Liên quan việc Bộ Công an đề xuất trang bị súng cho lực lượng công an xã, BVN đăng lại 5 bài gần nhất, đều trên báo “lề đảng”, gồm 3 bài thể hiện ý kiến của 3 vị đại biểu Quốc hội và 2 bài về hoạt động của công an xã. Đầu đề của loạt bài này do BVN tự đặt.
BVN cũng gợi ý các bạn tìm đọc lại một số bài về lực lượng công an xã có trên các báo “lề đảng”, ví dụ: Vào nhà công an xã bắt 11 đối tượng đang đánh bạc; Trưởng Công an xã bắt người trái luật giữa đêm khuya; Công an xã Đồng Văn tự ý lập chốt bắt giữ xe trái phép?; Bắt giữ một công an xã đánh chết người nghi trộm chó; Hà Tĩnh: Công an xã bắt giữ, đánh đập người trái pháp luật; Hà Nội: Công an xã Tam Hưng mời người dân về trụ sở làm việc bằng… còng số 8; CLIP: Trưởng Công an xã thẳng tay tát phụ nữ; Trưởng Công an xã bị tố đánh dân rách màng nhĩ; Đình chỉ công tác công an xã bắt giữ, đánh người trái pháp luật; Hải Phòng: Thêm một trưởng công an xã đánh bạc bị bắt nóng tại trận; Trưởng Công an xã bắt dân nộp phạt, không ghi biên lai; Bắt Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã buôn ma túy; Đương sự chết sau khi bị giam giữ, Trưởng Công an xã Bom Bo lãnh án…
Bauxite Việt Nam
“Nước ta có loạn đâu mà cần trang bị súng cho tất cả công an xã”
Quốc Toản
Dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ vừa được Bộ Công an đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Hầu hết các ý kiến góp ý cho dự thảo đều bày tỏ sự quan tâm đến việc trang bị súng cho lực lượng công an xã. Một số ý kiến bày tỏ quan điểm ủng hộ dự thảo thông tư trên, đồng thời cho rằng đó là việc làm cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng không nên giao súng cho công an xã bởi đây chưa phải là lực lượng chính quy. Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 15-12, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cần thận trọng khi trao súng cho lực lượng công an xã, đặc biệt là không nên cấp đại trà. Ông đưa ra lí do giải thích cho quan điểm của mình: “Tôi rất lo ngại chuyện này, vì thực tế nhiều công an xã chưa được đào tạo đến nơi, đến chốn. Thậm chí người ta không cần/có tiêu chuẩn gì cũng vào được công an xã. Do đó, khi giao súng cho họ, tôi cảm thấy không mấy yên tâm. Làm như thế thì nguy hiểm quá! Mặt khác, bài toán về kinh phí để trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cũng cần phải tính toán hợp lí. Bởi lẽ, nếu cấp đại trà sẽ rất tốn kém. Chúng ta nên tính toán kĩ lưỡng và hết sức thận trọng về chuyện này”.
Ông Nhưỡng cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ xấu nếu sơ suất trao súng cho người không đủ phẩm chất, năng lực sử dụng vũ khí: “Chuyện cấp vũ khí không chỉ liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ mà nó còn liên quan tới vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nước mình có loạn đâu mà cần cấp súng cho tất cả công an xã. Nếu sơ suất giao vũ khí cho người không đủ phẩm chất, năng lực sử dụng vũ khí, rất có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Đảng, Nhà nước”.
Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cấp súng, công cụ hỗ trợ có chủ đích, chỉ định. “Đã trao vũ khí cho người ta, trước hết phải căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, tính chất công việc, đặc điểm của từng địa phương, từng địa bàn chứ không nên cấp đại trà. Muốn được cấp được vũ khí thì người được cấp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết theo quy định chứ không phải ai cũng cấp. Do đó, nếu cấp súng thì chỉ nên cấp cho trưởng công an xã. Lưu ý việc cấp súng cho công an viên mà nên chỉ trang bị cho họ công cụ hỗ trợ cần thiết”.
Một số quan điểm cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư bởi nếu sơ xuất trong việc sử dụng rất có thể sẽ gây ra những xung đột cục bộ trên biển, nhất là khi việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận. Về việc này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra quan điểm ngược lại: “Nên trang bị vũ khí cho lực lượng kiểm ngư bởi môi trường làm việc ngoài biển hoàn toàn khác với đất liền. Trang bị vũ khí cho kiểm ngư là cần thiết vì nó còn liên quan tới vấn đề bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Mặt khác, có thể trang bị thêm cho họ camera hành trình và các thiết bị công nghệ khác để lực lượng kiểm ngư có thể kiểm soát, giám sát và hoạt động tốt hơn”.
Q.T
Hơn 100 nghìn công an xã được phát súng, chuyện này không đùa được đâu
Xuân Quang
Góp ý về dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ vừa được Bộ Công an đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, PGS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng cần thận trọng trước khi trang bị súng cho lực lượng công an xã. Bà An nêu quan điểm: “Nói thật, bản thân tôi thấy lo lắng và chưa đặt trọn niềm tin vào lực lượng công an xã nếu trang bị cho họ vũ khí. Bởi thực tế, nhiều người trình độ còn hạn chế, hoặc một số khác chưa được huấn luyện, đào tạo một cách bài bản. Đó là chưa nói đến chuyện công an xã lạm dụng vũ khí, dùng không đúng mục đích, gây thương tích cho người khác, như một vài sự việc vừa diễn ra cách đây không lâu. Chuyện này không đùa được”.
Cũng theo PGS Bùi Thị An, chỉ nên trang bị công cụ hỗ trợ đơn thuần cho lực lượng công an để họ thực hiện tròn vai theo đúng chức trách được giao. “Chúng ta cần phải tính toán, nghiên cứu thật kĩ việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã. Nếu trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ mà không có giải pháp hữu hiệu để quản lí, giám sát chặt chẽ thì lợi bất cập hại. Theo thống kê, nước ta có hơn 100 nghìn công an xã. Cứ thử nghĩ xem, nếu cả hàng trăm nghìn công an xã được trang bị súng thì chúng ta quản lí thế nào cho tốt để không xảy ra việc lạm quyền? Công an chuyên chính với kẻ thù nhưng bảo vệ nhân dân. Đặc biệt, công an xã, phường là đơn vị rất gần dân, sát dân, cho nên cái cần ở họ là quản lí địa bàn thật tốt. Do đó, nếu cho họ sử dụng các loại vũ khí có tính sát thương như dự thảo thông tư đề cập thì nặng nề quá. Tôi cho rằng chỉ nên trang bị công cụ hỗ trợ đơn thuần để công an xã thực hiện đúng với trọng trách họ được giao mà thôi” – PGS Bùi Thị An bày tỏ.
Trong khi đó, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng dự thảo thông tư trên cần chi tiết hóa việc sử dụng vũ khí , công cụ hỗ trợ phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế từng địa phương, từng khu vực. “Nên căn cứ tình hình thực tế theo địa bàn, tình hình dân cư để trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho phù hợp chứ không nên áp dụng tràn lan” – luật sư Thuận nói. Ông cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư (Cục Kiểm ngư, chi cục kiểm ngư vùng, trạm kiểm ngư, đội tàu kiểm ngư được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5 mm). “Chúng ta nên cân nhắc thận trọng chuyện trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng này bởi nếu sơ xuất trong việc sử dụng rất có thể sẽ gây ra những xung đột cục bộ trên biển, nhất là khi việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận” – luật sư Trần Quốc Thuận nêu quan điểm.
X.Q
Có nên ủng hộ đề xuất cho công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ?
Quốc Toản
Dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đang gây tranh cãi về đề xuất cho công an xã được trang bị vũ khí…
Công an xã sẽ được sử dụng vũ khí?
Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Theo đó, thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lí của Bộ Công an. Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Tại Mục 1 – Chương II của dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân, trong đó tại Điều 4 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Cụ thể: cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; các đơn vị thuộc bộ tư lệnh; trại giam, trại tạm giam; học viện, trường công an nhân dân; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; công an, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đáng chú ý, trong dự thảo thông tư, lực lượng công an xã cũng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ…
Chưa giao quyền sử dụng vũ khí đừng sợ lạm quyền
Không ít ý kiến cho rằng không nên giao vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho công an xã bởi đây chưa phải là lực lượng chính quy. Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, có thể gây hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại đưa ra quan điểm ủng hộ dự thảo thông tư trên, đồng thời cho rằng, đó là việc làm cần thiết.
Hôm 13-12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đề xuất lực lượng công an xã được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ là hoàn toàn hợp lí. Đại biểu Trương Minh Hoàng phân tích: “Luật Quản lí sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 vừa được thông qua. Do đó, việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải dựa trên tinh thần của luật này để áp dụng. Thực tế dưới cơ sở, công an xã phải va chạm với rất nhiều đối tượng (trộm cắp, ma túy…). Do đó, nếu lực lượng này được trang bị tốt để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm thì kẻ xấu sẽ khó thực hiện được mục đích vi phạm. Và nếu những vụ việc trên được giải quyết tốt từ dưới cơ sở thì tội phạm sẽ giảm đi, kéo theo tình trạng tạm giam, tạm giữ sẽ giảm đi rất nhiều. Nên nghĩ việc này theo chiều hướng tích cực. Công an xã được trang bị đầy đủ, làm tốt nhiệm vụ thì dân sẽ được sống bình yên”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Quốc hội cũng cho rằng, cần tiến tới xây dựng Công an xã trở thành lực lượng chính quy. “Song song với việc trang bị, tôi rất mong muốn tất cả công an xã được bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo, hỗ trợ để họ trở thành lực lượng chính quy. Vì khi được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, người ta sẽ biết cần nổ súng trong trường hợp nào, sử dụng công cụ đó như thế nào, phòng vệ, bảo vệ thế nào là chính đáng. Không những cần phải trang bị công cụ hỗ trợ cho họ mà nên trang bị cả phương tiện nghe, nhìn để họ có thể chủ động, kịp thời phát hiện, khống chế hành vi của đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Do đó, trang bị công cụ hỗ trợ cho công an xã là việc làm cần thiết” – Đại biểu Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.
Giải đáp băn khoăn khi có ý kiến lo ngại công an xã lạm quyền khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là khi họ được trang bị vũ khí, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng để tránh trường hợp trên cần phải có cơ chế kiểm soát, giám sát, xử lí nếu người thực hiện nhiệm vụ lạm quyền. “Chuyện người ta lạm quyền là do tâm tính của mỗi người chứ không phải công an xã ai cũng vậy. Không phải riêng công an xã, dù là ai, ở cương vị nào đi nữa, nếu người ta mất phẩm chất đạo đức thì họ cũng sẽ lạm quyền. Thậm chí những bậc làm cha, làm mẹ, thày cô, nhiều khi cũng lạm quyền với con, em họ đấy chứ! Đương nhiên, nếu công an xã sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền thì phải áp dụng biện pháp răn đe, xử lí nghiêm theo quy định” – Đại biểu Trương Minh Hoàng nói.
Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Đừng sợ công an xã lạm quyền nếu chưa giao quyền. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, giám sát việc người ta thực hiện quyền đó như thế nào mới là điều quan trọng”.
Q.T
Dân quây trụ sở đòi làm rõ việc công an xã vô cớ còng tay, bắt người
Đỗ Hoàng
Suốt từ chiều 15-12 đến chiều 16-12-2017, hàng trăm người dân xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng) đã tập trung tại trụ sở xã, yêu cầu lực lượng chức năng của huyện phải điều tra làm rõ việc công an xã vô cớ còng tay bắt giữ anh Hà Văn Cao (40 tuổi, trú thôn 3).
Còng tay, khiêng qua sân trường
Theo người dân, trước đó, lúc 15 giờ chiều 15-12, thấy nhóm thợ xây thi công tường bao và bếp ăn của Trường tiểu học Vĩnh Phong giáp khu đất của gia đình, anh Hà Văn Cao đã ra giữ đất không cho xây dựng. Ít phút sau, lực lượng công an xã dưới sự chỉ đạo của ông Hà Mạnh Hữu, Trưởng Công an xã, đã có mặt tại khu vực yêu cầu anh Cao về trụ sở xã làm việc nhưng anh Cao không đồng ý. Sau đó, lực lượng công an xã đã khống chế, dùng còng số 8 còng tay anh Cao quặt ra phía sau rồi bắt giữ anh đưa đi. Gia đình anh Cao cho biết mặc cho anh Cao và người thân phản đối, lực lượng công an xã đã dùng biện pháp mạnh, còng tay bắt giữ anh Cao đưa đi. Theo clip do gia đình cung cấp, sau khi bị còng tay quặt ra sau, anh Cao giãy giụa, kêu la ngã ngửa ra khu đất liền bị nhóm được cho là công an xã xúm vào kéo đi. Hình ảnh cho thấy 5 người đàn ông đã túm chân tay khiêng anh Cao từ khu đất đang xây phía sau đi qua sân trường trước sự chứng kiến của rất nhiều học sinh. Trên đường đi, anh Cao cố sức giãy giụa, kêu la trong bất lực. Sau đó, những người bắt giữ cho anh Cao vào xe taxi, chở về trụ sở uỷ ban xã. Gia đình anh Cao cùng nhiều người dân trong xã Vĩnh Phong đã kéo tới tập trung tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã bày tỏ bức xúc, yêu cầu làm rõ việc công an xã vô cớ bắt giữ người.
Theo quan sát, đến trưa 16-12, tại khu vực trước cổng và trong sân trụ sở xã Vĩnh Phong, hàng trăm người dân vẫn tập trung ở đây yêu cầu cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc. Bên trong trụ sở uỷ ban xã, nhiều người dân đã trải chiếu ra sân, mang thức ăn đến cùng chia nhau ăn kiên nhẫn chờ đợi lực lượng chức năng giải quyết.
Công an xã nhận sai, Chủ tịch xã xin lỗi
Theo ghi nhận, suốt buổi trưa 16-12, trong phòng tiếp công dân của xã có sự chứng kiến của một số người dân, lực lượng công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã làm việc với anh Hà Văn Cao để lấy lời khai, lập biên bản vụ việc. Trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng, cánh tay phải của anh Cao vẫn mang chiếc còng.
Ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong cho biết chiều 15-12, sau khi nhận được tin anh Cao ngăn thợ thi công tại trường tiểu học, ông đã chỉ đạo Trưởng Công an xã xuống nắm bắt tình hình, giải quyết sự việc. Đến khoảng 15 giờ 30 phút, khi ông Văn đang dự họp tại xã thì nghe thấy tiếng la hét ở trước cửa phòng tiếp dân, ông ngó ra thấy anh Cao bị bắt về trong tình trạng bị còng tay. Kết thúc cuộc họp, ông Văn đã yêu cầu Công an xã báo cáo sự việc. Theo Công an xã, khi họ tới khu vực trường thấy anh Cao lớn tiếng ngăn không cho thợ xây thi công nên đã yêu cầu anh Cao về xã nhưng anh Cao không chấp hành. Công an xã đã còng tay bắt về.
Ông Văn đã mời anh Cao vào làm việc nhưng anh Cao không đồng ý và yêu cầu làm rõ việc anh bị công an xã bắt giữ trái luật. Lúc đó, người dân tập trung về trụ sở xã mỗi lúc một nhiều, bày tỏ thái độ bức xúc. Ông Văn đã báo cáo lãnh đạo huyện và Công an huyện đề nghị cử lực lượng về giải quyết. Tuy nhiên lực lượng Công an huyện cũng không giải tán được đám đông. Đến 21 giờ tối 15-12, ông Văn đã đứng ra xin lỗi người dân, ông Hữu, Trưởng Công an xã cũng thừa nhận việc việc bắt giữ anh Cao là không đúng quy định.
Ngay trong đêm 15-12, Công an huyện đã mời những người liên quan về trụ sở Công an huyện giải quyết nhưng anh Cao và người dân không đồng ý. Lực lượng chức năng đề nghị mở còng tay cho anh Cao nhưng anh chỉ cho mở còng một bên tay.
Ông Văn khẳng định lãnh đạo xã chỉ giao Công an xã xuống nắm bắt tình hình, giữ an ninh trật tự chứ không chỉ đạo còng tay bắt người. “Tôi đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, Công an xã sai thì Công an xã chịu, anh Cao sai thì anh Cao chịu” – ông Văn nói.
Giữ đất vì quyền lợi bị bỏ quên
Ông Văn cho biết việc anh Cao ra yêu cầu dừng thi công rồi bị bắt giữ có nguyên nhân từ việc đổi đất giữa gia đình anh và trường tiểu học từ 15 năm trước chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Cụ thể, tháng 2-2002, bố anh Cao là ông Hà Văn Sài có thoả thuận đổi khu đất ao 350 m2 của gia đình cho Trường tiểu học Vĩnh Phong để lấy 146 m2 đất thổ của trường để cho đất của trường và gia đình ông được vuông vắn. Đến tháng 6-2003, UBND huyện Vĩnh Bảo đã cấp sổ đỏ cho Trường tiểu học Vĩnh Phong tổng diện tích 4381 m2, trong đó có 350 m2 ao nhà anh Cao. Tuy nhiên, đã hơn 15 năm qua huyện vẫn không cấp sổ đỏ cho phần đất 146 m2 nhà anh Cao đã đổi cho trường. Mới đây, Trường tiểu học Vĩnh Phong tổ chức xây dựng tường bao và nhà bếp trên khu đất 350 m2 ao đã đổi cho gia đình anh Cao. Do phần đất của gia đình gia đình anh chưa được giải quyết cấp sổ đỏ nên anh Cao yêu cầu khi nào chính quyền giải quyết xong mới cho trường xây. Khi nhà thầu xây dựng trên phần đất của gia đình, anh Cao ra giữ đất chờ giải quyết thì bị Công an xã còng tay, bắt giữ.
Được biết, anh Hà Văn Cao là một trong những người dân đi tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực ở xã Vĩnh Phong. Năm 2016, nhờ có sự đấu tranh kiên trì của anh mà vụ việc hàng trăm sổ đỏ của dân bị xã giữ lại đã được phanh phui.
Đ.H
Trưởng Công an xã bắn Chủ tịch xã: Người nổ súng từng có án tích
V. Đồng
Liên quan vụ việc Nguyễn Ngọc Thấu – Trưởng Công an xã Nghi Quang – huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bắn Chủ tịch xã này, UBND huyện đã có thông tin về quy trình bổ nhiệm ông Thấu. Theo báo cáo ngày 19-11-2017 của UBND huyện Nghi Lộc, ngày 11-7-2011, UBND xã Nghi Quang ban hành văn bản về việc đề nghị tuyển dụng công chức xã có nội dung: Sau khi thống nhất với Thường trực Đảng ủy, UBND xã Nghi Quang đề nghị UBND huyện Nghi Lộc tuyển dụng 3 công chức chuyên môn. Sau đó, UBND huyện Nghi Lộc đã thu hồ sơ trong đó có 5 chỉ tiêu tuyển dụng 5 chức danh trưởng công an (tất cả là những người đã được cử đi đào tạo trung cấp công an). Ngày 14-12-2011, Hội đồng Tuyển dụng đã thông qua danh sách thí sinh đăng ký dự tuyển vào các chức danh công chức, trong đó ông Thấu cùng 4 người khác dự tuyển vào 5 chức danh trưởng công an của 5 xã ở huyện Nghi Lộc. Bản khai lí lịch của ông Thấu có xác nhận của UBND xã Nghi Quang: “Không có thông tin về tiền án, là con thương binh 1/4 (đã mất), đang công tác tại Ban Công an xã Nghi Quang. Năm 2007 được ngành công an tuyển chọn đi đào tạo tại Trường trung cấp An ninh nhân dân I và đã tốt nghiệp năm 2009 để tạo nguồn thay thế ông Trần Văn Hùng, Trưởng Công an xã do tuổi cao”. Ngày 21/6/2012, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành quyết định tuyển dụng ông Thấu vào công chức Trưởng Công an xã Nghi Quang kể từ tháng 7-2012. Đến tháng 3-2013, ông Thấu được bổ nhiệm ngạch công chức chính thức Trưởng Công an xã Nghi Quang. UBND huyện cho rằng quá trình thực hiện quy trình tuyển dụng, thu hồ sơ, tổ chức thi tuyển, công khai kết quả, thông báo trúng tuyển, báo cáo Sở Nội vụ thẩm định, quyết định tuyển dụng. Hội đồng Tuyển dụng không nhận được đơn thư, thông tin hoặc phản ánh của cá nhân hay tổ chức liên quan ông Thấu, kể cả việc ông Thấu đã bị TAND huyện Nghi Lộc xử 12 tháng tù treo vào năm 1998.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết việc ông Thấu bị TAND huyện Nghi Lộc tuyên phạt tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng, thời gian thử thách 18 tháng, Công an huyện đã làm rõ và báo cáo lên UBND huyện.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quang – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc cho biết: “Nếu ông Thấu thi vào ngành công an thì chắc chắn với lí lịch đó dù đã xóa án tích vẫn không được. Tuy nhiên thời điểm đó ông Thấu thi tuyển ở dạng công chức xã”.
Trước đó, Báo Gia đình và Xã hội thông tin lúc 15h ngày 9-11-2017, tại UBND xã Nghi Quang xảy vụ bắn súng bằng đạn cao-su. Người bắn súng được xác định là ông Nguyễn Ngọc Thấu – Trưởng Công an xã và người bị bắn là ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch xã này. Ông Thanh bị trúng 4 phát đạn ở hai bả vai và được các đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu và xuất viện ngay trong ngày vì vết thương nhẹ. Riêng ông Thấu bị cơ quan công an tạm giữ.
V. Đ