Thiện Tùng
Ai ơi nhớ nhớ lấy lời nầy: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là BOT”
Các bạn nghĩ gì về các trạm thu phí BOT ở Việt Nam?
BOT cả nước
BOT ở VN đang trăm hoa đua nở, được nhà cầm quyền bảo kê, đầy rẫy bất công: Thầu do giới cầm quyền chỉ định, định phí xây dựng công trình cao, thu phí phương tiện lưu thông tùy tiên, thời gian thu phí dài. Người dân quá bức xúc trước nạn cướp đường, có những hành động bất tuân dân sự.
Trả lời những câu hỏi của phóng viên báo, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông buộc phải tiết lộ: “Cả nước hiện nay có 88 trạm thu phí BOT. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 107 cuộc kiểm tra”.
Ngành Kiểm toán phát hiện có gian lận trong 3 khâu: định giá thầu công trình quá cao so với thực chi / thu phí phương tiện lưu thông tùy tiện / kéo dài thời gian thu phí. Để ngăn chặn gian lận nầy, ngành Kiểm toán “chế tài” bằng cách rút ngắn thời gian thu phi để điều chỉnh tương đối hợp lý chi thu cho từng trạm BOT. Theo báo Tiền Phong, đến nay (5/12/2017), Kiểm toán đề xuất định mức thời gian thu phí cho 7 trạm BOT có tên cụ thể như sau:
1/ Dự án công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm, 1 tháng, 12 ngày;
2/ Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1793+600 (Km734+600 QL14) đến Km1824+00 (Km1765+00 Quốc lộ 14), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm, 3 tháng, 22 ngày;
3/ Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (Km921+025-Km926+331 Quốc lộ 14), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm, 9 tháng, 21 ngày;
4/ Dự án công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km17+027-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00-Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai giảm 7 năm, 6 tháng, 27 ngày;
5/ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Pleiku Km1610 đến cầu 110 (Km1667+570), tỉnh Gia Lai giảm 7 năm, 2 tháng, 27 ngày;
6/ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk giảm 6 năm, 10 tháng, 22 ngày;
7/ Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cổ Chiên giảm 5 năm, 24 ngày.
Như vậy, tổng cộng 7 trạm thu phí BOT vừa kể sẽ bị rút ngắn thời gian thu phí 60 năm, 17 ngày. Mới có 7/88 trạm thu phí BOT mà cho ra con số khiếp thật?!.
BOT Cai Lậy
Cai Lậy từ thị trấn được “đề bạt” lên thị xã. Thị xã thuộc đàn anh thị trấn, đàn em thành phố. Qui mô, bề thế của Cai Lậy vốn chẳng hơn các thị trấn khác trong tỉnh Tiền Giang. Chấp nhận đề bạt nó lên cấp thị xã thì phải tăng qui mô, tạo bề thế cho nó, đó là điều cần thiết, nên làm.
Cái nhược của thị xã Cai Lậy (TX CL) là Quốc lộ 1A (QL1A) chui vào lòng nó, hai phần ba (2/3) khu thị tứ nằm phía bắc lộ, 1/3 nằm ở nam lộ. Đáng nói hơn đoạn độc đạo nầy cong queo dễ ùn tắt giao thông, dễ xảy ra tai nạn.
Vậy thì làm đường tránh TX CL là cần thiết, với 2 yêu cầu: một là giải quyết nạn ùn tắt giao thông cho tuyến lộ huyết mạch; hai là “giải phóng” TX CL cho nó “trưởng thành”.
Mở đường tránh không hợp lý, không đáp ứng yêu cầu, gây thêm rối loạn.
– Không biết các nhà “tai mắt mũi họng” nghĩ sao, với mục đích gì mà mở lộ tránh TX CL, thay vì đi thẳng gắn vào QL1A cuối đoạn cong, rút ngắn đoạn đường, các vị đột ngột cho nó quẹo phải thành cung chữ C, chẳng những không loại bỏ được đường cong “mềm mại” vốn có trên QL1A, còn kéo dài thêm đoạn đường, tạo ra 2 cái cua “gắt củ kiệu” – điều tối kỵ của giao thông.
– Làm đường tránh là cốt để phương tiện lưu thông không vào TX CL gây ùn tắt giao thông, giải phóng TX CL. Thế mà, các vị lại bày ra việc gia cố đoạn QL1A nầy, khác chi khuyến khích phương tiện lưu thông đi vào nội ô TX CL.
Phải chăng, 2 việc làm lạ kỳ trên, cốt để hợp pháp hóa việc đặt trạm thu phí (BOT) trên QL1A như đã làm? Việc làm không rõ ràng, không trong sáng nầy khiến cho dân chúng, nhất là giới lái xe, phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu.
Sơ đồ minh họa tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Báo Tiền Phong 5/12/2017). Ảnh: Bảo AN (— Quốc lộ 1A, — Đường tránh, – – – Đường giả định)
Giải pháp tối ưu
Không gọi lộ tránh mà gọi đoạn QL1A mới. Tạm sử dụng (không gia cố) 17 km đoạn QL1A cũ, khẩn trương xây dựng đoạn QL1A mới nầy, kích thước, quy mô như lộ QL1A, cũng khởi đầu từ hướng đông, tại đầu lộ tránh đã làm, cắt thẳng qua những ruộng vườn, loại bỏ hoàn toàn đoạn cong, gắn vào đoạn thẳng QL1A hướng tây, có chiều dài chí 14 km theo vạch xanh giả định (ngắn hơn đoạn QL1A cũ 3 Km). Khi hoàn thành, có đoạn QL1A vừa thẳng vừa thông thoáng thay thế, giao 17 km QL1A cũ cho Cai Lậy quản lý, sử dụng, cấm phương tiện lưu thông qua đoạn QL1A cũ nầy. Thế là giao thông huyết mạch không cón ùn tắt, TX CL hoàn toàn được”giải phóng”.
Lấy kinh phí đâu để làm?
Vì lộ, cầu xây mới hoàn toàn, nhà nước hay tư nhân bỏ vốn ra có quyền lập trạm BOT để thu lại tiền đầu tư. Đặt trạm BOT ngay trên đường mới xây, không ai có quyền cấm cản điều đó. Nếu tư nhân không làm, nhà nước vay tiền ngân hàng làm. Với con đường độc đạo, lưu lượng xe qua lại nối đuôi nhau như mắc cửi, nhiều lắm trong 4 năm là thu đủ vốn và lời theo định mức.
Theo Bộ trưởng Giao Thông Nguyễn văn Thể trả lời phỏng vấn của ký giả: “Phí xây dựng đường tránh 1.100 tỷ, phí trùng tu đoạn đường QL1A nầy 380 tỷ” – tổng cộng là 1.480 tỷ. Với số tiền khổng lồ đó thừa xây cầu, đường đoạn QL1A mới nầy. Ông Thể còn cho biết thêm: “Nếu đặt trạm thu phí trên QL1A thì thời gian thu 10 năm; nếu đặt trạm thu phí trên đường tránh thì thời gian thu phí phải 30 năm. Vì vậy, Bộ Giao thông và địa phương Tiền Giang thống nhứt đặt trạm thu phí trên QL1A để thu hồi vốn cho nhanh, không khéo đường cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành, xe phân tán, đường tránh sẽ bị vô hiệu hóa, vỡ nợ!”.
Khi ngân sách quốc gia không cáng đáng nổi, BOT là loại hình xã hội hóa, đồng nghĩa với “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vấn đề đặt ra ở đây, không phải nên hay không làm BOT mà, nếu làm BOT, phải công khai, minh bạch trước dân. Về BOT có 4 việc đòi hỏi phải được công khai, minh bạch: một là đấu thầu (chống chỉ định); hai là vốn đầu tư vào công trình; ba là định mức thu phí trên từng loại phương tiên lưu thông; bốn là thời gian thu phí.
Suy cho cùng, chi phí công trình BOT do nhà nước hay tư nhân tạm xuất, nhân dân lần lượt trả sau cả vốn lẫn lãi. Vì vậy, đã là BOT thì phải dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, mọi mặt phải được công khai, minh bạch trước dân. 88 BOT hiện nay, nhà nước và nhà đầu tư tự biên tự diễn, những trạm thu phí hành xử như những toán cướp đường, dân chịu hết nổi, đang có hiện tượng bất tuân dân sự, từ một vài điểm đang lan dần ra diện rộng. Nếu nhà cầm quyền dùng biện pháp cứng rắn, biết đâu từ đấu tranh kinh tế chuyển sang chính trị.
11/12/2017
T.T.
Tác giả gửi BVN.