Thư ngỏ của nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Kính gửi: Các vị đại biểu QUỐC HỘI

Đồng kính gửi: Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Huế ngày 28/5/2010

Được biết Quốc hội đang thảo luận về Dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, là một công dân từng làm cán bộ kỹ thuật cầu đường nhiều năm, xin được góp mấy ý kiến sau đây.

Mấy chục năm qua, là một cán bộ không đủ “tiêu chuẩn” đi tàu bay, mỗi khi có dịp đi dọc đất nước, tôi chỉ đi ô tô hoặc tàu hỏa, từng thấm nỗi khổ vì sự chậm trễ và thân thể bị bầm dập trong các chuyến đi, nên thoạt nghe sẽ có “tàu cao tốc” Hà Nội chạy suốt TP Hồ Chí Minh chỉ 5 tiếng đồng hồ, người sung sướng lâng lâng như… đi trên mây, như là một giấc mơ đẹp vậy. Phải! Là dân Việt, ai không muốn đất nước mình hiện đại, sánh vai càng năm châu bốn biển.

Tuy vậy, “tỉnh giấc”, và lắng nghe những ý kiến thẳng thắn tại diễn đàn Quốc hội, xin được nói thêm đôi điều để may chi được các đại biểu của nhân dân lắng nghe, tham khảo, trước khi biểu quyết.

1) Ai đi tàu cao tốc? Như trên vừa nói, cũng do không đủ “tiêu chuẩn” đi tàu bay và xe riêng đưa đón, có lẽ tôi có điều kiện hiểu được tình trạng người đi tàu xe hiện nay hơn là các Bộ trưởng. Xin thưa, dân ta còn nghèo và rất tiết kiệm, nên trong các đoàn tàu Thống nhất, đôi tàu ký hiệu TN giá rẻ, đi chậm vẫn đông khách hơn. Thậm chí, nhiều người vẫn chê giá tàu loại này đắt, nên thường chỉ đi bằng ô tô, trong đó có ông cụ trên 80 tuổi – một nhân vật nổi tiếng không chỉ trong nước: Ông Đặng Văn Việt, “Con Hùm Xám” trên đường số 4, từng được các tướng Pháp kính nể! Từ Hà Nội vào Huế, Nha Trang… ông đều đi bằng ô tô vì giá vé chỉ bằng nửa đi tàu hỏa. Vì thế, trừ các ngày Tết, nghỉ hè, các toa tàu nhanh ký hiệu SE ghế trống rất nhiều. Tôi không tin 20 năm nữa, dân ta đều có tiền đi tàu cao tốc gần ngang với giá vé tàu bay. Không khéo rồi tàu cao tốc xây xong chỉ để làm cảnh, hoặc như một tỉnh nào đó, lập đường bay, không có ai đi, Tỉnh phải chỉ thị mọi cán bộ, dù mức lương thấp mấy, đi công tác đều phải đi tàu bay, nếu không đường bay sẽ bị hủy bỏ!

Vì thế, xin đừng lo vốn bỏ ra to – các trùm ngân hàng tài chính thế giới sẵn sàng cho vay, càng nhiều “con nợ” khó trả, họ càng giàu – mà vấn đề nguy hiểm nhất là trong điều kiện Việt Nam hiện nay, điều chắc chắn là kinh doanh tàu cao tốc sẽ bị lỗ. Khi đó, món nợ khổng lồ không trả được chẳng khác chi sợi dây thòng lọng thắt vào cả đất nước mà Hy Lạp là chuyện nhãn tiền.

2) Tàu cao tốc không phải là một lối đi nhỏ trong thôn xóm:

Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe một số đại biểu nêu ý kiến là hãy cứ làm trước đoạn Hà Nội-Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh-Phan Thiết. Ý kiến xem ra “dễ chịu” vì đỡ lo bỏ vốn lớn một lúc và hai chặng đường này có lưu lượng khách nhiều hơn. Xin thưa: Làm một lối đi nhỏ trong thôn xóm, chưa đủ xi măng thì năm nay, bổ bê tông đoạn này, năm sau làm đoạn khác, vẫn có ích; nhưng đường tàu cao tốc với công nghệ hiện đại, bộ máy quản lý điều hành phải thống nhất, chỉ sử dụng trên quãng đường dài mới mong có lãi, chứ với chặng đường 1-200 km – nói hình ảnh một chút – máy nổ chưa nóng đã phải tắt, thì không bõ công. Ví von có khập khiễng, nhưng cũng tựa như “dùng dao mổ trâu làm thịt gà!”. Với người sử dụng, nếu đường bộ thông thoáng, người ta lên ô tô, “vèo” 1-2 giờ là đến, chứ trèo lên tàu cao tốc làm chi cho phiền phức! Nếu quyết định theo phương án này sẽ đưa đến tình thế nguy hiểm: Hoặc là để công trình dang dở, nợ đọng càng lâu, hoặc là “đâm lao phải theo lao”, dù đích đến là bất lợi cho đất nước.

3) Hãy “tạm gác” đường tàu cao tốc để tập trung mở rộng, nâng cấp đường số 1:

Tôi vừa có chuyến đi ô tô từ Huế đến Nam Định, chưa phải là quãng đường có lưu lượng xe lớn nhất trên quốc lộ 1, lại không phải là vào ngày lễ Tết, nhưng xe chạy gần như nối đuôi nhau. Với lưu lượng xe như thế, không ít đoạn bị hư hỏng và nhiều đoạn đường lại đi qua phố xá, liên tục có biển báo hạn chế tốc độ, thiệt hại hàng ngày (do chậm trễ công việc, hư hỏng xe cộ, tốn thêm xăng dầu…) là một con số khổng lồ. Các nhà quản lý giao thông có thể tính ra con số này. Xin các Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội “vi hành” một chuyến từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bằng ô tô sẽ thấy rõ sự cấp thiết phải mở rộng và nâng cấp quốc lộ I. Chính ở công trình này mới có thể áp dụng phương án làm từng đoạn mà vẫn có ích; đoạn nào dễ mở rộng làm trước. Giấc mơ đẹp về con tàu cao tốc không thể an ủi hay làm dân chúng quên đi “con đường đau khổ” mà hàng triệu con người hàng ngày phải đi qua.

4) Xin hãy thăm dò ý kiến cử tri trước khi “bấm nút” biểu quyết:

Vấn đề đã đưa ra bàn, các đại biểu Quốc hội tất phải “bấm nút” biểu quyết. Các vị bấm nút không phải là quyền cá nhân mà là thay mặt cho hàng ngàn cử tri đã bầu mình. Nếu tôi không nhầm thì hầu hết các vị chưa lấy ý kiến đa số cử tri “sau lưng” mình. Xin hãy cẩn trọng! Thiết nghĩ Quốc hội nên hoãn việc biểu quyết dự án quan trọng này để các đại biểu có điều kiện tìm hiểu được ý kiến của cử tri. Như thế là làm đúng lời dạy cụ Hồ và cũng đúng với đường lối của Đảng. “Mọi chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ảnh lợi ích của đại đa số nhân dân…” (Báo cáo Chính trị  của BCH Trung ương tại Đại hội X của Đảng)

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, số 8 Xuân Diệu- Huế. ĐT: 054.3828399. Di động: 0989965409 hoặc 01658219697. Email: ngkphe@gmail.com

Nguồn: http://nguyentrongtao.org/thư-ngỏ-của-nha-van-nguyễn-khắc-phe.xml

This entry was posted in xây dựng. Bookmark the permalink.