Nếu các vị cứ nghe nhóm lợi ích này (các ông tướng tá CA và CA quả thực là một nhóm lợi ích khổng lồ) mà nhắm mắt thông qua luật an ninh mạng với quy định bắt các đại gia IT thế giới phải đặt máy chủ (quản lý thông tin khách hàng Việt Nam) tại Việt Nam, và thí dụ sau này Facebook, Google nó không làm theo; nó cũng chả có mặt ở VN về mặt pháp lý (tức là có công ty TNHH Facebook VN đăng ký ở Việt Nam, chẳng hạn, như từ trước đến nay, và họ vẫn có cách gián tiếp thu tiền quảng cáo); thì QH sẽ thực sự mất mặt vì không đạt mục tiêu.
Chỉ còn cách hạn chế truy cập và thế là ảnh hưởng đến 40-50 triệu người dùng VN. Hậu quả thế nào chưa lường trước được.
Hiểu sai về chủ quyền quốc gia như các vị, các vị đâu có hiểu được chính mình có thể thực sự làm hại cho chủ quyền và an ninh quốc gia. [Trách nhiệm đó thuộc về ai? Chẳng phải là cả một đám bề ngoài “còn đảng còn mình” mà bên trong chỉ là để thu lợi cho phe nhóm đấy sao?]
(1) BVN có rút gọn bình luận này.
1. Nhiều vụ án sẽ “tịt” nếu Facebook, Google không đặt máy chủ tại Việt Nam
Quang Phong
Dân trí Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, hiện nay có nhiều vụ án tấn công, lừa đảo bị “tịt” vì nhà cung cấp dịch vụ mạng tại nước ngoài không hợp tác. Do vậy, ông Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng đặt máy chủ tại Việt Nam.
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường làm rõ những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng. Phát biểu tại đây, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Thảo luận luật An ninh mạng sáng nay tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam.
Bà Thuý đề nghị luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đại biểu Thuý, mạng internet chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Vì vậy, nếu có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác: an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường… cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng.
Đại biệt đoàn TP Đà Nẵng ví Luật An toàn thông tin mạng và luật An ninh quốc gia như hai cái khóa chắc chắn bảo vệ an ninh quốc gia. “Nay thêm luật An ninh mạng không khác gì cái khóa thứ ba. Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một “người” khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?”, đại biểu Thúy nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam
Cũng liên quan đến việc đặt cơ quan máy đại diện, máy chủ quản lý tại Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An – đặt câu hỏi quy định này liệu có tạo ra rào cản thương mại cản trở hoạt động kinh doanh, cũng như cản trở người dùng hay không?
Theo ông, khi các doanh nghiệp nước ngoài thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hiện nay 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này.
“Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được?”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh, với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.
Theo ông Hiếu, để ngăn chặn các tin tức giả, nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả.
Tranh luận lại ý kiến đại biểu Hiếu, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ thực trạng đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lửa đảo trên lãnh thổ Việt Nam thì không thể biết họ là ai.
“Trong khi đó, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài (nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam) thì họ không cung cấp. Như vậy, chúng ta tịt toàn bộ vụ án!”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.
Giải trình làm rõ thêm các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật An ninh mạng được ban hành sẽ đảm bảo pháp lý vững chắc, có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện đấu tranh, loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Q.P.
2. Không thể yêu cầu Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam
Lê Thanh
TTO – Đòi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là trái cam kết quốc tế – đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) – Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều đại biểu chia sẻ băn khoăn này của bà Thúy khi thảo luận về dự thảo Luật an ninh mạng tại Quốc hội sáng nay 23-11.
3 khóa cho cùng 1 cửa?
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam.
Trong cam kết của WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết của Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam nêu tương tự.
Bà Thúy cũng dẫn thêm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết tháng 2-2016: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó, để triển khai công việc”.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi so với TPP và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi.
Do đó, Luật an ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Đà Nẵng nói.
“Vì an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng nên Quốc hội đã ban hành các Luật an ninh quốc gia, an toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật an ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba”, bà Thúy phân tích.
“Đề nghị Quốc hội cân nhắc: Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một ‘người khác’ giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?”.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) – Ảnh: Quochoi.vn
Kìm hãm phát triển kinh tế
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) chỉ ra trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ trên toàn thế giới chứ không phải ở nước nào cũng đặt máy chủ.
“Quy định như dự thảo sẽ khó thực hiện, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam, người dùng tại Việt Nam sẽ không thể sử dụng hai dịch vụ này với nhiều dịch vụ tiện ích, sẽ làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hà nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thì nhấn mạnh với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.
“Để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả”, đại biểu An Giang góp ý.
“Đừng lấy con số hàng 100 triệu USD quảng cáo chúng ta chưa thu được thuế mà chúng ta có thể bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo đó cũng có những thông tin bổ ích mà mạng xã hội mang lại, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế – xã hội, giúp nâng cao dân trí”.
Ông Hiếu dẫn lại số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu thuê bao Facebook – là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ông đề nghị cân nhắc đồng thời yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành luật này.
Đòi Google, Facebook đặt máy chủ tại VN là không khả thi
TTO – Ngay cả chúng ta cũng lập trung tâm hành chính tập trung, sao đòi hỏi họ phải rải máy chủ ra khắp nơi – giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM nêu vấn đề với dự án Luật An ninh mạng.
L.T.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-the-yeu-cau-google-facebook-dat-may-chu-o-viet-nam-20171123105244073.htm