Nhà nước kiến tạo

Hoàng Hạnh 

Đã kinh tế thị trường thì đừng định hướng xã hội chủ nghĩa, và ngược lại. Thói đời, chẳng “sáng nhà trên, đêm nhà dưới” được đâu.

Bauxite Việt Nam

 

Ngừng cấp vốn cho các dự án thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là một giải pháp kinh tế.

Không còn phương án khác

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội về tiến độ xử lí 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng, Bộ Công thương đã đưa ra thông điệp thẳng thắn và dứt khoát: Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Động thái này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của dư luận bởi mới chỉ 2 tháng trước, vướng mắc “đầu tiên là tiền đâu” để xử lí các dự án thua lỗ vẫn được cân nhắc trong các cuộc họp của ngành này.

Điều này càng có ý nghĩa khi chỉ 2 ngày sau lời phán quyết về 12 đại dự án ngành công thương, báo cáo về tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 gửi tới Quốc hội được truyền thông đăng tải rộng rãi. Bức tranh không mấy sáng sủa được phác thảo cụ thể: tính tới hết năm 2016, khối doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tổng tài sản hơn 3 triệu tỉ đồng, nợ hơn 1,5 triệu tỉ đồng và nộp ngân sách khoảng 250.000 tỉ đồng. Báo cáo thừa nhận: “Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra”.

Thêm vào đó, nợ công năm 2017 được dự báo có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỉ đồng (bằng 62,6% GDP). Về vấn đề này, một vị đại biểu Quốc hội nhận định: “Ngân sách trung ương nhiều năm không thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ, làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng nợ. Đến năm 2020 vẫn không khắc phục được nguồn trả nợ, vẫn phải trả bằng nguồn vay mới lên đến 232.000 tỉ đồng”.Dễ thấy, trong bối cảnh này, dù có muốn, Bộ Công thương cũng không dễ dàng gì thu xếp được vốn để đổ tiếp vào xử lí 12 dự án thua lỗ. Lựa chọn của Bộ Công thương không những hợp lí mà còn là… duy nhất.

Tất nhiên người ta vẫn có quyền hỏi ngược, dẫu không tiếp tục rót tiền nhưng rất khó thu hồi tương đối đầy đủ số tiền đã bị thua lỗ, thất thoát. Nếu không chứng minh được trong quá trình triển khai có tham ô, tham nhũng, cố tình quản lí lỏng lẻo… thì chẳng ai bị trừng phạt dù cả ngàn tỉ đồng của nhà nước sẽ không cánh mà bay. Trao đổi với Nhịp cầu Đầu tư, TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nhận định thông điệp nhà nước không cấp thêm vốn cho dự án thua lỗ mang nhiều tính chính trị hơn là kinh tế. “Lẽ ra, câu hỏi đặt ra phải là làm thế nào để xử lí tốt nhất, thu hồi được nhiều tiền nhất từ các dự án thua lỗ. Nghĩa là phải nghiên cứu cụ thể từng dự án, viễn cảnh thị trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, khả năng phục hồi và những hỗ trợ cần thiết tương ứng ra sao… Trên cơ sở đó, mới quyết định phương thức xử lí bởi thực tế có những trường hợp, dưới sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp phục hồi và có thể tiếp tục phát triển” – vị chuyên gia gợi ý.

Quan trọng hơn, qua những động thái và phát ngôn được ghi nhận, chưa nhìn thấy cách tiếp cận mới trong quản trị, điểm nghẽn khiến khối doanh nghiệp này chỉ muốn làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ triền miên. Thứ nhất, cây gậy trừng phạt được giáng xuống một tập thể chung gồm bộ máy lãnh đạo và công nhân viên chức đương thời trong khi không thể loại trừ khả năng họ chính là những người có công nhìn thẳng vào những thất bại thua lỗ và tìm cách hạn chế nó. Thứ hai, đối với một nền kinh tế thị trường lành mạnh thì động cơ tối đa hóa lợi nhuận luôn phải được đặt ra. Thông lệ này chưa cân nhắc đúng mức trong việc xử lí các dự án thua lỗ và ngay cả trong hoạt động. Kinh doanh trên nguồn vốn của nhà nước (tức là của nhân dân), chịu những quy định về bổ nhiệm và mức lương theo khung bậc của nhà nước, lợi ích của lãnh đạo doanh nghiệp không gắn liền với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dưới quyền. Khi mà công không được thưởng, tội không bị phạt, động lực duy nhất giúp người lãnh đạo làm tròn vai là lòng tự trọng và lòng yêu nước.Chỉ có điều lấy đạo đức làm cơ sở để điều hành kinh tế rất khó tương thích nếu không muốn nói là không thể. Cũng không ít ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra: Để tránh nhà nước phải dùng tiền thuế của dân để cứu các doanh nghiệp nhà nước, giải pháp căn cơ vẫn là nhà nước không can thiệp trực tiếp quá nhiều vào kinh tế nữa, đúng như với những gì đang diễn ra ở các nền kinh tế phát triển.

Những việc cần làm

Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng chứ không thể tạo cơ hội cho những cái gọi là “nhóm lợi ích” phát triển. Với bất kì kịch bản nào, tốt hay chưa tốt, nhà nước vẫn sẽ tiếp tục quản lí, điều hành nền kinh tế sau khi đã trao trả lại cho khối tư nhân những gì họ có thể tham gia kinh doanh.

Lời đáp kinh tế thị trường tưởng như tất yếu nhưng lại không dễ thực hiện.Khi đó, bài toán phân bổ nguồn lực phải được thực hiện hoàn toàn khác cách phân phối thiếu công bằng với doanh nghiệp tư nhân hiện tại. Hàng loạt tham số khác như lĩnh vực ngành, phạm vi và nguồn lực ưu tiên cần được đưa ra để điều chỉnh nguồn lực tới đúng địa chỉ, theo những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của nền kinh tế quốc gia. Nói như TS Lê Xuân Sang, phải tính toán trên mọi phương diện, có sự thảo luận rộng rãi chứ không phải những nhóm ngồi tính cho những lợi ích cục bộ của mình.

Kinh nghiệm của Singapore, nhà nước và thị trường tương tác bổ sung cho nhau để điều tiết quá trình phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất là một bài học cần tham khảo. Nói một cách giản dị, nhà nước có nguồn vốn là nguồn lực chính sách và tín dụng. Nhiệm vụ của hệ thống quản lí là làm sao để nguồn lực đó sinh lời nhiều nhất, theo từng thời kì phát triển.Tất nhiên dù có đường hướng như vậy, Việt Nam vẫn cần phải đi một chặng đường rất xa để đạt tới trình độ quản lí tương tự Singapore.Điều cần làm trước mắt, như khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế, là phải có chính sách thiết thực hơn, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng và giải quyết đầu ra cho hàng hóa.Mục tiêu trên có thể đạt được nếu có những hiệp hội nghề nghiệp như Small Business Administration của Mỹ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khâu xây dựng đề án đến khởi nghiệp, phát triển và trưởng thành. Ngoài ra, những tổ chức như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật, thu thập và xử lí thông tin về kinh tế các nước trên thế giới, nghiên cứu các nước đang phát triển…

Thêm nữa, phải cung cấp cho doanh nghiệp nguồn tín dụng với lãi suất hợp lí, tương đương hoặc không chênh lệch nhiều so với lãi suất ở các nước trong khu vực.Thiết nghĩ, đây sẽ không còn là nhiệm vụ khó khăn khi đã giảm quy mô, đồng nghĩa với giảm mức độ chiếm dụng nguồn lực tín dụng của khối doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/kinh-te/nha-nuoc-kien-tao-3321018/

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.