Hòa Ái, phóng viên RFA
Hình ảnh tượng trưng một người đang sử dụng mạng xã hội trên điện thoại di động. AFP
Theo Điều 43, khoản 4 trong Dự thảo Luật an ninh mạng của Việt Nam thì Google, Facebook, Youtube… phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý tại Việt Nam.
Dư luận đặc biệt quan tâm nếu như Dự thảo này được thông qua đến mức đẩy các tập đoàn công nghệ thông tin lớn rút khỏi Việt Nam thì viễn ảnh quốc gia sẽ thế nào?
70% dân số Việt Nam sử dụng
“Google như mọi người đều biết là một cỗ máy tìm kiếm thông tin khổng lồ. Sinh viên, Giáo sư và gần như tất cả mọi người đều cần tra cứu thông tin trên internet hết. Hay Facebook cũng vậy, đây là nơi để có thể trao đổi thông tin. Và ai cũng biết trong thời đại bây giờ thì thông tin là tiền bạc. Cho nên chúng ta mất đi cỗ máy tìm kiếm như vậy thì tôi nghĩ thiệt hại sẽ rất lớn”.
Cựu tù nhân lương tâm, Thạc sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung ngay tức khắc trả lời như vừa nêu, trước câu hỏi của RFA rằng Việt Nam sẽ bị thiệt hại gì trong trường hợp các tập đòan công nghệ truyền thông của nước ngoài được dân chúng sử dụng phổ biến không tuân thủ theo luật định và rời bỏ thị trường Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Google, Youtube và mạng xã hội Facebook lần lượt là 3 trang web được nhiều người truy cập nhất trên thế giới, kể từ tháng Chín năm 2016. Trong đó, có đến 64 triệu người đăng ký tài khoản Facebook tại Việt Nam, chiếm 3% trên tổng số 2 tỷ thành viên sử dụng mạng xã hội này, theo số liệu của tổ chức We Are Social tổng hợp tính đến cuối tháng 7 năm 2017. Tờ Thời báo Châu Á, hồi đầu tháng 10 vừa qua, trích dẫn thông tin từ ông Khôi Lê, người đứng đầu Cơ quan Tiếp thị Khách hàng của Việt Nam cho biết 92% số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thực hiện việc mua hàng trực tuyến và 51% trong số đó mua hàng qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone).
Có thể nói với tỉ lệ xấp xỉ 70% dân số Việt Nam là cư dân mạng, thì mọi sinh hoạt liên quan đến xã hội, giáo dục, kinh tế, giải trí… của dân chúng ở trong nước luôn gắn liền và đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội toàn cầu trong thế giới phẳng. Một ví dụ điển hình mới nhất cho thấy lợi ích kết nối cộng đồng nhanh chóng và hiệu quả mà dư luận quan tâm là một cư dân mạng tại Sài Gòn, dùng Facebook kêu gọi cứu giúp người hàng xóm của mình đang bị kẹt trong lũ ở tận huyện miền núi Nông Sơn, Quảng Nam vào thời thời điểm bão số 12 quét qua và lời kêu gọi gọi lan tỏa với kết quả được đăng tải trên mạng xã hội không lâu sau đó, kèm hình ảnh chính quyền địa phương đã đưa ghe đến cứu người vào nơi trú ẩn an toàn.
Mặc dù thừa nhận vai trò quan trọng của các tập đoàn công nghệ truyền thông nước ngoài trong đời sống hiện đại tại Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ Hà Nội từng yêu cầu Google và Facebook hợp tác can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà chính quyền cho là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác…
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế, những năm gần đây, liên tục lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Hà Nội đã có một bước lùi về nhân quyền do kiểm soát gắt gao quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt trên internet của người dân qua việc dùng các đạo luật mơ hồ như Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam để bắt bớ và bỏ tù hàng loạt công dân vì họ sử dụng mạng xã hội để phản biện hay thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin cụ thể về sự đồng ý hợp tác can thiệp theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa được Google và Facebook công bố chính thức cũng như hai tập đoàn công nghệ truyền thông khổng lồ này chưa lên tiếng gì liên quan điều kiện ràng buộc theo quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng, đang khiến cho hàng triệu người tại Việt Nam lo lắng.
Thụt lùi trong thời đại khoa học-công nghệ 4.0?
Biểu tượng facebook trên điện thoại di động. AFP
Trong một cuộc phỏng vấn video do RFA thực hiện tại thành phố Sài Gòn, một sinh viên đại học đáp câu hỏi của chúng tôi rằng nếu bỗng dưng không còn Facebook hay Google… ở Việt Nam thì sinh hoạt thường nhật của bạn bị ảnh hưởng:
“Nếu mà nó biến mất thì sẽ rất là bất tiện. Một ngày nào đó thức dậy mà vô trang Google tìm kiếm lại không thấy nó hiện diện nữa, thì muốn tìm kiếm một tài liệu nào đó để học tập sẽ cực kỳ khó khăn. Các nguồn đưa lên trên mạng sẽ không còn nữa và mình phải tự bỏ tiền ra mua sách hoặc là mua các bản photo mà không đảm bảo được chất lượng của những bản đó”.
Một bạn trẻ khác chia sẻ hệ thống thông tin làm việc gặp rất nhiều bất tiện:
“Theo mình nghĩ thì các tập đoàn lớn như MNC hiện tại trong Việt Nam thường xuyên trao đổi qua các kênh thông tin xã hội, chủ yếu là Gmail hay Outlook…Nếu Facebook với Google… rút khỏi Việt Nam thì sẽ gây tác động lớn đến công việc của người dân về trao đổi thông tin và giao tiếp”.
Số đông những người Đài RFA tiếp xúc khẳng định các kênh thường xuyên sử dụng nhất như Google hay Facebook không còn ở Việt Nam thì toàn bộ quy trình làm việc trong các công ty bắt buộc phải chuyển qua sử dụng các thông tin, database khác lại từ đầu rất phức tạp. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung còn nhấn mạnh:
“Đối với tôi là một kỹ sư công nghệ thông tin, tôi thấy giả sử như việc Facebook hay Google rút khỏi Việt Nam thì thiệt hại rất lớn. Bây giờ Chính phủ kêu gọi phát triển kinh tế tri thức, tức là dựa vào tri thức và thông tin mà nếu Chính phủ để các tập đoàn công nghệ lớn rút đi thì rất dở cũng như gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam”.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đức nêu lên quan điểm của ông trong một bài viết, đăng trên Báo mạng Dân Việt rằng Việt Nam phải đối mặt với sự tụt hậu nếu như thiếu đi Google và Facebook. Ông Lê Ngọc Sơn ghi rõ chúng không đơn thuần là các công cụ tìm kiến hay mạng xã hội mà còn là những hệ sinh thái công nghệ sử dụng trí thông tin nhân tạo (AI), là những tiến bộ vượt bậc trong sự phát triển công nghệ của loài người và trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên của cải cho xã hội.
Chúng tôi trình bày lại ý chính của tác giả Lê Ngọc Sơn vì Dân Việt đã gỡ bài viết xuống sau khi đăng tải.
Những ngày qua dư luận vẫn sôi nổi bàn thảo trên mạng xã hội và trên các fanpage của của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress…rằng có khả năng rất cao Google và Facebook sẽ rời đi nếu như Dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua với ràng buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
Không chỉ hàng trăm cư dân mạng hy vọng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú sẽ xem xét các điều kiện thông thoáng để các tập đoàn công nghệ thông tin như Google và Facebook tiếp tục hoạt động tại thị trường Việt Nam, mà cả Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc đồng lên tiếng quan ngại Luật An ninh mạng, nếu được thông qua với những điều khoản không phù hợp, thì không chỉ tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội và đầu tư nước ngoài mà còn vi phạm các cam kết đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)
H.A.