà đầu tư Việt Nam có tham gia mua cổ phần Sabeco, nhưng họ phải chấp nhận thua cuộc vì phía nước ngoài “đẩy giá quá cao”.

“Chúng ta cần phải thấy là các nhà đầu tư Thái Lan đã nâng giá lên rất cao, vì vậy nhà đầu tư Việt Nam rất là cân nhắc. Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra”.

Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Doanh cảnh báo rằng Sabeco, “con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam”, khi được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài thì lợi nhuận mà công ty này thu được, phần hơn lớn sẽ thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời báo Straight Times, ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch GIBC cũng nhìn nhận các nhà đầu tư Thái có nhiều lợi thế hơn các đối thủ khác.

Bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), công khai bày tỏ sự lo âu với báo chí:

“Sau bảy năm vận động Ưu tiên dùng hàng Việt, nay lại muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất”.

Báo Người Lao động cảnh báo về nguy cơ “thiếu vắng tinh thần dân tộc” trong vụ Sabeco. Tờ báo này nói Thái Lan là đối thủ của Việt Nam về hàng tiêu dùng, khi lĩnh vực này bị thống trị bởi tỉ phú người Thái gốc Hoa thì hàng Thái và hàng Trung Quốc càng dễ dàng đánh bật hàng Việt ngay trên “sân nhà” Việt Nam.

clip_image003

Người uống bia ở Hà Nội

Tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải rằng có thể vì Việt Nam cần tiền trả nợ nước ngoài nên đành phải bán những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” như Sabeco:

“Cả một thời gian dài vừa rồi, Việt Nam mượn vốn nước ngoài để phát triển doanh nghiệp quốc doanh và hầu hết là lỗ và gây nợ rất lớn. Sắp tới họ gặp vấn đề trả nợ, nợ chiếm 20% ngân sách quốc gia. Muốn vốn để tiếp tục cho các doanh nghiệp này thì họ nghĩ ngay đến việc bán công ty Việt Nam cho nước ngoài. Nhưng vốn này chưa chắc giúp nền kinh tế phát triển mà chỉ tiếp tay cho tham nhũng, tiêu hoang giống như trước nay”.

Ngay sau vụ Sabeco bị “thôn tính,” ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định với báo chí rằng Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, và “thương hiệu bia Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển”.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-kinh-te-vu-sabeco-lo-ra-nhieu-nguy-co/4179908.html

2. Bán Sabeco để ‘đầu tư phát triển’ hay vào túi quan tham?

Thiền Lâm

Facebook Tweet on Twitter

clip_image005

Bán, bán nữa cho đến lúc chẳng còn gì để bán! Ảnh: VOA Tiếng Việt

Vietnam – Cali Today news –  “Cả một thời gian dài vừa rồi, Việt Nam mượn vốn nước ngoài để phát triển doanh nghiệp quốc doanh và hầu hết là lỗ và gây nợ rất lớn. Sắp tới họ gặp vấn đề trả nợ, nợ chiếm 20% ngân sách quốc gia. Muốn vốn để tiếp tục cho các doanh nghiệp này thì họ nghĩ ngay đến việc bán công ty Việt Nam cho nước ngoài. Nhưng vốn này chưa chắc giúp nền kinh tế phát triển mà chỉ tiếp tay cho tham nhũng, tiêu hoang giống như trước nay.” – Tiến sĩ Vũ Quang Việt – nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ – nói với VOA Tiếng Việt về việc chính phủ Việt Nam vừa phải bán những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” như Sabeco ( Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn).

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về việc hơn 50% cổ phần của Công ty Sabeco, tức Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, rơi vào tay của một nhà đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng không nên vì cần tiền trả nợ mà làm lợi cho tư nhân nước ngoài, phá hỏng thương hiệu Việt…

Trong khi kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay… mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” từ năm 2015 vẫn chưa đâu vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua, thì việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.

Từ tháng 8/2016, Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khủng như Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT…

Khi đó, một chuyên gia ngành tài chính ước tính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỷ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng).

Con số 150.000 tỷ đồng trên, bằng khoảng 13% chi ngân sách năm 2016 hoặc năm 2017, là một số tiền lớn và đáng kể trong bối cảnh đảng không biết lấy tiền đâu để chi xài sau những vụ suýt nữa vỡ nợ của các thành ủy Cà Mau và tỉnh ủy Bạc Liêu, để sang năm 2016 và 2017 còn nghe nói đảng đã phải dùng đến “quỹ đen” (một loại quỹ dự phòng trong đảng) và đang phải tìm cách “nhất thể hóa” giữa một số cơ quan đảng với cơ quan chính quyền để tiết giảm nguồn chi ngân sách.

Số tiền 150.000 tỷ đồng trên có thể sẽ bù đắp cho khoản bội chi ngân sách năm 2016 hoặc 2017 có thể lên đến 150.000 tỷ đồng hoặc hơn.

Thế nhưng 150.000 tỷ đồng cũng chỉ đủ để chi ngân sách khoảng 1,5 tháng. Câu hỏi đặt ra là sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam còn gì để bán?

Nhiều chuyên gia gần gũi nhà nước cũng tình thật về tình trạng cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam. Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang phải đối mặt với một tương lai cực kỳ nan giải: tìm đâu ra “nguồn lực” để bán vào năm 2018 và trong vài năm sau đó, để ngân sách không bị vỡ nợ?

Vào thời gian gần đây, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính không chỉ tiếp tục đẩy mạnh vay mượn quỹ Bảo hiểm xã hội và quỹ Bảo hiểm y tế, mà một lần nữa phải “nhìn trộm túi quần dân chúng”: 500 tấn vàng vẫn còn rải rác trong dân, làm thế nào tung “chứng chỉ vàng” để thu gom tất cả, lấy vàng chi xài cho ngân sách và đổi sang ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, còn phần trả vàng cho dân chúng thì để các chế độ sau gánh!

Bán, bán nữa cho đến lúc chẳng còn gì để bán!

Đã có một giải đáp cho ẩn số trong phương trình “chính phủ sẽ bán đến khi nào?”: Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2017, một quan chức trong Ủy ban ngân sách quốc hội đã tán thán rằng “Cứ bán như thế này thì đến nhiệm kỳ sau chẳng còn gì để bán nữa!”.

“Nhiệm kỳ sau” là vào khoảng năm 2021. Nhưng một số chuyên gia nhà nước đã ước tính rằng với đà bán doanh nghiệp nhà nước như hiện thời, “deadline 2018” sẽ co ngắn lại, có thể vào năm 2019 hoặc 2020.

Sau sự thất thủ của cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, lẽ đương nhiên những doanh nghiệp này sẽ rơi vào tay các tập đoàn lớn, trong đó hẳn có mặt nhiều kẻ con ông cháu cha và nhóm quan chức “tham nhũng chính sách”. Nhưng đó rất có thể là những “con bò sữa” cuối cùng mà Chính phủ còn để bán.

Trong những ngày này, một số tờ báo đảng tỏ ra hào hứng với con số 110.000 tỷ đồng thu được từ bán Sabeco, cùng lúc Quốc hội lên kế hoạch “chia chác” cho các khoản “đầu tư phát triển” và những khoản còn đang bị thiếu hụt trầm trọng.

Nhưng lại đang xuất hiện nhiều nghi vấn trong dư luận xã hội về một phần không nhỏ của số tiền khổng lồ 110.000 tỷ đồng đó đã (hoặc sẽ) rơi vào túi đám quan chức tham nhũng.

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/ban-sabeco-de-dau-tu-phat-trien-hay-vao-tui-quan-tham.html

3. Tiền tỉ do bán doanh nghiệp Nhà nước nên ‘tiêu’ vào đâu?

LÊ THANH – N.AN

TTO – “Trận đánh lớn” Sabeco Nhà nước đã có gần 5 tỉ USD. Năm 2018, thêm 65 doanh nghiệp cổ phần hóa ngân sách sẽ có thêm nhiều tỉ đô. Theo bạn, số tiền đó nên làm gì?

clip_image007

Hàng tỉ USD từ bán vốn doanh nghiệp Nhà nước nên được đầu tư vào cơ sở hạ tầng – Ảnh: THU HOÀI

Theo Nghị quyết 26 năm 2016, Quốc hội đã đề ra mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước phải đạt tối thiểu 250.000 tỉ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, trong đó năm 2017 là 60.000 tỉ đồng và năm 2018 là 65.000 tỉ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng số tiền thu được từ đợt thoái vốn khỏi Sabeco ngày 18-12 đã đạt gần 110.000 tỉ đồng, vượt xa chỉ tiêu.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng số tiền đó cần đầu tư vào bệnh viện, trường học, dự án cầu đường quan trọng.

Theo ông Tiến, nguyên tắc sử dụng vốn cũng được nêu rất cụ thể trong Nghị quyết 26 và việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước…

Mỗi năm, số vốn phân bổ cho các dự án nào, bao nhiêu cũng được Quốc hội, Chính phủ xem xét và phê duyệt rất chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, thì cho rằng nên đầu tư cho cao tốc Bắc – Nam.

Việc niêm yết cổ phiếu của Sabeco trên sàn chứng khoán rồi mới thoái vốn đã giúp cho việc thoái 53% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này đạt hiệu quả rất cao. Đây là kinh nghiệm quý để áp dụng cho những doanh nghiệp khác trong thời gian tới.

Ông Hải nói rằng ông cũng không lo mất thương hiệu vì một nhà đầu tư đã bỏ ra 5 tỉ USD để nắm quyền chi phối Sabeco, chắc chắn không thể hủy hoại thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp này vì nếu thay đổi và đưa thương hiệu bia Thái vào, chắc gì đã thành công.

“Vấn đề là sử dụng tiền thoái vốn như thế nào cho hiệu quả, việc thu được 110.000 tỉ đồng từ bán vốn Sabeco có thể giúp giảm bội chi ngân sách hay để trả nợ. Theo tôi, nên sử dụng nguồn tiền này cho các dự án đầu tư như cao tốc Bắc – Nam sẽ hiệu quả cao hơn.

clip_image009

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng tiền thu được từ “bán bia, bán sữa” đó phải được chi cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, ông Cung cũng nhấn mạnh phải “làm hẹp” hơn khái niệm này ở cơ sở hạ tầng, với các dự án quan trọng để có sức lan tỏa, tạo ra giá trị thúc đẩy phát triển.

“Muốn hỗ trợ doanh nghiệp phải tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hạn chế rào cản, chứ không phải đưa tiền một cách bao cấp”, ông Cung nói.

Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại 64 doanh nghiệp với tổng số thu là 65.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) dự kiến năm 2018 con số này sẽ là 100.000 tỉ đồng.

Ông Tiến cho rằng số tiền bán Sabeco và các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được dùng vào đầu tư công và thêm hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sau cổ phần hóa như xử lý lao động dôi dư…

Một số người cho rằng trong bối cảnh nợ công đang “đụng trần”, ngân sách vẫn còn thâm hụt, số tiền trên có thể được trích để chi trả nợ công và chi thường xuyên…

Theo bạn, với hàng tỉ USD thu được từ thoái vốn, Nhà nước nên sử dụng như thế nào, đầu tư vào đâu để có hiệu quả?

L.T. – N.A.

Nguồn: https://tuoitre.vn/tien-ti-do-ban-doanh-nghiep-nha-nuoc-nen-tieu-vao-dau-20171225110054806.htm

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.