Không phải dạy tất cả làm quan, mà dạy tất cả làm cán bộ, đảng viên.
Bauxite Việt Nam
26.000 – 27.000 tiến sĩ vì sao chất lượng vẫn thế?
Góp ý cho Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung sáng 7-12-2017, PGS-TS Phạm Bích San – nguyên Phó tổng thư kí Liên hiệp Các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam cho rằng Luật giáo dục sửa đổi nhiều quá mà không mang lại hiệu quả.
“Vì sao sau bao nhiêu năm cải cách, sửa đổi thì tới nay nền giáo dục của Việt Nam vẫn như vậy? Suốt một nghìn năm qua, chúng ta đã có 3.000 tiến sĩ thì kinh tế đất nước vẫn như vậy. Bây giờ, chúng ta có tới 26.000 – 27.000 tiến sĩ mà nền kinh tế, giáo dục vẫn không tốt hơn? Vậy thì sửa đổi, bổ sung luật giáo dục để làm gì?” – vị PGS đặt câu hỏi.
Đi vào phân tích cụ thể các điều khoản sửa đổi trong dự thảo, PGS-TS Phạm Bích San đặt ra 3 vấn đề:
Thứ nhất, việc xác định mục tiêu của ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề cả về mặt từ ngữ lẫn tư duy. “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của mọi người… Những mục tiêu này nghe thì “to tát” nhưng đến cả những người có chuyên môn như tôi khi đọc cũng không hiểu hết được mục tiêu cụ thể Bộ Giáo dục muốn nói đến là gì? Luật là phải điều chỉnh rất cụ thể những hành vi của con người liên quan giáo dục; liên quan những vấn đề tái tạo các kiến thức giáo dục của con người, của cộng đồng người cho thế hệ mai sau. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, cụ thể những điều đó trong luật” – PGS Phạm Bích San nói.
Thứ hai, tại Khoản 2 và Khoản 3 – Điều 25 luật sửa đổi, trong đó có quy định cụ thể độ tuổi đối với trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi, học sinh vào lớp 6 là 11 tuổi. “Nếu theo quy định này, tôi xin hỏi nếu sinh lớn tuổi hơn 11 thì có được đi học nữa không? Hay học sinh ít hơn tuổi 11, hay những học sinh bị trầm cảm đi học muộn… thì sẽ không đi học hay sao? Mặc định đúng 11 tuổi mới được vào lớp 6 là vô lí vì với trường hợp là thiên tài thì kể cả 5 tuổi cũng có thể vào lớp 6, thậm chí vào được cả đại học. Kinh nghiệm khi xây dựng đạo luật là luật phải đủ mở, đủ thoát để có thể áp dụng và điều chỉnh được mọi thứ. Quy định quá chi tiết, quá cụ thể là tự mình trói tay mình” – vị chuyên gia góp ý.
Thứ ba, luật sửa đổi lần này vẫn còn mang nặng tính bao cấp, chưa phù hợp cơ chế thị trường. “Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Quy định thế này thì lạ quá. Việt Nam đang tiến tới tự chủ đại học, việc quyết định chức danh giáo sư, phó giáo sư phải là quyền của nhà trường quyết định. Lâu nay có chuyện quan chức “phổ cập” bằng TS, GS cũng chính vì cơ chế này. Ai cũng chạy loạn để lấy bằng cấp, lấy cho được học hàm, học vị. Nếu để các trường tự chủ, tình trạng chạy theo bằng cấp sẽ không còn nữa. Trường nào muốn dạy tốt thì phải chọn người giỏi” – ông San nói rõ.
Tiếp đến là đề xuất xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất trong thang bảng lương công chức sự nghiệp, vị chuyên gia nói thẳng: “Bộ GD-ĐT chỉ tự an ủi mình”.
“Điều luật có vẻ đang có tác dụng tích cực trong việc an ủi tâm lí cho đội ngũ giáo viên, nhà giáo. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những cựu nhà giáo về hưu đang nhận lương 3 triệu đồng/ tháng thì luật này không thể giải quyết được vấn đề gì” – ông San thẳng thắn.
Giáo dục quá ưu tiên cho người giàu
Một điểm rất quan trọng khác cũng được vị PGS đề cập tới là tình trạng thiếu trường mầm non công lập cho con em công nhân lao động. “Cứ nhìn hàng triệu công nhân tại các khu công nghiệp, ai cũng có nhu cầu được lập gia đình, được sinh con và mong muốn cho con được tới trường. Tuy nhiên, thực tế thì sao, tất cả hệ thống giáo dục mẫu giáo dành cho con em công nhân gần như không tồn tại hệ thống giáo dục mầm non công lập nào. Thực tế này đã bật lên một điểm và cũng đã được nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đang ưu ái đặc biệt cho con em nhà giàu. Chính vì tình trạng cào bằng giáo dục như vậy nên những ai có khả năng tiếp cận được với nền giáo dục này thì họ sẽ được lợi rất nhiều”. Từ thực trạng trên, PGS Phạm Bích San cho rằng nếu chúng ta không đủ sức làm thì hãy để cho thị trường làm.
Để giáo dục không chỉ dạy… làm quan
Điểm lại hàng loạt những vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục gần đây, PGS Phạm Bích San cho rằng nguyên nhân là do ngành giáo dục chưa xác định được triết lí giáo dục cụ thể.
“Những vụ cô giáo Mầm Xanh đánh trẻ em, chủ trương chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ rồi tới vụ cải tạo tiếng Việt… đấy là những “nhốn nháo”, bất cập trong ngành giáo dục mà sau bao nhiêu năm cải cách vẫn không sửa đổi được. Vì sao lại như vậy? Mấu chốt nằm ở chính triết lí của ngành giáo dục chưa cụ thể, rõ ràng. Ngành giáo dục muốn đào tạo, giáo dục con em chúng ta sau này sẽ trở thành những con người như thế nào? Ngành giáo dục muốn xây dựng giá trị gì cho thế hệ con người trong tương lai? Nếu không xác định được rõ ràng mục tiêu này thì Bộ GD-ĐT có tổ chức hàng ngàn lần các cuộc cải cách, đổi mới cũng không mang lại hiệu quả gì” – ông San nói.
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông San kể lại câu chuyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Truyện nói về một người cha nhờ một ông thày đến dạy học cho con mình. Trong cuộc đối thoại, ông bố hỏi người thày định dạy cho con mình cái gì. Ông thầy đáp tôi vốn là người bán thịt lợn, tôi nghiệm ra rằng bán thịt ba rọi là vừa tiền, nhiều người mua, không bao giờ ế cả. Ông bố đề nghị có bài học nào hay như vậy, giống như vậy thì dạy cho con ông ta. Nghe vậy, người thày lập tức vỗ tay và nói rằng hay như vậy thì chỉ có học làm quan.
“Tôi e rằng với nền giáo dục hiện tại thì tương lai tất cả con em chúng ta đều kéo nhau đi làm quan hết. Vì vậy, nếu không xác định được mục tiêu, không cải cách được chất lượng ngành giáo dục thì cuối cùng nền giáo dục của chúng ta cũng chỉ giống như… món thịt rọi” – ông San kết lại.
Hoài An (ghi)
Nguồn: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/luat-giao-duc-sua-doi-dung-de-day-tat-ca-lam-quan-3348558/