Đôi lời với các vị

Nguyễn Đình Cống

Bài BVN vừa đăng, ngay trong ngày ông Nguyễn Đình Cống đã gửi “đôi lời”, trao đổi về những điểm ông chưa nhất trí. Hẳn các vị Vũ Thư Hiên, Quang Minh, Tô Văn Trường cũng giống như BVN, thấy “đôi lời” ấy thực là quý hóa.

Bauxite Việt Nam

Ngày 14-11 Boxitvn đăng một số bài, đọc xong tôi cứ muốn trao đổi vài ý kiến. Hẹp là với các tác giả, rộng ra là với mọi người.

Bài 1- Một nén hương xa tiễn bác, của Vũ Thư Hiên.

Bài viết về bà Hoàng Thị Minh Hồ với những ngày sục sôi khí thế cách mạng năm 1945. Vũ tiên sinh viết: “Ngày ấy, người ta chỉ biết hi sinh cho một tương lai xán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào.

Hồi ấy tuy chưa đến 10 tuổi, nhưng tôi cũng đã biết rõ nhiều chuyện. Gia đình tôi cũng tương đối giàu có ở nông thôn và là cơ sở của Việt Minh. Bố tôi được cán bộ Việt Minh Nguyễn Văn Đồng (nay là trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) giác ngộ làm cách mạng. Đúng là hồi ấy toàn dân hân hoan, phấn khởi, sẵn sàng hi sinh cho một tương lai xán lạn. Nhưng viết rằng “Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào thì có lẽ hơi vội. Tôi có đủ bằng chứng để nói rằng: “Hồi ấy có một số người đã dự đoán được tương lai đen tối của dân tộc do cộng sản thống trị”. Đó là những trí thức như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và nhiều người khác (kể cả Huỳnh Thúc Kháng). Có thể họ không biết rõ về cải cách ruộng đất, về cải tạo tư sản, về nạn thuyền nhân… nhưng họ thấy được xã hội do cộng sản thống trị thì “cái ác sẽ luân hồi”. Lịch sử nhân loại đủ chứng cứ để chứng tỏ sự thống trị của vô sản chỉ đem lại tai họa. Đúng là hồi ấy một số đông chúng ta không biết chứ không phải mọi người đều không biết.

Xin kể câu chuyện. Hồi năm 1961, tôi đưa đồng hồ cho một anh ngồi ở vỉa hè phố Tràng Tiền – Hà Nội lau dầu. Biết tôi là cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Bách khoa, từng là bạn học với một người bạn của anh ở Điện Biên Phủ (trung úy Trịnh Xuân Kim), anh tâm sự: “Hồi Điện Biên Phủ, tớ là cán bộ trung đoàn, cấp trên của Kim. Sau Điện Biên Phủ tớ phục viên về, lo làm kinh doanh cá thể. Chữa đồng hồ chỉ thỉnh thoảng làm cho vui mà thôi”.

Tôi hỏi: Anh là cán bộ cao, sao không chuyển ngành để có một cương vị trong cơ quan nhà nước mà lại phục viên, làm kinh tế cá thể?

Anh nói: Ngay từ 1945, trong lúc bọn tớ hăng hái theo cách mạng thì ba tớ đã nhận xét là rồi đây Việt Minh chắc chắn sẽ dẫn dân tộc vào ngõ cụt vì họ theo đường lối cộng sản, sẽ đẩy dân tộc vào con đường đấu tranh tàn sát lẫn nhau chứ chẳng vinh quang gì. Gặp thời loạn, các con không thể ngồi nhà, phải xông pha cùng chúng bạn, muốn đi đâu cứ đi, muốn làm gì cứ làm, ba không thể cấm, ba chỉ dự báo. Xin chớ tin theo một chiều tuyên truyền của họ, vì tuyên truyền bao giờ cũng chỉ nói quá lên cái hay cái tốt. Hãy để tâm mà quan sát, mà nhận xét, mà suy nghĩ. Tớ đã nhận xét, suy nghĩ và quyết định dừng lại.

Bài 2- Chín câu ngụy biện điển hình của người Việt, của Quang Minh.

Tác giả cho rằng: “Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện. Nhận xét không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Hiện nay, trong lĩnh vực tư duy và lập luận, đúng là có nhiều người Việt hay ngụy biện. Đó là do họ đã kết hợp được nhược điểm của văn hóa dân tộc với thói xấu ngụy biện, dối trá của tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin (CNML). Trước đây (tháng 8-2015), tôi công bố bài viết “Chống ngụy biện và nhầm lẫn về CNML”, trong đó có mục “Một số ngụy biện của tuyên giáo công sản Việt Nam”. Như vậy, ngụy biện của một số đông dân Việt là có thật nhưng phải tìm thấy nguyên nhân sâu xa từ trong CNML, chớ vội quy kết oan cho dân tộc. Chỉ có hiện nay, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, người Việt mới quen với dối trá và ngụy biện chứ trước đây và sau này tuy cũng có nhưng không phổ biến như hiện nay.

Bải 3 – Quốc hội hãy làm sao để dân tin, của Tô Văn Trường.

Tô tiên sinh bàn về chuyện các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ. Các đại biểu phải có câu hỏi hay, sâu sắc, được lòng dân, phải truy vấn đến tận cùng một vấn đề. Tôi nhất trí với tác giả. Tôi chỉ muốn nêu một ý kiến nhỏ, may ra có thể bổ sung.

Đã vài lần tôi đưa ra sự phân biệt đảng và đảng viên, Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vấn đề Tô tiên sinh nêu ra là làm sao để dân tin”. Chủ ngữ của động từ “làm”, theo đầu đề là Quốc hội. Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng chủ ngữ nên là đại biểu. Cả một Quốc hội do đảng cử dân bầu, chủ yếu là bù nhìn thì chẳng làm được việc gì để dân tin. Muốn làm được gì thì ít nhất những người trong thường vụ phải thoát ra được khỏi sự khống chế của Bộ Chính trị, có được một sự độc lập nào đó xứng với danh hiệu cơ quan quyền lực cao nhất. Thực ra Tô tiên sinh cũng đã nhận ra điều này khi kết luận: “Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước”.

Tuy Quốc hội chủ yếu là bù nhìn nhưng run rủi thế nào lại lọt được vào một số đại biểu có lương tri, tương đối có năng lực và trách nhiệm. Nhân dân trông chờ vào những đại biểu như vậy.

N.Đ.C

(Tác giả gửi BVN)

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.