Minh Hải
BOT BOT, hay chi phí đường bộ của VN hiện nay nếu truy trách nhiệm có lẽ người ta cần mang Đinh La Thăng ra mà chất vấn. Nhân vật này có lẽ tàn phá đất nước này có thể sẽ chẳng ai có kỷ lục tàn phá lãng phí như Đinh La Thăng, đó là từ dầu khí, hàng hải, giao thông,… Đã thế, Đinh La Thăng này còn có thành tích bổ nhiệm sai trái rất đáng ngại, và đa số những kẻ được Đinh La Thăng này bổ nhiệm đều gây tổn thất nặng nề cho kinh tế VN với các dự án ma mất vốn cả ngàn tỷ cho tới trăm ngàn tỷ đáng ghê tởm. Còn Đinh La Thăng thì dưới thời ông này làm dầu khí rồi chuyển qua làm Bộ trưởng Bộ GTVT thì tiêu tiền như nước,… có lẽ thời đó nhiều người VN vẫn hay lạc quan hồ hởi sảng về nhân vật hay nói này, chứ thực ra thì ít ai thấy ra là nhân vật này có lẽ nguy hiểm gấp mấy chục lần lãnh đạo Vinashin bị kết án tử hình như Phạm Thanh Bình – cựu chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin, và hàng đống cấp dưới – bầy sâu mọt thuộc cấp của Phạm Thanh Bình. Tức là ta cũng không quên người thầy và chủ nhân của Đinh La Thăng là ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nữa, có lẽ ai cũng biết ông Dũng này. Ôi thôi hiện nay hiệu ứng BOT, như BOT Cai Lậy đã lên bàn của các nhà phân tích kinh tế quốc tế rồi. Những ông bà lãnh đạo Bộ GTVT mới thì cũng bất lực thôi, là họ sẽ vẫn phải theo cái lao để thu phí cho bằng được để mà đắp nợ vào các dự án xây cất đường bộ với chi phí đắt đỏ đáng kinh ngạc là cao gấp 3 hay gấp 4 lần bên Mỹ và gấp 5 hay 7 lần bên xứ Tiểu vương quốc Dubai giàu có nằm trong quản lý của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Chi phí xây cất đường bộ giao thông của VN đắt nhất hành tinh này cũng giải thích dễ hiểu thôi, đó là ta bỏ qua hàm ý đền bù giải tỏa, vì có đền bù giải tỏa thì đất đai nhà cửa ở VN cũng chẳng thể đắt hơn các nước khác… Hầu hết các dự án xây cất của VN có kỳ hạn bảo hành rất thấp, thời gian sử dụng rất ngắn, có khi mới làm xong đã hư lún, bảo hành kỳ hạn có dăm vài năm, trong khi các nước khác thì cả mấy chục năm. Thậm chí Tiểu vương quốc Dubai xây xa lộ cao tốc mấy chục làn xe, làm đường xong còn tuyên bố thời hạn sử dụng sẽ hơn nửa thế kỷ, hư thì nhà nước bỏ tiền ra làm, họ cũng chẳng màng đến cái chuyện thu phí BOT linh tinh này. Một số quốc gia đã đi lên bậc cao hơn, xưa kia làm đường đầu tư hạ tầng giao thông thì trích trong ngân khố và ngân quỹ của nhà nước ra làm, họ cũng chẳng cần phải thu thuế phí luôn, vì lợi ích lớn lao của họ là hấp dẫn đầu tư nước ngoài với chi phí vận chuyển rẻ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và tăng sản xuất nhờ chi phí vận chuyển hàng hóa thấp, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm tích lũy lời lãi để tăng đầu tư,… Vì làm đường bộ chi phí cũng không đắt lắm đối với họ, nó chỉ mấy điểm phần trăm trong ngân quỹ nhà nước trích ra đầu tư thôi,… vì chi phí hạ tầng thấp và hấp dẫn sẽ rất có lợi gấp ngàn lần thu phí, bởi vì nó còn kiềm chế lạm phát, bởi phí tổn vận chuyển hàng hóa quá cao do thuế phí đường bộ quá lớn,… Ôi thôi đối với VN mọi chuyện nó không được như vậy. Đó là bất cứ dự án nào vẽ ra thì cả bầy sâu mọt tham nhũng đục khoét chung chi, nên đẩy mọi chi phí bốc lên trời và người ta thì cứ quen thói móc túi người dân đắp vào đấy. Hãy nhớ rằng câu nói của Đinh La Thăng mà các giới vận chuyển hàng hóa cần ghi nhớ, đó là ông Thăng này thời còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT đã thẳng thẳng tuyên bố là: “Đề xuất hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô tô và xe máy, với đề xuất tăng phí lưu hành xe ô tô lên 20 – 50 triệu đồng cho 1 năm,…”. Tuyên bố của kẻ bố láo vô học bất tài vô năng lực, vì thực tế giá cả xe hơi ở VN kể cả xe hơi nhập khẩu hay bất cứ xe hơi nào khi đăng ký lưu hành trong lưu thông thì người dân họ đã nộp những khoản chi phí, thuế phí đắt đỏ nhất hành tinh rồi thì còn thu thuế với tăng phí cái gì ở đây nữa. Xe hơi ở VN thì qua nhiều cửa ải thuế phí thì tới tay người sở hữu nó đã đắt đỏ gấp 3 hay 4 lần giá chiếc xe hơi xứ khác. Song hành chuyện nâng thuế phí đường bộ ấy thì mâu thuẫn với kế hoạch của Đinh La Thăng, đó là ông này gia tăng đầu tư số tiền lớn cho hạ tầng giao thông, đầu tư thế mà đường vẫn hư hỏng xuống cấp nhiều; ế khách chạy đường cao tốc thì đề xuất tăng thuế phí ở các giao lộ, quốc lộ khác để lùa giới lái xe vào đường cao tốc,… Cũng dưới thời Đinh La Thăng thì các trạm thu phí dày đặc rất vô duyên, làm đường ở Biên Hòa, Đồng Nai hay xa hơn thì đòi manh nha đặt trạm thu phí tận Bình Thuận, đúng là bố láo khó tin nổi. Mấy nhà đầu tư Mỹ năm xưa tới VN, đang chạy thì cứ mấy chục cây số bất ngờ phải thắng gấp xe lại, là họ cứ tưởng đi nhầm qua biên giới của quốc gia khác, nhưng nó không phải vậy, nó là cái trạm thu phí to đùng trước mặt,… Bây giờ thì người ta di dời và dẹp bớt rồi, chứ tôi còn lưu bản đồ cái tờ Tuổi Trẻ tặng tôi sơ đồ thu phí giao thông ở VN mà ớn lạnh, không phải vì tiền bạc hay gì đó mà tôi tiếc tiền, bởi lẽ nó mất thời gian chạy rồi dừng, chạy được mấy chục cây số rồi dừng đóng phí, có lẽ người ta đỗ lỗi rằng do tôi quen sống ở xứ tư bản giãy chết là chỉ leo lên xe đạp ga tăng tốc chạy trên 120 km/h cả nửa ngàn cây số trên xa lộ cao tốc mà không phải thắng lại đóng phí trả phí mà thu phí tự động trừ vào tài khoản,… đó là chuyện của họ, là họ muốn nói sao thì nói,… (*) Đinh La Thăng là nhân vật khá may mắn là được rút nhanh đúng thời điểm để lại cho kẻ khách đổ vỏ ốc khi Thăng và tay chân ông ta ăn hết ốc bên trong, từ việc co cẳng chạy rất nhanh từ dầu khí chạy qua giao thông, rồi được rút đi từ giao thông chạy lên chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, và bây giờ hạ cánh an toàn với chức vụ Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cùng với Nguyễn Văn Bình ở đó, đúng là chuyện quái đản. P.T. Nguồn: http://morganstanleyphuongtho.blogspot.hk/2017/12/bot-bot-hay-chi-phi-uong-bo-cua-vn-hien.html |
Sau hơn ba tháng rưỡi tạm ngưng hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang thu phí trở lại hôm 30/11/2017, và một lần nữa vấp phải sự phản đối quyết liệt của cánh tài xế bằng việc áp dụng linh hoạt “vũ khí” tiền mệnh giá nhỏ khi qua trạm. Tuy nhiên, lần hoạt động trở lại này Chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho dư luận thấy đang có động thái quyết không nhân nhượng với cánh tài xế…
Dùng tiền mệnh giá nhỏ… hình thức đúng luật, bất tuân dân sự
Khoảng 23h ngày 01/12/2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại sau khi chuẩn bị xong một số lượng những tờ tiền mệnh giá 100 đồng đủ lớn. Theo nguồn tin của trang mạng Zing.vn, sau cuộc họp chiều cùng ngày với Ủy ban tỉnh Tiền Giang và các ngành chức năng , lãnh đạo BOT Cai Lậy cho biết đã có 1.500 tờ tiền mệnh giá 100 đồng được chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh và về đến Tiền Giang.
Trước đó, sau hơn ba tháng rưỡi ngưng hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động trở ngay ngày đầu tiên là ngày 30/11/2017, đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cánh tài xế bằng việc áp dụng linh hoạt “vũ khí” tiền mệnh giá nhỏ khi đi qua trạm. Lần này, cánh tài xế đã dùng tiền mệnh giá 200 đồng để qua trạm và yêu cầu nhân viên thu phí trạm phải thối lại đúng 100 đồng mới cho xe qua trạm, thối dư cũng không lấy mà thối thiếu cũng không nhận. Ví dụ, phí qua trạm là 25.000 đồng thì cánh tài xế sẽ đưa 02 tờ mệnh giá 10.000 đồng, 02 tờ có mệnh giá 2000 đồng, 01 tờ có mệnh giá 500 đồng và 03 tờ có mệnh giá 200 đồng vậy tổng thể là 25.100 đồng, đây gọi là “chiến thuật 25-1”.
Rất nhiều cánh tài xế đã áp dụng “chiến thuật 25-1” để qua trạm thu phí BOT Cai Lậy khiến nhân viên thu phí bất lực vì không có tờ tiền mệnh giá 100 đồng để thối lại. Giao thông ùn tắc mỗi lúc một cao độ, trước tình hình này Ban quản lý trạm BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm nhiều giờ liền, mặc dù có nhờ đến lực lượng công an, Cảnh sát cơ động can thiệp vào hoạt động dân sự như áp giải một vài tài xế về trụ sở Công an huyện Cai Lậy làm việc.
Cũng xin được nói thêm, trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 01/8/2017, các cánh tài xế cho rằng việc đặt trạm ở quốc lộ 1A là không hợp lý thay vì vị trí đúng của nó phải là nằm ở tuyến tránh vào thị xã Cai Lậy, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền mệnh giá nhỏ khiến chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.
Bộ Giao thông Vận tải và Chủ đầu tư quyết định giảm mức phí qua trạm là 30% chứ không tính phương án dời trạm. Cánh tài xế không chấp nhận, tiếp tục đấu tranh.
Một tài xế tên Ca, từng trực chiến tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng cánh tài xế vẫn tiếp tục đấu tranh là có nguyên do:
“Một là mức giá đó vẫn còn cao. Đưa con đi học qua lại cũng hết 50.000 đồng. Ngày đi qua đi lại việc chợ búa này nọ cũng cả trăm ngàn cho 4 lượt. Hai là cánh tài xế phản đối là vì trạm đặt sai vị trí, làm đường tránh nhưng lại đặt trạm thu trên quốc lộ. Ba là tiền phí đường bộ hằng năm đã đóng, mỗi cá nhân mua xe đều phải đóng, bây giờ lấy cớ gì phải đóng thêm cái phí này trên quốc lộ 1A…?”.
Một chia sẻ khác của một tài xế UBER có tên Bách ở Hà Nội, thời gian qua có quan tâm đến cuộc chiến giữa cánh tài xế cả nước đối với các trạm thu phí BOT, khi hỏi về tình hình trạm thu phí BOT Cai Lậy anh Bách cho biết:
“Vấn đề cốt lõi của nó ở trạm BOT Cai Lậy cũng như nhiều trạm BOT khác ở Việt Nam là nó đặt không đúng chổ. Vì nó đặt không đúng chổ nên người ta cương quyết tẩy chay, phản đối những trạm BOT này là hoàn toàn đúng”.
Vậy mấu chốt căng thẳng ở trạm thu phí BOT Cai Lậy là do đặt sai vị trí và cánh tài xế đấu tranh là buộc nó phải di dời về đúng vị trí của nó là nằm ở tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy. Thay vì đáp ứng yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của cánh tài xế thì Chủ đầu tư trạm thu phí BOT Cai Lậy, Ủy ban tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông Vận tải tìm cách đối phó với cánh tài xế như; giảm mức phí, nhờ lực lượng công an, cảnh sát can thiệp và huy động nguồn tiền mệnh giá nhỏ 100 đồng từ các nơi đổ về Tiền Giang. Đẩy tình hình căng thẳng ở trạm thu phí BOT Cai Lậy gia tăng mỗi lúc cao độ khi mà sự bức xúc của cánh tài xế ngày một nhiều hơn.
Tài xế bị cưỡng chế
“Thật sự ngày hôm qua (ngày 30/11/2017) một số tài xế cũng hơi quá khích do một Cảnh sát giao thông lấy bằng lái mà không trả lại cho anh Phương (tài xế), nhưng sau họ kéo đến Công an huyện Cai Lậy để gây áp lực đòi thả người” – Lời của anh Ca.
Trao đổi với báo đài Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang bà Nguyễn Thị Đậm cho biết do nhu cầu về tờ tiền mệnh giá 100 đồng tăng cao đột biến nên Ngân hàng chi nhánh Tiền Giang đã làm văn bản gửi Ngân hàng nhà nước Trung ương xin điều tiết thêm lượng tiền mệnh giá này về để đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Như đã nói trên, một lượng tờ tiền mệnh giá 100 đồng đã từ Hà Nội về đến tay Chủ đầu tư trạm thu phí BOT Cai Lậy để đối phó với “chiến thuật 25-1” của cánh tài xế.
“Người ta dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán là một hình thức đúng luật và cũng là một hình thức bất tuân dân sự, tức là họ không chấp nhận mất một số tiền phí vô lý …” – Lời của anh Bách.
Và cho dù cuộc đấu tranh này sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian nhưng VNTB tin rằng cánh tài xế sẽ không dễ để cho bất cứ một thế lực nào dám bất chấp mọi tình huống xấu khi xem thường dư luận như lời của anh tài xế tên Ca nói dưới đây.
“Không biết những ngày tháng tới họ sẽ có phương án đối phó với cánh tài xế như thế nào? Nhưng việc gặp nguy hiểm hoặc sự thù vặt cá nhân tôi nghĩ là không vì dư luận đang rất căng tại đây. Họ sẽ cố tránh mọi tình huống xấu ảnh hưởng tới dư luận”.
Hiện tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại, xem chừng các cánh tài xế cũng sẽ không từ bỏ việc đấu tranh để buộc những cái nhân, tổ chức có đủ thẩm quyền phải di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy về đúng vị trí, đúng pháp luật quy định. Có nhà hoạt động đã nói ví von “cánh tài xế không phải là những con bò sữa để Quản lý trạm BOT thích vắt như thế nào là vắt”.
M.H.
Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2017/12/vntb-bot-cai-lay-cuoc-chien-phap-ly-va.html