FB Le Dung

Đọc đi đọc lại, vẫn không rõ tác giả muốn nói đâu là súc vật: bố con tác giả hay đám anh Thăng, chị Tiến, anh Huệ… Nhưng “hai cha con trùm trong cái áo mưa to, một tay tôi quặt lại giữ sau lưng con, tay kia cho xe chạy. Chưa bao giờ tôi có cái cảm giác che chở và gần gũi đến mức như thế” thì người quá, chắc chắn không phải rồi.

Bauxite Việt Nam

Ngày anh Thăng còn tại vị Bộ Thông, mình hay nói với bạn bè rằng đại gia giao thông chưa là gì so với đại gia thuốc tây bởi đại gia thuốc tây có sự độc quyền gần như tuyệt đối. Về những điều làm được cho Bộ Thông của ảnh cũng chưa chắc đã hơn gì chị Tiến với Bộ Tế. Nhưng vì sao ảnh làm cái gì, báo chí bưng bê, tung hô cái đó còn chị Tiến chỉ há mồm ra thôi, nó xông vào nó tát cho lệch mặt?

Chị Tiến rất dở trong việc trưng dụng đại gia thuốc tây cho chiến dịch PR dù chị gần gũi lãnh đạo cao cấp hơn, nắm trong tay đội ngũ bác sĩ giỏi nhất chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân họ. Mà sức khỏe đó là vốn quý toàn dân, đường sá thì chỉ để đi lại, nên kể cả mức độ gần gũi, tối lửa tắt đèn chị cũng hơn hẳn.

Thế vì sao nên nỗi? Đó là do họ, báo chí ấy mà, yêu kính bác Hồ.

Mấy hôm thằng lớn sốt, mình theo thói quen đi mua efferalgan về để dự phòng và thật không thể tin nổi, một thứ thuốc phổ thông như thế, ở những hiệu thuốc lớn đều “đã hết hàng”. Họ đưa ra một loại khác, có cùng gốc và hàm lượng paracetamol tương đương. Sáng mình cho con qua Bạch Mai khám, bác sĩ vẫn kê đơn eff., nhà thuốc bệnh viện vẫn hết hàng song họ không đưa ra phương án thay thế, chỉ bảo ra ngoài mua, vì đã hết “visa” nhập. Tìm được cái hàng be bé còn 1 hộp, giá gấp 4 lần so với bình thường. Cô bán thuốc bảo nó hết “visa” 6 tháng nay rồi nên đắt. Đầu tăng từ 2,5 lên 6 ngàn, sau lên 10 ngàn, và bây giờ là 12 ngàn. Với thứ thuốc phổ thông đó, trong điều kiện thời tiết thất thường này, bạn có thể tính được “phương án thay thế” trên xác suất bệnh của 90 triệu dân thì sẽ thấy rõ “lợi nhuận” của các bên.

Một sự thâu tóm thị trường gần như rộng khắp, đến mức một viện lớn thuộc hàng nhất nước như Bạch Mai cũng “hết hàng”, mới thấy đáng sợ.

Nếu so thuốc chữa bệnh với rượu, chúng ta sẽ thấy cái cách họ “độc quyền” thị trường và cách họ đối xử với chúng ta không khác gì với súc vật, thậm chí tệ hơn, bởi thức ăn và thuốc cho gia súc còn có cạnh tranh và quyền trưng mua của người tiêu dùng. Rượu chỉ là thứ giải trí và uống nhiều có hại, thế nhưng bạn gần như có thể tìm thấy bất cứ loại rượu nào mà bạn muốn ở ngoài thị trường. Từ chai rượu vài chục ngàn đến chai rượu vài trăm triệu. Còn thuốc cho sức khỏe và sự sống của bạn thì không. Phải theo quyết định “của ai đó”, cấp “visa” cho loại thuốc đó, bác sĩ mới được dùng, mới được chỉ định, mới được kê toa. Và nhiều lúc sức khỏe của bạn lệ thuộc vào cô bán thuốc, khi họ gợi ý thứ “tương tự thay thế” với giá tương đương thay thế. Gặp người cẩn thận, bệnh nặng, hay hỏi bác sĩ còn đỡ, đa phần bệnh nhẹ và dễ tính, thường gật đại và nhét vào mồm.

Tôi biết “quyết định” phổ thông này không phải của chị Tiến mà của cấp nào đó trong bộ chị Tiến. Cái sai của chị là chị để họ giàu mà chị không giàu, chị để họ độc quyền trong khi đó là quyền của chị. Nhiều lúc giới này cũng giống xăng dầu. Đến Bộ Tài chính thời anh Huệ, ra tivi hoành tráng thế, rằng “tôi vì 90 triệu dân chứ không vì 10 doanh nghiệp”, “10 năm làm kiểm toán, tôi hiểu rõ lợi nhuận của xăng dầu”, nhưng tháng sau anh ra Quốc hội điều trần, xăng dầu nó đốt cho phải vặn mồm nói ngược lại như thường, lãi thành lỗ. Bởi “khi không gõ được cánh cửa Bộ Tài chính, thì họ gõ các cánh cửa khác cao hơn”.

Nhưng ở đời trong rủi có may, súc vật cũng có niềm vui súc vật. Đó là hôm qua, tôi đèo thằng nhỏ bằng xe máy giữa trời mưa to. Nó ngồi sau, hai bàn tay nhỏ bíu chặt lấy cái áo của tôi, chặt đến mức tôi còn cảm nhận được móng tay nó cấu vào hông tôi. Nó nghiêng đầu áp sát tai vào lưng tôi, cái đùi bé nhỏ của nó cặp vào mông tôi. Hai cha con trùm trong cái áo mưa to, một tay tôi quặt lại giữ sau lưng con, tay kia cho xe chạy. Chưa bao giờ tôi có cái cảm giác che chở và gần gũi đến mức như thế.

Lúc đó, tôi cảm nhận được một điều, khi phụ nữ mang bầu, họ phải làm như thế một cách liên tục trong 9 tháng trời. Vì thế, các cụ thống kê cấm sai, mất cha buồn 6 tháng, mất mẹ buồn 1 năm. Đúng ra nếu yêu thương con bằng nhau, mất mẹ phải thêm 3 tháng nữa.

Thôi. Dẫu có là súc vật thì tôi cũng đã có được gần 30 phút mang bầu.

Ơn đảng bác giữa ngày mưa tầm tã – Nghĩa nước tình dân năm tháng thuốc thay toa…

Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155397451927221

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.