Đề xuất của TS Phạm Sỹ Liêm có vẻ rất khả thi. Đề nghị Hội đồng Lí luận trung ương, Ban Tổ chức trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu xem nếu làm như Mỹ thì còn bỏ được những gì nữa. Mà chết mẹ, Mỹ không có Hội đồng Lí luận trung ương, Ban Tổ chức trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương, Học viện Chính trị quốc gia…
Bauxite Việt Nam
Thụy Khanh
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 13-12-2017, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nêu lên kinh nghiệm của Mỹ về thanh tra xây dựng. Cụ thể, ông Liêm cho biết nước Mỹ thường sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng chứ không có lực lượng thanh tra của chính quyền. “Khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu một khoản phí, phí đấy sẽ dùng để thuê dịch vụ thanh tra. Khi cần kiểm tra một công trình, chính quyền chỉ cần gọi cho một anh nào đó đến kiểm tra xem chủ đầu tư có làm đúng giấy phép không. Cho nên họ không cần biên chế. Ở Mỹ có cả trăm nghìn người làm dịch vụ thanh tra xây dựng” – ông Liêm nói.
Không nên bỏ giấy phép xây dựng một cách dễ dàng
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị là việc sửa đổi Khoản 2 – Điều 89 – Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác.
Đánh giá về quy định sửa đổi này, ông Liêm cho rằng trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô mấy chục tầng. Do vậy, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lí. “Nói rằng nhà hai tầng, nhà đơn giản không cần kiểm tra hay quan tâm lắm về vấn đề chất lượng là không phải. Bây giờ những nhà này mình miễn giấy phép thì chỉ lợi cho cai thầu, lợi cho dân chứ không phải lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào lại loanh quanh xây mấy cái nhà hai tầng, rẻ tiền đấy! Đừng có nghĩ rằng hễ cứ đơn giản là miễn giấy phép. Sinh sự là ở đấy”.
Theo ông Liêm, vấn đề chỉ là quy định giấy phép do ai cấp để cho đơn giản và nhanh chóng chứ “giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”.
Muốn nâng 1 tầng, mời nộp 25.000 USD
Nói thêm về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chúng ta chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép. “Hoàn toàn không có việc kiểm tra nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến. Đáng nói là chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã bôi trơn cấp dưới thì “nó” muốn lên mấy tầng thì lên… Tôi nghe ở thành phố nọ, người ta xướng lên một cái giá và cấp phép cho từng ấy, nhưng nếu anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Như ông Mường Thanh, ông ấy vi phạm pháp luật nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi bôi trơn. Đấy, chuyện trong xã hội chúng ta phải biết. Pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy” – ông Liêm nhấn mạnh.
Sao không cho dân tự cải tạo chung cư cũ?
Đề cập chương trình cải tạo chung cư cũ, ông Phạm Sỹ Liêm nêu câu hỏi: tại sao phải bắt buộc là doanh nghiệp làm mà không phải là các chủ sở hữu tự đứng ra. “Đã thuê thì doanh nghiệp phải có lãi mới làm, còn tự mình làm thì rẻ được tới 20%”.
Theo ông Liêm, người dân không biết làm thì có thể đi thuê dịch vụ tư vấn rồi tư vấn sẽ đi thuê nhà thầu… “Không việc gì phải mời doanh nghiệp. Doanh nghiệp có cải tạo chung cư cũ cũng phải đi vay ngân hàng. Vậy các chủ sở hữu chung cư cũ cũng có quyền lập hợp tác xã và đi vay ngân hàng để cải tạo chung cư… Cái này chúng ta phải tạo khung pháp luật cho người dân” – ông Liêm đề xuất.
Một vấn đề nữa ông Liêm cũng nêu lên là Bộ Xây dựng cần khắc phục quy hoạch treo – một vấn nạn làm khổ cả doanh nghiệp lẫn người dân. “Cứ quy hoạch mà không xây dựng, treo ở đấy, ai cũng không được đụng vào. Cái này rất nguy hiểm. Dân đã kêu, báo chí cũng kêu rất nhiều” – ông nói.
Chúng ta đang hiểu sai về chứng chỉ hành nghề
Trong dự thảo luật đang lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung Khoản 3 – Điều 148 – Luật Xây dựng theo hướng: Bỏ yêu cầu cá nhân tham gia quản lí, cá nhân hành nghề độc lập an toàn lao động, cá nhân tham gia quản lí dự án, kiểm định xây dựng, định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề; chỉ yêu cầu giám đốc quản lí dự án, chủ trì kiểm định xây dựng, chủ trì định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề.
Bày tỏ tán đồng về quy định mới này, ông Liêm phân tích: lâu nay chúng ta đang hiểu rằng phải có chứng chỉ thì mới được hành nghề song “cách hiểu đấy là sai lầm và không phù hợp quan niệm quốc tế”. “Quốc tế quan niệm rằng ai có học hành, biết làm thì cứ hành nghề, tuy nhiên để kí vào văn bản thì phải là người có chứng chỉ hành nghề. Ví dụ làm quy hoạch, anh nào làm cũng được, không có chứng chỉ cũng cứ làm, nhưng anh nào muốn kí vào văn bản quy hoạch đó thì anh đấy phải có chứng chỉ. Luật phải quy định điều này” – ông Liêm nói.
Dẫn ra ví dụ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, công ty tư vấn danh tiếng của Mỹ chỉ cử đội kĩ sư mới ra trường đến khảo sát dẫn đến phía Việt Nam không thể đóng tuyến được, ông Liêm nhấn mạnh: “Tiếng tăm của doanh nghiệp không quyết định chất lượng của dịch vụ bằng năng lực làm nghề của người làm trực tiếp. Cho nên chứng chỉ hành nghề còn quan trọng hơn giấy phép kinh doanh. Tôi tán thành quy định bỏ yêu cầu chứng chỉ hành nghề”.
T.K