Nghe ông Hà giải thích trong bài báo này (1) thấy ông hiểu sai nhiều thứ nên mới có cái thông tư vớ vẩn này.
– Ông bảo, thí dụ, “NHÀ NƯỚC CẤP ĐẤT LẠI cho GIA ĐÌNH ông A (trong gia đình có rất nhiều người, có thể có cả con cái vị thành niên, thậm chí họ hàng cùng có tên trong hộ khẩu) nhưng sổ đỏ là cấp cho hộ gia đình, do ông A là đại diện chủ hộ đứng tên”. Cái thí dụ của ông nhiều lắm chỉ chiếm vài % trường hợp cho cán bộ của các vị mà thôi. Trên 95% chả nhà nước nào cấp cả ông Hà ạ (do cha ông họ để lại hay do chính họ khai phá). Cái quái thai ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN cũng không cho ông cái quyền nói bậy như vậy. Chưa nói đến việc cấp đất cho gia đình hay cho cá nhân.
– “Vấn đề là thời điểm đó, đất đai chưa có giá trị”. Ông thử nghĩ lại xem ông Hà, thời đó người ta cũng tranh nhau từng cm, ai bảo ông là chưa có giá trị? Ông có bị thần kinh hay không mà suy nghĩ như vậy?
– Ông sẽ mở đường cho việc nhà nước mất các khoản thuế thừa kế lớn nữa trong tương lai khi bố mẹ cho con thừa kế nhà đất [hay ông lo xa cho chính bản thân các vị vì các vị đã ngoạm quá nhiều đất đai hả ông Hà?]
Chỉ nêu vài điểm để thấy ông không xứng làm BT và cái Thông tư của ông nên bị Bộ Tư pháp, Thủ tướng hay QH dẹp đi [hay có nghị quyết của ĐCSVN rồi nên tất cả các vị răm rắp theo?]
(1) Tác giả đọc bài Sổ đỏ đứng tên cả gia đình: ngăn chặn chứ không dẫn tới tranh chấp trên Dân trí. Nhưng khi chúng tôi tìm đọc trên mạng thì bài báo tường thuật lời giải thích của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TNMT về thông tư bắt điền tên mọi thành viên gia đình vào sổ đỏ đã bị rút bỏ. Vì thế BVN đành lấy bài dưới đây cũng lý giải về Thông tư mà TS Nguyễn Quang A đề cập, do một ông Phó cục trưởng chắc là lợi khẩu hơn nên đứng ra “đỡ lời” cho ông Bộ trưởng Hà, để bạn đọc hiểu thêm đôi chút về Thông tư có thể nói là có một không hai này.
“Sổ đỏ” ghi tên thành viên gia đình: Bộ Tài nguyên nói làm đúng luật!
Phương Mai
ANTD.VN – Trước những ý kiến trái chiều về quy định “sổ đỏ” ghi tên thành viên gia đình từ 5/12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói đã làm đúng luật và quy định mới cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất.
Ngày 29/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Làm đúng Luật Đất đai
Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này đã hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp sổ đỏ cho hộ gia đình sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai thì “hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Do đó, khi ghi Giấy chứng nhận thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất (ví dụ như những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ,…) thì không ghi trên giấy chứng nhận.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 của Luật đất đai. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với đất là tài sản của cá nhân thì phải ghi họ, tên của cá nhân đó.
Nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật đất đai (thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện).
Bộ TN-MT cam kết quy định mới sẽ không “đẻ” thêm thủ tục hành chính
Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất; do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình…
Không tạo ra khó khăn hay rào cản
Đại diện Bộ TN-MT khẳng định: Quy định nêu trên của Thông tư sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, quy định nêu trên của Thông tư cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự (Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ).
Trước đó, sau khi báo chi thông tin về quy định “sổ đỏ” ghi tên thành viên gia đình từ 5/12/2017, nhiều ý kiến các luật sư, chuyên gia đã cho rằng, quy định này là không phù hợp, thậm chí trái luật. Một số cho rằng, quy định này bất cập, “đẻ” thêm thủ tục và phản tác dụng…
P.M.