VIỆT NAM – QUỐC GIA MẤT NƯỚC Kỳ 1: NƯỚC NGHÈO LẠI CÀNG NGHÈO NƯỚC

Quốc Ấn Mai

Chúng ta mất nước, một cách đều đặn nhưng nhanh chóng và diễn ra mỗi ngày. Những suy nghĩ sai lầm mà sách giáo khoa đã dạy khiến người Việt càng ngộ nhận và cố chấp hơn trong việc thừa nhận quốc gia đang mất nước.

Lượng nước bình quân đầu người tại Việt Nam vào khoảng 9.000 m3/năm, vào loại trung bình trên thế giới. Con số này nhỏ bé hơn hơn nhiều so với các quốc gia giàu nước như Canada (79.000 m3/người), Peru (60.000 m3/người), Chile (60.000 m3/người), Colombia (44.000 m3/người).

Theo Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 9 hệ thống sông lớn diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2, bao gồm: Hồng, Thái Bình, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 81 tỷ m3, xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có trung bình hàng năm của cả nước. Nước không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.

Và Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức tầm vĩ mô về vấn đề an ninh nguồn nước, gồm:

1- Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm.

2- Ở một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức. Mực nước dưới đất ở một số khu vực bị suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục.

3- Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm.

Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, các đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả ra môi trường, vào nguồn nước.

Tài nguyên nước Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Việt Nam nằm ở hạ lưu các hệ thống sông lớn như sông Hồng và sông Mê Công và khoảng 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào.

Đối với sông Mê Công, 11 công trình thủy điện trên dòng chính gây nguy cơ nguồn nước chảy về nước ta sẽ ngày càng suy giảm cùng với giảm lượng bùn cát, ngăn cản di cư của cá, tác động đến khoảng 60 triệu người dân sinh sống ven sông. Đối với hệ thống sông Hồng, Trung Quốc đã lập kế hoạch xây dựng 52 công trình. Khi các công trình này hoàn thành sẽ thay đổi chế độ thủy văn và Việt Nam rất khó trong việc chủ động được về nguồn nước và phòng chống lũ.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước. Mùa khô ngày càng kéo dài, hạn hán gây thiếu nước xảy ra trên diện rộng liên tục trong mùa khô các năm từ 2008 đến nay, không chỉ xảy ra cả ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi cao phía Bắc mà ngay cả ở vùng ĐBSCL.

Mực nước biển dâng cao dẫn tới ngập lụt vùng ven biển; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển; gây xói lở, sa bồi làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven bờ.

Đớn đau thay, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể về sử dụng nước. Theo giáo sư Vũ Trọng Hồng , hiện nay Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược sử dụng nước. Cho đến nay ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 70% đến 80% tổng nhu cầu nước nhưng chưa có một khảo sát chính thức nào về nhu cầu thực tế của ngành này.

Rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng nguyên sinh không được cải thiện, chất lượng rừng trồng mới kém làm giảm nguồn sinh thủy là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa trong thời gian gần đây.

Với những dữ liệu nghiên cứu nhiều năm của các tổ chức như WB, DAB, UN Water,… thì đúng là Việt Nam đang thực sự mất nước cả về lượng và chất một cách nghiêm trọng. An ninh nguồn nước là một trong các vấn đề an ninh hàng đầu nhưng tôi chưa thấy một cảnh báo nào từ Bộ Công an công bố việc mất an ninh nguồn nước.

Ví dụ “bạn vàng” giữ nước ở đầu nguồn bằng thủy điện thì hoàn toàn có thể “ra giá” chính trị với các quốc gia hạ nguồn vì họ có quyền điều tiết nước. Đã có rất nhiều cảnh báo về chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ là cuộc chiến vì nước, hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều được.

Trong khi đó, các dự án khai khoáng và công nghiệp nặng lại đưa không chỉ nước mà còn đất đai, không khí của đất nước vào thế nguy hiểm. Môi trường và nhân dân là những đối tượng chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.

Bạn có thể nhịn uống nước trong bao lâu? Hãy nghĩ về điều đó khi tắm quá lâu, sử dụng nước một cách hoang phí hay vứt 1 túi rác xuống sông. Và tệ hơn, là việc bạn im lặng trước những dự án làm mất chất lượng lẫn số lượng nước.

Mất nước thì chỉ có quan tham và gian thương được lợi! Đó là 1 thực tế rất Việt Nam…

Chú thích: Nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh, một trong những nhiệt điện làm suy thoái nguồn nước như bao nhiêu nhiệt điện khác. (Ảnh do tôi chụp trong chuyến thực tế tuần trước)

clip_image002

Chú ý: bài viết có sử dụng số liệu của tổ chức GreenID, thuộc WareCode VN.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10210223531137234

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.