Phạm Chí Dũng
“Hoa đến kỳ thì hoa phải nở – Đò đã đầy thì đò trở sang sông”. Chẳng nên quan tâm nhiều đến sự thế chân như một quy luật tất yếu giữa các thế hệ, dầu trong một đảng mà quyền lực đang luôn là mục tiêu để gầm ghè nhau thì cũng vậy. Việc ông Trọng buột thốt ra một cách quá “hồn nhiên lão làng” trong cuộc thưởng trà với sói già họ Tập ở ngôi nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ cho thấy ông ấy đã tại vị hơi lâu ở cái tuổi “già thì nói lẫn” thật rồi. Vấn đề là người sẽ kế chân ông, dù là ông Trần Đại Quang hay ai đi nữa, trong mỗi cuộc trình diễn trên sân khấu chính trường hiện tại, có thấp thoáng .phía sau cái bóng lừng lững của chính con sói đang/đã gật gù với cụ Tổng, vờ làm cách vui vẻ nghe cụ khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam hay không, và cái bóng hay cười gằn đó mờ rõ đến chừng nào. Đó mới là điều 90 triệu quốc dân quan tâm nghe ngóng, vì nó là thước đo để xem người có khả năng kế chân ấy là lú hay không lú, lú nhiều hay lú ít, sớm lú hay chậm lú, thưa bạn Phạm Chí Dũng.
Bauxite Việt Nam
Ông Trọng và ông Tập ở Hà Nội.
Chỉ trong vòng một tháng, chính trường Việt Nam đã diễn ra hai hiện tượng hoàn toàn phản ngược.
Phản ngược
Vào những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, trên các mặt báo nhà nước Việt Nam tràn ngập hình ảnh Trần Đại Quang – Chủ tịch nước – trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương với các nguyên thủ quốc gia, kể cả bộ ba quyền lực mạnh nhất trên thế giới là Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong lúc đó, người ta lại không hề thấy bóng dáng Tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc hội đàm cao cấp APEC. Chỉ sau khi Trump lên máy bay và Tập Cận Bình đến Hà Nội, người ta mới nhìn thấy ông Trọng “tay bắt mặt mừng” với họ Tập tại Phủ Chủ tịch chứ không phải ở Văn phòng trung ương đảng.
Một tháng trước đó, tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, đã gần như chỉ độc tôn hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt báo nhà nước, trong khi hình ảnh của ông Trần Đại Quang hầu như “biến mất” – như thể tình trạng bị xem là “mất tích” của ông Quang vào tháng Tám năm 2017 sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc còn được gọi cách khác là “Trịnh Xuân Thanh đầu thú” theo lối đặt câu của công an Việt Nam và rút tít của báo đảng.
“Trọng tiếp; Quang đón, hội đàm; Phúc hội kiến Trăm”
Lẽ đương nhiên, có thể lý giải sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đón tiếp và hội đàm với nguyên thủ quốc gia các nước tại APEC Đà Nẵng là bởi ông không phải… nguyên thủ quốc gia.
Nhưng không ít người vẫn nhớ sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama đặc cách tiếp như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015 như thế nào, lẫn việc ông Trọng đã như một nguyên thủ quốc gia tiếp đón ông Obama tại Hà Nội vào tháng Năm năm 2016 ra sao.
Những sự kiện trên, cùng với nhiều sự kiện tiếp đón và công du quốc tế khác trong vài năm gần đây, đặc biệt từ sau đại hội 12 khi “Nguyễn Tấn Dũng nghỉ”, đã cho thấy vai trò của Tổng bí thư đảng như một “nguyên thủ quốc gia không chính thức”.
Nhưng khoảng ba tuần trước khi diễn ra APEC, Washington đã phát thông cáo báo chí: “Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.
Sau đó, Nhà Trắng phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ “chào xã giao” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa Trump với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là “bổ sung”, hoặc “phụ”.
Vài ngày sau khi APEC kết thúc, Nhân dân – “cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam” – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.
Bản tin trên mở đầu bằng “Sáng 12-11, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”. Sau đó mới đến “Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”, mà không nêu rõ “kẻ trước, người sau”.
Tuy nhiên như nhiều tờ báo tường thuật trực tiếp, cuộc gặp Quang – “Trăm” đã diễn ra đầu tiên, để sau đó mới là cuộc gặp Trọng – “Trăm”.
Cũng tờ Nhân dân đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít lục đục kèn cựa hơn: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Nhân dân được xem là “báo ruột” của Tổng bí thư Trọng.
Trước đây, Nhân dân được phụ trách trực tiếp; bởi Đinh Thế Huynh. Sau đó ông Huynh được nhấc lên vị trí Thường trực Ban bí thư, để từ đầu năm 2017 đến nay nhân vật này đã “biến mất” trên chính trường Việt Nam, cũng xem như không còn cơ hội để trở thành Tổng bí thư nếu một ngày nào đó ông Nguyễn Phú Trọng “nghỉ”.
Ông Trọng bị “trục trặc kỹ thuật”?
Dường như đã có một “trục trặc kỹ thuật” nào đó xảy đến với ông Nguyễn Phú Trọng tại APEC Đà Nẵng, hay chính xác hơn là có thể bắt đầu từ những ngày ngay trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra vào đầu tháng 10/2017.
Tại hội nghị trên, ông Trọng đã không thể kỷ luật theo cách đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương đối với cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng.
Sau Hội nghị trung ương 6 và dù hình ảnh của mình được thượng tôn trong hội nghị này, ông Trọng lại có vẻ “xìu” trong những phát ngôn chống tham nhũng. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay sau hội nghị trung ương 6, khẩu khí của ông Trọng bỗng dưng “hiền” hẳn, chứ không còn “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” như trước đó không lâu.
Từ đó đến nay, mật độ “củi – lửa – lò” của Nguyễn Phú Trọng đã vơi đi một cách đáng kể. Mà không hiểu vì sao…
Trong khi đó, nhiều hình ảnh xuất hiện dày đặc của Trần Đại Quang tại APEC Đà Nẵng có vẻ cho thấy đà “phục hồi sức khỏe” đáng kể của nhân vật này.
Từ sau khi có dấu hiệu “khỏe lại” vào đầu tháng Chín, ông Quang đã có vài cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng và kể cả “dự và chỉ đạo Quân ủy trung ương” – một cơ quan mà Tổng bí thư Trọng là Chủ tịch quân ủy và rất thường đóng vai trò chỉ đạo cho cơ quan này.
Lần gần đây nhất, vào cuối tháng Tám năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã chủ trì một hội nghị Quân ủy trung ương “với sự tham gia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.
Sau đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, Quân ủy trung ương được cơ cấu lại theo chỉ định của Bộ Chính trị, với Bí thư quân ủy trung ương vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó bí thư là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Còn ông Trần Đại Quang chỉ là ủy viên thường vụ của Quân ủy trung ương, được hiểu như “cấp dưới” của ông Ngô Xuân Lịch.
Lẽ ra để có thể chỉ đạo Quân ủy trung ương, ông Trần Đại Quang cần có chức vụ Phó bí thư thường trực của cơ quan quân ủy này.
Như vậy, sau thời gian “bị bệnh nặng” và thậm chí còn bị blogger Huy Đức đòi “bàn giao chức vụ chủ tịch nước”, đến nay ông Trần Đại Quang đã có tới 3 cuộc tiếp xúc với quân đội.
Đặc biệt vào ngày 17/10/2017, khi lần đầu tiên kể từ khi trở thành Chủ tịch nước, cựu Đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc “đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội”.
“Sẽ có kịch hay”
Có vẻ Quân ủy trung ương không còn do ông Trọng “độc quyền” nữa.
Cũng có vẻ một lần nữa trong nhiều lần thăng trầm, chính trường Việt Nam tạm trở về thế giằng co, với tương quan lực lượng đang có chiều hướng tiến tới quân bình.
Nhưng một số nhà quan sát dự báo rằng sau APEC Đà Nẵng, bầu không khí chính trường sẽ nóng lên, quyết liệt hơn trên cung đường “hướng tới Hội nghị trung ương 7” – có thể diễn ra vào đầu năm 2018, và đặc biệt là đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng – một sự kiện có thể diễn ra vào giữa năm 2018 và có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng giả tạo để quyết định “ai ở, ai về”.
Sau APEC Đà Nẵng, một nữ viên chức chính trị nước ngoài mỉm cười và nói với tôi rằng bà trông đợi “sẽ có kịch hay”.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã gửi VOA.