FB Le Dung
Sau 8 tháng, kể từ khi xảy ra những khiếu nại của người dân sinh sống và làm việc ở hai bên bờ sông Lam, cầu Bến Thủy, đại diện cơ quan hành pháp của nhà nước là Bộ GTVT, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính đã hầu như không đưa ra được một sự đề xuất nào cho Chính phủ để điều chỉnh, hướng dẫn, làm rõ và bịt các kẽ hở của hành lang pháp lí, ngoài việc dồn toàn bộ áp lực cho nhà đầu tư, phát ngôn thiếu suy nghĩ, vượt thẩm quyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà nhà nước cho phép và đẩy áp lực mối quan hệ không tốt đẹp giữa người dân và nhà nước sang cho nhà đầu tư.
Việc làm đó có sai không? Có. Có hơi khốn nạn không? Có. Không những thế, nó còn gây ra những hệ lụy phản cảm, xấu đi hình ảnh nhà nước trong mắt người dân theo thời gian.
Thêm vào đó, truyền thông và báo chí không am hiểu gì về BOT hiện có ở Việt Nam đã “chụp ảnh” bề nổi của tảng băng mâu thuẫn, phỏng vấn mấy đại biểu lập pháp như Quốc không biết gì mà gì cũng nói, đưa ra những nhận định chủ quan, thiếu suy nghĩ và vô pháp. Cái đúng ra anh phải làm, là một đại biểu Quốc hội, anh phải đứng trên nền tảng pháp lí, đứng trên những quy định pháp luật hiện có của anh, căn cứ chương mục, điều khoản, điểm nào của luật gì, để anh bình luận, chứ không phải anh chẳng đọc gì, cứ lên báo nói ăng ô. Đó là một hành động làm loạn do ngu xuẩn chứ không phải là hành vi của một đại biểu của cơ quan lập pháp.
Hai chế tài quan trọng liên quan BOT là Luật Đầu tư (trước và sau sửa đổi, bổ sung và thay thế năm 2014) và Luật Đấu thầu (trước và sau sửa đổi, bổ sung và thay thế năm 2013), tùy thời điểm triển khai của từng dự án.
Về nguyên tắc, hợp đồng BOT là hình thức đầu tư được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định; hết thời hạn nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước. Như vậy, nó gồm 3 bước cơ bản, có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước. Sau đây nói về 2 bước quan trọng.
Bước 1 (B-Xây dựng) là hoàn thành công tác tuyển chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư được lựa chọn, được phép thực hiện xây dựng công trình. Sau khi hoàn thành xây dựng, công trình phải được nhà nước nghiệm thu theo đúng quy định mới được đưa vào sử dụng ở bước 2. Kĩ thuật và lưu lượng do Bộ GTVT và hội đồng nghiệm thu, giá thuế phí do Bộ Tài chính, và trình tự tuyển chọn cũng như tính đúng sai của dự án đầu tư do Bộ KHĐT. Phải thấy rõ một điều, nếu ở bước này xảy ra bất cứ sai sót nào thì trách nhiệm thuộc về tổ chức và cá nhân tham gia quá trình cấp phép và phê chuẩn chứ không phải thuộc về nhà đầu tư. Nhà đầu tư vô can.
Bước 2 (O-Kinh doanh) là giai đoạn được thực hiện sau khi có sự cho phép của nhà nước về chất lượng công trình, về mức giá thuế phí và các nghĩa vụ đầu tư khác. Như vậy, việc của nhà đầu tư ở giai đoạn này là thực hiện tuân thủ hợp đồng đã kí trên cơ sở hiện trạng công trình đã được xây dựng dưới sự cho phép và phê chuẩn của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền. Nói một cách ngay thẳng rằng, kể cả đổi vị trí một cái biển báo trong hệ thống hành lang tín hiệu giao thông đường bộ họ cũng không có quyền mà phải xin phép. Họ chỉ có quyền thu phí theo phê chuẩn của Bộ Tài chính, bảo đảm đường lưu thông được êm thuận theo đúng chuẩn mực và kết thúc quá trình kinh doanh khai thác theo quy định của hợp đồng đã kí. Họ có lỗi gì trong toàn bộ thực trạng BOT hiện có theo khuôn khổ pháp lí hiện hành không? Không. Họ đúng, bởi các cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền đã đóng dấu phê chuẩn cho sự đúng đắn đó. Để xảy ra những sự cố, những nhiễu loạn không mong muốn như hiện nay, trách nhiệm hoàn toàn là của nhà nước, mà cụ thể là Chính phủ, bởi đã không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vận hành thông suốt, môi trường minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư thực hiện quá trình kinh doanh và nghĩa vụ của họ với nhà nước .
Thay vì kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp lí để tránh các rủi ro và hệ lụy không đáng có cho nhà đầu tư trên diện rộng thì đại diện của Chính phủ lại có một hành động vô pháp, vô thiên, xử lí vấn đề một cách sự vụ và ngớ ngẩn, đó là “yêu cầu”, “xúi giục”, “áp đặt” nhà đầu tư phải tự đề xuất phương án sửa đổi hợp đồng, cái không hề tuân thủ theo bất cứ văn bản pháp lí nào hiện có.
Họ đi kiểm đếm lưu lượng và kết luận nhà đầu tư gian dối, làm giảm thống kê lưu lượng hiện có. Sai. Việc của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền trước khi đàm phán để kí kết hợp đồng đầu tư là phải đi kiểm tra tính đúng đắn của nó. Còn khi anh đã duyệt, đã kí hợp đồng mà anh không xem, không kiểm tra, thẩm định, thì trách nhiệm thuộc về anh chứ không phải nhà đầu tư, trừ khi họ gian dối về thông tin năng lực tự thân hiện có của chính họ mà họ khai báo, về tài chính, về kinh nghiệm…
Họ yêu cầu nhà đầu tư giảm giá vé, miễn vé cho một số vùng miền và ra văn bản chấp thuận. Cái này tuân thủ luật nào không? Không có. Việc anh cắt giảm, miễn giảm đẩy đến một hệ lụy kinh tế cũng như xã hội sang cho nhà nước phải gánh vác, đó là kéo dài thời gian thu phí.
Như chúng ta biết, đấu thầu BOT được xây dựng dựa trên 3 yếu tố cấu thành – giá xây dựng, giá vé và thời gian hoàn vốn. Khi anh điều chỉnh đi 2 yếu tố cấu thành trong một công trình thuộc thẩm quyền quyết định của nhà nước, nếu luật chưa có quy định cụ thể, anh phải trình Thủ tướng chứ anh không đủ tư cách và thẩm quyền để phê chuẩn nó. Bởi đơn giản là anh thay đổi toàn bộ bản chất hợp đồng và bản chất công trình mà nhà nước sẽ nhận được ở bước 3 và nó không còn đúng với đề bài mời gọi đầu tư nữa. Ví dụ, 10 năm hoàn vốn hết bước 2 thì sau 10 năm, tài sản nhà nước sẽ được ghi theo bút toán là “+ 1 công trình, có trị giá A đồng”. Anh làm chậm nó 2 năm, hiệu quả kinh tế – xã hội vùng miền sẽ giảm 2 năm, hiệu quả đầu tư sẽ bị âm 2 năm, gánh nặng ngân sách chi trả cho nhà đầu tư thay vì được nhà nước thu về sẽ tăng thêm 2 năm và để lại hệ lụy mệt mỏi không mong muốn cho các doanh nghiệp và người dân có phương tiện thêm 2 năm. Ngoài ra, sau 2 năm khai thác cơi nới, công trình sẽ bị tổn hại nhiều và nhà nước sẽ tốn thêm nhiều kinh phí để đầu tư khôi phục, thay vì nó tốt như trước đó 2 năm.
Xin thưa các anh bộ rằng, các anh không có quyền sửa đổi tăng thêm, làm hại cho lợi ích nhà nước, đó là thẩm quyền của Chính phủ. Các anh hãy đọc lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được Chính phủ ban hành trong nghị định của các anh đi, các anh hoàn toàn không có quyền đó.
Nếu không làm theo hướng cắt phí và ưu đãi vô căn cứ như trên, còn cách nào khác không? Xin thưa là nhiều. Trước hết, anh phải đóng khung công trình lại. Ví dụ công trình nhà đầu tư xây cho anh 1 ngàn tỉ, anh nợ nhà đầu tư 1 ngàn tỉ và cấp cho họ quyền thu phí với giá phí anh duyệt, lưu lượng anh thẩm tra. Vậy anh có thể trình Chính phủ phương án ngắt hợp đồng xây dựng, ấn định thời gian thu hồi vốn, sau đó anh mời chào giá thuế phí như các nước vẫn làm về hợp đồng BOT. Nhà đầu tư nào có mức thuế phí thấp nhất sẽ thắng thầu và có trách nhiệm trả lại cho nhà đầu tư cũ số tiền họ đã bỏ ra cùng các khoản lệ phí khác theo quy định. Đáp số thế nào, anh công bố để trấn an dư luận.
Tôi cũng muốn nói thêm về việc đấu tranh, đó là việc đấu tranh hiện tại đang sai đối tượng. Đúng ra các vị phải đứng trước cổng các bộ GTVT, KHĐT và Tài chính mà đấu tố, bởi chính bọn chúng mới là bọn duyệt, nhà đầu tư thuần túy chỉ là người tuân thủ.
Hoặc quý vị nên đứng kiểm đếm 24/24 lưu lượng rồi đối chiếu nó với lưu lượng được duyệt, làm căn cứ đấu tranh. Và ngay cả việc đó sai, cũng là trách nhiệm thẩm tra của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền chứ không phải của nhà đầu tư. Cũng giống như con các vị đi thi học kì thôi, Chính phủ là người ra đề kiểm tra, nhà đầu tư chỉ làm bài rồi nộp, họ sai mà chấm họ điểm 10 là lỗi của cô giáo chính phủ chứ không phải là lỗi học sinh là nhà đầu tư.
Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155762503177221