Đinh Minh Đạo
Chết chết. Nếu kinh nghiệm của Ba Lan truyền sang cho VN – tức là các chính quyền hậu CS phải đền bù cho những nạn nhân tội ác do chính quyền CS gây ra – thì hẳn sẽ có những người VN hiện nay lo méo mặt. Đó là đông đảo anh chị em XHDS hoặc những người nhỏ tuổi hơn đang hướng tới một xã hội VN không còn bạo lực và độc tài. Bởi mai đây, khi chế độ CS sụp đổ, một chế độ dân chủ lên thay, một ai trong số họ lọt vào CP mới thì ngồi chưa yên giằm chắc chắn đã phải rời khỏi ghế. Chỉ vì một lẽ đơn giản: CP mới mà trả xong được món nợ đền bù cho những người bất đồng chính kiến và người dân vô tội đã, đang và sẽ bị CA đảng ta bắt vào tù và cả bị chết vì tự nhiên „treo cổ” trong tù, thì không khéo là… vỡ nợ.
Bauxite Việt Nam
Tháng 09-1980, khi đang là sinh viên Khoa Luật của Trường đại học Tổng hợp Jagielonski Krakow (UJ), Jan Rokita đã tham gia cuộc tuần hành chuẩn bị cho việc thành lập Hội Sinh viên Độc lập toàn Ba Lan (NZS). Tháng 11 anh trở thành Chủ tịch NZS của UJ. Ngày 13-12-1981, chính quyền cộng sản Ba Lan ban hành „tình trạng chiến tranh”, thiết quân luật trong toàn lãnh thổ Ba Lan, Jan Rokita bị bắt ngày 21-01-1982, bị giam giữ đến tháng 07-1982. Sau khi được tự do, anh tiếp tục tham gia các tổ chức đấu tranh ôn hòa đòi tự do, dân chủ. Tháng 05-1986, một lần nữa anh lại bị an ninh cộng sản Ba Lan bắt giữ, anh được trả tự do nhờ đấu tranh của các tổ chức đối lập tại Ba Lan và áp lực quốc tế.
Trong cả hai lần bị bắt giữ, Jan Rokita bị giam giữ trong căn phòng chật chội, ẩm thấp dưới tầng hầm, không có cửa sổ, thiếu ánh sáng và không khí. Thường bị bỏ đói, có đêm bị an ninh tra hỏi thâu đêm không cho ngủ. Các nhân viên an ninh dùng những lời lẽ xúc phạm nhân phẩm, thậm chí còn dọa giết nếu anh không từ bỏ các tổ chức đấu tranh cho dân chủ.
Jan Rokita tiếp tục theo đuổi lý tưởng đã chọn lựa, anh tham gia Uỷ ban Công dân (UBCD) của Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK) do Lech Walesa làm Chủ tịch. UBCD đã tập hợp được nhiều trí thức tiêu biểu, sau này đã trở thành lực lượng chính, đảm nhận thực hiện chuyển đổi Ba Lan từ thể chế độc tài cộng sản sang thể chế tự do dân chủ.
Năm 1989 Jan Rokita tham gia Hội nghị Bàn tròn (HNBT), đại diện cho CĐĐK. HNBT là một thắng lợi quan trọng của CĐĐK. Lần đầu tiên, sau gần nửa thế kỷ cầm quyền với con bài dân chủ trá hình ”đảng cử dân bầu”, Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (tức đảng cộng sản) đã buộc phải chấp nhận bầu cử tự do dân chủ. Ngày 04-06-1989, cuộc bầu cử tự do dân chủ được tiến hành, CĐĐK và liên minh đã giành được đa số cả ở Quốc hội và Thựơng viện; Chính phủ không cộng sản đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tại Ba Lan và đông Âu được thành lập, mở đầu cho sự tan rã của hệ thống cộng sản thế giới. Jan Rokita trúng cử vào Quốc hội, giữ chức Phó chủ tịch phe đa số đại diện cho CĐĐK. Trong các khóa Quốc hội tiếp sau, ông đều trúng cử đại biểu, tham gia các Chính phủ, đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Năm 2009 Jan Rokita rời bỏ chính trị, trở thành giảng viên trong một trường đại học và nhà bình luận của một đài truyền hình tư nhân lớn của Ba Lan.
Các chính quyền dân chủ kế tiếp từ sau khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ luôn ý thức về hậu quả của các vụ bắt bớ, giam cầm tùy tiện của chính quyền cộng sản đối với các công dân. Đó là tội ác, sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quyền con người của công dân. Nhiều nạn nhân qua nhiều năm, những vết thương cơ thể và tâm lý vẫn không được chữa lành, những mất mát về vật chất vẫn không được đền bù thỏa đáng. Những đóng góp của họ để loại bỏ chế độ độc tài cộng sản, mang lại tự do, dân chủ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn là vô giá. Chính nhờ họ, người dân hiện nay được sống trong một xã hội luật pháp được tôn trọng, không một người đân nào bị chính quyền bắt giữ tùy tiện. Trách nhiệm của nhà nước và nhân dân đối với họ là không thể thoái thác. Vì vậy Quốc hội Ba Lan trong những năm gần đây đã thông qua nhưng quy định luật pháp làm cơ sở để ngành hành pháp và tư pháp xét xử các vụ án bắt giữ người tùy tiện.
Ngày 21-09-2017 vừa qua, trong phiên tòa xét xử vụ án ông Jan Rokita bị bắt và giam giữ, Chánh án Tòa án vùng Krakow Zygmunt Dlugogoski tuyên bố: ”Chính quyền cộng sản đã bắt giữ ông tùy tiện, sai luật pháp, giam giữ ông 7 ngày trong tầng hầm chật chội, không có cửa sổ, thực hiện tra hỏi nhiều giờ trong đêm không cho ngủ, đe doạ giết ông và dùng bạo lực đưa đi giam giữ 6 tháng.
Với những vi phạm luật pháp trên của chính quyền cộng sản trước đây, Tòa tuyên án chính quyền hiện nay phải đền bù cho ông Jana Rokita 120.000 zl (khoảng 34.200 $)”.
Có thể kể thêm một vài vụ án bắt giữ người tùy tiện mà chính quyền cộng sản Ba Lan để lại, nhà nước Ba Lan hiện nay phải đền bù:
– 150.000 zl đền bù cho một trong những người đã đứng ra thành lập CĐĐK vùng Nam Ba Lan trước đây. Ông này bị bắt giam 10 tháng, đã tuyệt thực 50 ngày phải đưa vào viện, sau chạy trốn từ bệnh viện.
– 78.000 zl đền bù cho một người hoạt động CĐĐK ở một tỉnh phía Đông Bắc Ba Lan. Ông này bị bắt giam hai tuần lễ, sau bị đuổi việc, bị thất nghiệp vì lệnh của an ninh cộng sản, không cơ quan xí nghiệp nào dám tiếp nhận.
– 62.000 zl đền bù cho một người hoạt động đối lập, bị giam giữ 12 tháng.
Trên đây chỉ là một vài trong nhiều vụ bắt người tùy tiện của chính quyền cộng sản Ba Lan sau gần nửa thế kỷ cầm quyền để lại. Để giải quyết hết những vụ án bắt giữ người tùy tiện của chính quyền cộng sản, chính quyền dân chủ Ba Lan ngoài việc chuẩn bị về pháp lý, phải chuẩn bị một ngân sách không nhỏ. Có người cho rằng, bắt giữ công dân tùy tiện là tội lỗi của chính quyền cộng sản, giờ đây chính quyền cộng sản có còn đâu, tại sao chúng ta phải đền bù? Nhưng đa số người dân ở mọi thành phần xã hội cho rằng, đối với một chính quyền có trách nhiệm với người dân, một dân tộc có lòng tự trọng, đây là món nợ công lý và đạo lý, món nợ lịch sử mà dân tộc đó phải trang trải.
Trông người lại nghĩ đến ta. Trong khi các chính phủ hậu cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu phải tìm cách khắc phục hậu quả tệ hại nhất mà các chính quyền độc tài cộng sản để lại, chính quyền cộng sản Việt Nam lại càng dấn sâu vào các tội ác tương tự, nhưng ở mức độ tàn bạo và trắng trợn hơn nhiều. Họ bắt bớ, giam giữ những người yêu nước rất tùy tiện, ngụy tạo tội danh, xúc phạm nhân phẩm, đánh đập, triệt mọi đường kiếm sống… gán cho họ những bản án quá nặng khiến công luận trong và ngoài nước rất bất bình. Trần Huỳnh Duy Thức, một trí thức luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước, chỉ muốn đóng góp các giải pháp để đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng tụt hậu, nhận bản án 15 năm tù. Blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già và 2 con nhỏ, đấu tranh một cách ôn hòa để bảo vệ môi trường và chống sự xâm lược của Trung Quốc, lãnh bản án 10 năm tù với tội danh „tuyên truyền chống nhà nước”. Chị Trần Thị Nga có 2 con nhỏ, người thường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành bảo vệ môi trường phản đối Công ty Formosa, nhận bản án 9 năm tù. Nguyễn Văn Đài, lần thứ hai bị bị bắt giữ vì „âm mưu lật đổ chính quyền”. Cấn Thị Thêu, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… Danh sách những người bị bắt giữ tùy tiện của chính quyền cộng sản Việt Nam cứ dài theo năm tháng cầm quyền của họ.
Chế độ độc tài cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ không tồn tại mãi mãi, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dân chủ. Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc bao dung, trọng nhân nghĩa, không thể không thanh toán món nợ cho những người con yêu nước, thương dân, nạn nhân của những vụ bắt giữ tùy tiện hiện nay của chế độ cộng sản.
Những người cộng sản hãy thức tỉnh. Hãy chấm dứt bắt giữ tùy tiện những người dân yêu nước, họ đã và đang chất vào gánh nợ mà các thế hệ mai sau của Việt Nam phải trả. Lịch sử sẽ ghi tội ác bắt giam tùy tiện những công dân yêu nước của họ vào một trong những trang đen tối nhất của dân tộc Việt Nam.
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN.