Việt Nam siết Google, Facebook còn nhằm mục đích… tiền!

Thiền Lâm

Cali Today

Vietnam – Cali Today News  – Ngay sau khi Bộ Công an tung ra Dự thảo Luật An ninh mạng với Điều 34 đòi tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đến lượt Bộ Tài chính tung ra dự thảo mới về luật quản lý thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Mục đích đầu tiên của Bộ Công an về quản lý an ninh chính trị đã bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt trong những ngày qua. Còn mục đích thứ hai vừa lộ ra: cơ quan được ví là “tay hòm chìa khóa” của Chính phủ và cũng của cả Bộ Chính trị Đảng đang tìm cách “ăn theo” Luật An ninh mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được.

Theo cách nhìn riêng của Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh – kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

clip_image002

     Ảnh: Dân Trí

Từ giữa năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông của ông Trương Minh Tuấn và Bô Công an đã nhiều lần họp bàn về biện pháp quản lý và chế tài các nhà mạng nước ngoài. Tuy nhiên sau một đợt “bắn tiếng” với Google, Facebook… nhưng chỉ nhận được kết quả quá ư khiêm tốn, các bộ này đã rút ra được bài học xương máu là làm gì thì làm cũng phải “tạo điều kiện” để các nhà mạng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hẳn đã có những cuộc họp liên bộ tài chính – công an – thông tin truyền thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm “không cho chúng nó thoát”.

Vào năm ngoái, Bộ Tài chính đã “mạnh dạn” đề xuất và sau đó tiến hành ngay chính sách thu thuế bán hàng qua mạng để “bù đắp khó khăn ngân sách”. Nhiều doanh nghiệp và cả cá nhân trước đó không phải đóng thuế khi quảng cáo hoặc PR bán hàng trên mạng xã hội, bắt đầu bị cơ quan thuế lẫn công an mạng “truy nã”.

Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ Tài chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.

“Một mũi tên bắn hai chim” có thể được hiểu là cái cách mà Bộ Công an và Bộ Tài chính muốn các nhà mạng nước ngoài phải “nghiêm túc tuân thủ luật pháp Việt Nam”.

Trong khi đó, tình hình ngân sách nhà nước đã trở nên bi đát.

10 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức cao mà không hề giảm đi, tỉ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2017 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 7% so với dự toán đầu năm – một tỉ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương”.

Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.

Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT, và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”

Nếu thành công trong việc đánh thuế các nhà mạng nước ngoài, ngân sách Việt Nam sẽ thu được một số tiền lớn để giúp chế độ tồn tại qua ngày. Nhưng lại chẳng có gì bảo đảm là một khi bị siết cả về quyền tự do ngôn luận lẫn túi tiền, các hãng Google, Facebook… sẽ còn muốn hoạt động tại thị trường Việt Nam hay là không.

Việc Google phải quyết định rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 do bị siết chặt chính trị là một bài học xứng đáng cho giới chóp bu và cơ quan thuế của Việt Nam.

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/viet-nam-siet-google-facebook-con-nham-muc-dich-tien.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.