Anh Văn
Vậy giám sát quyền lực ở đâu, làm sao có thể nhận biết hay cản trở được quyết định giả định rằng là sai lầm nghiêm trọng của Quốc hội, như việc quyết chi 23.000 tỷ giải phóng Long Thành?
Bản mẫu kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Quốc hội Việt Nam đã quyết chi 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, từ nay đến 2019, Nhà nước sẽ thu hồi 5.400ha đất để triển khai đại dự án.
494 người đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV – những người đã biểu quyết “chi 23.000 tỷ đồng” là những người bước ra từ một cuộc bầu cử mà báo chính thống điểm tô bằng cụm từ “bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật”.
Sở dĩ phải dài dòng như vậy, vì để sau này, khi nền tài khóa quốc gia lâm nguy, hay khi Việt Nam bước chuyển sang một hình thức chính trị mới, thì người dân sẽ ghi nhớ “công ơn” này của 494 vị.
Nếu Quốc hội quyết sai, thì đúng như ông Nguyễn Sinh Hùng – thời còn nắm giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội đã bày tỏ: Quốc hội quyết định sai thì nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được.
Lý do vì Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, và không có ai đứng đầu Quốc hội cả. Nên mọi quyết định Quốc hội là xuất phát từ 494 vị ĐBQH, nếu sai lầm thì chính 494 vị đó phải chịu trách nhiệm kỷ luật.
Nhưng không thể truy tố trách nhiệm và bắt 494 vị ĐBQH phải ngồi tù vì đã quyết định sai lầm liên quan đến 1 đại dự án kinh tế. Vậy phải làm thế nào?
Nếu như ở chính thể Cộng hòa đại nghị, thì có sự phân tách và giám sát quyền lực qua ba cơ quan: tư pháp, hành pháp, lập pháp – khiến cho vấn đề nêu trên có thể giải quyết dễ dàng. Theo đó, chính thể này có cả nguyên thủ Quốc gia lẫn người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng là, người đứng đầu Thủ tướng không chịu trách nhiệm trước quốc gia, mà chịu trước Nghị viện. Thủ tướng có quyền hoặc yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán Nghị viện và bản thân Nghị viện cũng có thể lật đổ được Chính phủ. Đây là chính thể mà Đức, Ý hay Hy Lạp đang vận hành.
Phải đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, khả năng kiểm soát quyền lực ở chính thể Cộng hòa đại nghị khá lớn, nó đảm bảo sự tha hóa quyền lực được giảm dưới mức thấp nhất.
Trong khi đó quay về Việt Nam, với chính thể là Cộng hòa dân chủ, tự cho là quyền lực tập trung “vì dân”. Thực ra nó khá giống chính thể Cộng hòa đại nghị khi đưa vị Chủ tịch nước ngang với Tổng thống về phương diện biểu trưng.
Tuy nhiên, điểm khác là trong Khoản 3 – Điều 2 Hiến pháp quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Điều nói trên được giải thích là nhằm tránh sự lạm dụng quyền lực hoặc độc quyền quyền lực, chứng tỏ sự phân cấp mang dáng dấp “tam quyền phân lập”.
Trong khi đó, Điều 69 lại quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vậy làm thế nào để cơ quan hành pháp, hay tư pháp có thể kiểm soát được lập pháp (Quốc hội) khi Quốc hội mặc nhiên là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?
Tiếp đó, Quốc hội có cơ chế giám sát thành viên Chính phủ bằng quyền lấy phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ, thậm chí theo lịch trình thì năm 2018, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu (theo tinh thần của Khoản 8, Điều 70 Hiến pháp). Nghĩa là nhóm người đứng đầu Hành pháp (Thủ tướng Chính phủ) và Tư pháp (quy định tại Khoản 7 – Điều 70) hoàn toàn nằm trong thẩm quyền loại bỏ của Quốc hội – nói cách khác, Quốc hội đang độc tôn quyền lực về cả mặt pháp lý.
Vậy giám sát quyền lực ở đâu, làm sao có thể nhận biết hay cản trở được quyết định giả định rằng là sai lầm nghiêm trọng của Quốc hội, như việc quyết chi 23.000 tỷ giải phóng Long Thành?
Do vậy, cần thiết phải thiết lập một chế tài để đảm bảo giảm thiểu mức độ rủi ro thấp nhất trong các quyết định của Quốc hội (bao hàm cả tính trách nhiệm của nó). Đó là, cho phép Thủ tướng có quyền giải tán Quốc hội hoặc trưng cầu ý dân về Quyết định của Quốc hội.
Về nguyên tắc, vì Việt Nam độc đảng nên thẩm quyền giải tán Quốc hội của Thủ tướng là không có, tuy nhiên trưng cầu dân ý là một biện pháp hữu hiệu, ít nhất là nó đảm bảo Khoản 2 – Điều 8 được tôn trọng: lắng nghe và chịu sự giám sát của nhân dân.
Hiện nay, Luật trưng cầu dân ý (2015) đã có, và việc xây dựng sân bay Long Thành có giá trị đầu tư lên đến hơn 16 tỷ USD (gần bằng 19 % tổng nợ nước ngoài của Việt Nam). Mà theo Luật trưng cầu dân ý (2015) tại Khoản 3 đã quy định: Quốc hội xem xét và quyết định trưng cầu dân ý về vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
Tóm lại, sân bay Long Thành và việc đầu tư của nó là hệ trọng, liên quan đến cả nền tài khóa quốc gia, đặc biệt là trong vấn đề gia tăng nợ công cũng như các yếu tố tham nhũng, lợi ích nhóm khác. Chính vì vậy, nó là “quyết định” quá mạo hiểm trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Việc tạm ngừng, lấy ý dân, cũng chính là thể hiện tính trách nhiệm của Quốc hội trước người dân, bởi đây là chế tài duy nhất mà người dân có thể nắm lấy được.
Nếu không, Quốc hội chứng tỏ mình là cơ quan phi dân chủ, độc tài, tham ô và chuyên chính quyền lực.
A.V.
VNTB gửi BVN