Nguyễn Đình Cống
Tôi vừa đọc bài “Khi cái ác trở nên phổ biến: Liều thuốc nào cho người Việt?” của nhà văn Phạm Tường Vân (PTV). Tôi tâm đắc với bài viết và xin trao đổi vài ý kiến.
PTV viết: “Tôi không dám mở báo ra đọc nữa. Có cảm tưởng chưa khi nào mà cái ác hiển lộ mạnh mẽ đến thế, được dung dưỡng dễ dàng hồn nhiên đến thế, đến nỗi chúng ta phải hỏi liệu đã tới ngưỡng chưa và ngày tận thế còn bao nhiêu canh giờ nữa?”.
Sau khi kể ra khá nhiều dạng thức của cái ác đang tràn ngập xã hội, PTV nhận xét: Đường biên thiện – ác vắt ngang tim, rồi đặt câu hỏi: Loại bỏ, đào thoát hay chung sống hoà bình? Để trả lời, PTV cho rằng cái ác vốn xuất phát từ tham, sân, si, như là một dạng bệnh lý, như là “kíp nổ” được gài sẵn trong tiềm thức.
Cuối cùng tác giả đưa ra một vài giải pháp nhằm loại bỏ cái ác, gọi đó là những “Liều thuốc cho người Việt”. Tóm tắt các giải pháp đó là: “mỗi cá thể tự nhận ra cái kíp nổ đó trong mình,… tháo gỡ và vô hiệu hoá nó. … phải xoá hết mặc cảm tự ti, … tránh bị bản năng dẫn dắt”. Ngoài ra còn thêm: “Like và share có ý thức” với một số ý như: cha mẹ nhận thức đúng về giáo dục con cái…, mỗi người biết tư duy tích cực…, loại bỏ khỏi ngôn ngữ hàng ngày những từ ác độc…, loại bỏ các câu chuyện có tính xảo trá, lừa bịp.
Phát hiện ra và tìm cách xóa bỏ CÁI ÁC ở trên đời là sứ mệnh vẻ vang của những người chân chính. Trung tướng Trần Độ viết “Những mong xóa ác ở trên đời/ Ta phó thân ta với đất trời/ Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện/ Không hay cái ác lại luân hồi”. Phạm Tường Vân cũng phát hiện ra cái ác đang hiển lộ mạnh mẽ, cố tìm ra liều thuốc để chữa. Những điều nhà văn viết, xét ra không có gì sai, nhưng nói là đúng thì chưa thật hoàn toàn đúng.
Muốn chữa bệnh trước hết cần tìm đúng nguyên nhân. Theo tôi PTV nêu nguyên nhân chưa đủ, còn có nguyên nhân quan trọng hơn mà không thấy nói đến. Không hiểu là nhà văn chưa thấy hay là thấy rồi mà không dám nói. Trần Độ đã thấy rõ, vạch ra nguyên nhân của cái ác luân hồi, đó là sự độc quyền toàn trị của ĐCS. Vì thế mà ông bị ĐCS đàn áp, cho là dám chống đảng. Nhiều người thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của những cái ác hiện nay nhưng không dám nói công khai vì sợ.
Tôi đã vượt qua được cái sợ như vậy và xin góp vài ý kiến. Tôi tán thành, ủng hộ Tướng quân Trần Độ khi cho rằng một phần rất quan trọng tạo nên sự luân hồi của cái ác chính là sự độc quyền toàn trị của chuyên chính vô sản, là những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê (CNML), là các sai lầm trong sự lãnh đạo của ĐCSVN. Nhưng cái ác không hoàn toàn do một mình CNML và ĐCSVN tạo ra, mà đó là sự kết hợp của 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là những yếu kém trong truyền thống dân tộc, mà một số biểu hiện đã được PTV kể ra. Yếu tố thứ hai là những độc hại của CNML, những sai lầm của ĐCSVN. Có sự kết hợp đó nên cái ác không những luân hồi mà phát triển mạnh mẽ đến mức PTV không dám đọc báo nữa. Nếu không có sự kết hợp đó cái ác tuy cũng có, nhưng bị hạn chế nhiều.
Một cách khác, những chuyện xảy ra trong phạm vi rộng lớn của xã hội thường do hai thế lực cùng tác động. Thế lực quần chúng nhân dân và thế lực chính quyền (hoặc thống trị), trong đó vai trò của chính quyền thường đóng vai quan trọng hơn. Có những cái ác do chính quyền tạo ra, đẩy người dân vào thế bị oan sai. Có những cái ác do người dân tạo ra cho nhau, được chính quyền bao che, lờ đi, bất lực hoặc cùng chia chác hưởng lợi. Chính quyền có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, tổ chức và thi hành luật pháp nghiêm minh để cho người dân không muốn, không thể và không dám làm điều ác.
Cách nhìn thiên lệch của một số người là chỉ thấy một phía. Hoặc là đổ riệt mọi thứ cho người dân, hoặc là chỉ biết lên án chính quyền. Trong các phân tích của mình PTV hình như chỉ mới nhìn thấy sự việc từ phía quần chúng. Trong lòng quần chúng có tham sân si, có bệnh lý, có kíp nổ, v.v. nhưng khi có một chính quyền sáng suốt, liêm chính, vững manh, có nền giáo dục tốt thì sẽ hóa giải được nhiều xung đột. Ngược lại, một chính quyền độc tài toàn trị, chủ yếu dùng bạo lực và tuyên truyền dối trá, dùng mưu mô thâm hiểm để giành và giữ quyền bính, một chính quyền tham nhũng, mua quan bán tước thì tuy có to mồm hô hào ngăn chặn cái ác, có viết hết nghị quyết này đến nghị quyết khác về ngăn chặn và khắc phục cái ác, nhưng thực chất không ngăn chặn nổi, mà còn bí mật tiếp tay và ngang hiên tạo ra cái ác.
Vậy mấy liều thuốc mà PTV bốc cho người Việt chỉ giỏi lắm chữa được một phần, đó là làm cho người ta không muốn làm điều ác. Dùng có hiệu quả thì tốt, nhưng rất khó dùng. Trong một thể chế đầy rẫy tham nhũng vẫn có thể có một số người có được giác ngộ để không làm điều ác, nhưng hy vọng mọi người sẽ giác ngộ e là ảo tưởng. Chỉ khoảng trên dưới 1 phần trăm người làm ác thì cả xã hội đã loạn lên rồi.
Để xóa ác phải đồng thời từ hai phía: chính quyền (thể chế chính trị) và người dân (nền văn hóa). Không có được chính quyền liêm chính, vững mạnh, được lòng dân thì thật quá khó để nói đến việc xây dựng một nền đạo đức lành mạnh, quá khó để loại bỏ cái ác ra khổi đời sống. Chỉ có dưới chính thể thật sự liêm chính và dân chủ thì những liều thuốc của Phạm Tường Vân may ra mới phát huy tác dụng.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN