Chiều tối ngày 11/11/2017, khi đoàn xe của Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đi ngang qua Hồ Tây, nữ ca sĩ Mai Khôi có mặt tại đó liền giăng biểu ngữ “Piss on you Trump” lên để bày tỏ sự phản đối của mình. Theo tìm hiểu của tôi, Mai Khôi phản đối vì ông Trump bất nhất trong lời nói và hành động. Nhất là khi ông này đến Việt Nam nhưng không hề nhắc gì Dân chủ-Nhân quyền và số phận của blogger Mẹ Nấm-người mẹ của hai đứa bé nhỏ không được ông Trump lưu tâm.
Những tưởng việc làm của Mai Khôi sẽ được ủng hộ, nào ngờ nó lại dấy lên làn sóng chỉ trích, phản đối ca sĩ này.
Về phần mình, tôi ủng hộ Mai Khôi, không phải vì sau khi giăng biểu ngữ lên, cô ấy bị mật vụ Hà Nội gây khó dễ, chủ nhà đến áp lực ngay trong đêm. Mà đó là cách cô ấy thể hiện quyền của mình, kể cả Quyền đòi đái vào mặt Tổng thống Trump. Rất có thể sắp tới đây, Mai Khôi sẽ phải chuyển nhà do công an quấy rối.
Việc Tổng thống Donald Trump bị phản đối đã trở nên quen thuộc. Không phải chỉ ở nước Mỹ, mà ngay trên khắp thế giới; không phải chỉ người dân mà đến cả các chính trị gia, các nguyên thủ quốc gia cũng phản đối. Bạn tôi, một người đang sinh sống ở Hoa Kỳ sau khi theo dõi vụ Mai Khôi phản đối Trump liền bị cư dân mạng chỉ trích nói, chuyện đó phổ biến khắp ở Mỹ, đến độ chẳng ai thèm quan tâm. Chỉ có ở Việt Nam nên Mai Khôi mới bị chỉ trích.
Ngay tại Đại Hàn (South Korea) cách đây hơn 5 ngày, dù là đồng minh thân cận với Hoa Kỳ, nhưng khi Trump đến làn sóng phản đối ông này xảy ra ngay mỗi bước chân ông đi qua. Hoặc như ở Phi Luật Tân (Philippines), dù Tổng thống Trump chưa đến nhưng làn sóng phản đối đã diễn ra rầm rộ.
Một trong những câu hỏi mà những người chỉ trích đặt ra là, Trump đã làm gì tổn hại đến con người, quốc gia VN hay chưa mà Mai Khôi phản đối? Người đặt ra câu hỏi ấy cho thấy họ không biết gì về quyền biểu đạt, bày tỏ và do sinh sống quá lâu dưới chế độ độc tài nên không biết đến cả những quyền mà mình được hưởng. Điều này cũng như con chim bị nhốt trong lồng khi thấy những con khác được bay nhảy bên ngoài nghĩ đó là tồi bại vậy. Vì quyền bày tỏ, biểu thị không nhất thiết phải chờ tổn hại, ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ cần một điều hay một điều nào đó ở ông Trump mà Mai Khôi không thích, cô ấy đã có quyền bày tỏ bằng cách phản đối.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đòi đái “piss on” lên mặt Trump là xúc phạm nhân phẩm. Đó là cách hiểu ngớ ngẩn. Chẳng ai coi việc giương biểu ngữ với dòng chữ ấy để phản đối một chính trị gia là xúc phạm nhân phẩm cả. Mà đơn giản chỉ là cách để họ bày tỏ thái độ của mình thôi. Trên thế giới này hàng trăm ngàn người đã mang hình ảnh tổng thống Hoa Kỳ hay các nguyên thủ quốc gia khác ra để đạp lên, để tè lên, để ỉa lên và chỉ có kẻ ngốc mới coi đó là việc làm xúc phạm nhân phẩm.
Ông Trump là chính trị gia, là người của công chúng nên rất khác so với một công dân bình thường. Nếu là công dân bình thường, có khi hành động tè lên, đái lên hình sẽ bị coi là xúc phạm, nhưng với chính trị gia, người của công chúng thì không thế.
Trong số các ý kiến,có người đặt câu hỏi, sao không chịu giăng biểu ngữ đòi đái lên ông Trọng hay Tập Cận Bình hay Putin mà đòi đái lên Trump? Mình nghĩ, người đưa ra câu hỏi ấy phải làm điều đó chứ, vì khi đặt ra câu hỏi ấy từ trong ý niệm họ đã không thích ông Trọng, Tập và Putin rồi. Còn ở đây, Mai Khôi không thích Trump nên cô ấy bày tỏ. Còn quý vị ko thích Putin, không thích Tập Cận Bình sao ko giăng biểu ngữ để phản đối đi!?
Lại có ý kiến nói, phản đối, bày tỏ thì cứ mặc nhưng hãy dùng từ ngữ có văn hóa một chút. Mình nghĩ, bày tỏ phản đối là dùng từ làm sao cho nó “ấn tượng” gấy xúc động mạnh vào người nhìn vào nó. Phản đối khác với bày tỏ tình cảm.
Bi kịch của Mai Khôi là, cô ấy bày tỏ thái độ của mình như một người tự do hoặc với tư cách một người đòi tự do. Trong khi cái môi trường cô ấy đang sống là môi trường ngục tù, những cá thể sinh sống trong môi trường ấy coi việc cô bày tỏ là nhằm mục đích phục vụ cho bản thân. Như tôi đã nêu hình ảnh con chim trong lồng khi thấy những con chim bay bên ngoài thì cho đó là tồi bại.
__________