Anh Văn
Friedrich Engels: “Cơ sở thống trị chính trị chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện những hoạt động về mặt xã hội. Hàm nghĩa, Nhà nước không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ cho lợi ích giai cấp thống trị mà không đếm xỉa đến lợi ích nguyện vọng của các giai cấp, lực lượng khác trong xã hội”.
BOT Cai Lậy khi nhập về 1.500 tờ tiền trị giá 100 đồng tiếp tục phải xả trạm vì sự phản đối của các tài xế.
Đây là phản ứng có lý, khi mà tính bất hợp lý của BOT Cai Lậy được bộ máy cơ quan nhà nước là Bộ GTVT tiếp tục bảo hộ, trong đó có quan điểm nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ của ông Tân Bộ trưởng.
Vấn đề của BOT Cai Lậy không chỉ ảnh hưởng đến miếng cơm – manh áo của cánh tài xế mà nó còn là ảnh hưởng trực tiếp đến bất kỳ ai đi qua tuyến đường này. Xả với số lượng 10 lần trong ngày với câu thần chú “khắc nhập – khắc xuất” cho thấy tính bế tắc vì sự ngoan cố “một cắc bạc phải thu” của chủ đầu tư trạm cũng như sự dính dáng bởi một số cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước.
Quyền lực nhà nước đang bị sử dụng sai cách và làm mất tính chính danh của nó.
Khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “không kéo dài tình trạng” tắc ở trạm BOT Cai Lậy, thì phải hiểu là nên có một giải pháp được đưa ra. Nhưng tiếc rằng, bản thân sự ngoan cố – muốn biến sai thành đúng, sử dụng áp chế quyền lực nhà nước không đúng chỗ đã khiến cho giải pháp “giữ trạm” trở thành một phản ứng tồi tệ.
Tồi tệ vì bản chất nhà nước dưới mắt nhà dân bị biến dạng thành cụm từ “ăn cướp” và chính cụm từ này đã khiến quyền lực nhà nước bị suy giảm nghiêm trọng.
Thứ hai, tồi tệ vì bức tranh của mấy ngày qua cho thấy một cảnh tượng có phần không đúng lắm trong tiến trình xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, trong cái nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” mà phía Nhà nước CHXHCN Việt Nam đang tìm cách tuyên truyền và xây dựng. Cũng không đâu xa, chính trạm BOT Cai Lậy đã phá hỏng hình ảnh của một chính phủ kiến tạo mà ông Nguyễn Xuân Phúc đang “bồi đắp”. Bởi nạn tắc nghẽn, kẹt xe, phản ứng không đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT đã là một vết nhám cho tiến trình xây dựng một Chính phủ biết lắng nghe dân và cải cách thể chế đó rồi.
Nhưng đi xa hơn, tác động của kinh tế sẽ trở thành một domino cho niềm tin về tính chính trị nhà nước. Bởi nhà tư tưởng, triết học Friedrich Engels đã khẳng định một quan điểm chủ chốt rằng: “Cơ sở thống trị chính trị chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện những hoạt động về mặt xã hội”. – Điều này hàm nghĩa, Nhà nước không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ cho lợi ích giai cấp thống trị mà không đếm xỉa đến lợi ích nguyện vọng của các giai cấp, lực lượng khác trong xã hội.
Nếu có một cuộc thăm dò dư luận về niềm tin của người dân đối với Chính phủ và Nhà nước Việt Nam hiện thời qua góc nhìn BOT Cai Lậy, thì đó sẽ là một con số từ quá thấp đến âm số. Bởi Nhà nước chưa thực sự lo cho dân, chưa thực sự vì dân như khẩu hiệu trên truyền thông.
Trong một phép tính, một Facebooker là Thong Tin Giao Thong cho biết, trung bình BOT Cai Lậy thu một ngày là 3,5 tỷ đồng (tương ứng 1 giờ là 146 triệu đồng). Nếu một tài xế làm BOT này “thất thủ” trong 30 phút thì tiết kiệm cho người dân 73 triệu đồng, với gói mỳ trị giá 3.000 đồng, thì có thể mua 24.334 gói mỳ.
Phép tính trên cho thấy răng, tính siêu lợi nhuận của BOT ra sao, và vì sao sự “ngoan cố” duy trì, bất chấp lòng dân tại kéo dài từ chủ đầu tư tại Cai Lậy ra đến tận Trung ương?
Do vậy, trong một thông tin có liên quan, vào tối ngày 2/12, Facebooker Lâm Quân Trường – người trong đội chủ chốt của nhóm tài xế “Bạn hữu đường xa” cho biết: Tháng sau (tháng 1/2018), BOT sẽ dời trạm vào đường tránh nhưng cấm các loại xe trên 10T và xe tuyến cố định vào QL1A.
Bộ GTVT hay chủ đầu tư đã biết lắng nghe dân hơn? Không! Nó đến từ áp lực buộc phải làm, tuy nhiên đây là giải pháp thiếu thành tâm, bởi việc cấm xe 10T vào Quốc lộ 1A không làm mất đi tính bất hợp lý của trạm BOT Cai Lậy, nó buộc lái xe trên 10T phải gánh chịu một nguồn thuế phí mới mà đáng ra họ đã trả từ trước đó (đã đóng phí cầu đường và giờ bị cấm lưu thông trên quốc lộ 1A). Như vậy, chủ đầu tư và Bộ GTVT vẫn tiếp tục ngoan cố duy trì BOT Cai Lậy, tiếp tục rẽ nhánh sang một cái sai khác. Và chắc chắn rằng, chủ đầu tư hay Bộ GTVT sẽ giải thích sự di chuyển trạm này là nhằm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đô thị và giảm tải các phương tiện giao thông qua.
Nhưng như đề cập trên, gải pháp cho tháng sau về cơ bản vẫn tiếp tục là “ăn cướp” chứ không phải là vì “giảm tải” hay an toàn giao thông cho người dân!!
Và do đó, cơ sở chính trị sẽ không còn kéo dài?
A.V.
VNTB gửi BVN.