Nguyễn Khắc Mai
Có phải là cách mạng không? Tôi cũng nghĩ như nhiều người rằng, nó chỉ là cuộc cướp quyền, cuộc đảo chính, hơn là một cuộc cách mạng, hiểu theo nghĩa chân chính của từ này…
Hôm nay 7/11/2017 không thể không bỏ chút thì giờ để ngẫm nghĩ đôi điều về cái sự kiện lịch sử đã xảy ra ở Nga 100 năm trước (7/11/1917-7/11/2017). Như Jonh Red, nhà báo đảng viên cộng sản Mỹ đã đặt tên cho phóng sự về sự kiện này: “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Quả nhiên thế giới đã rung chuyển không chỉ trong mười ngày, mà nó đã rung chuyển cả trăm năm qua. Tôi hình dung nó giống một cơn bão cuồng nộ quét qua nước Nga và nhiều nước khác trên thế giới trăm năm. Nói như một nhà hiền triết Hy Lạp xưa, những sự biến như thế vừa xuất hiện anh hùng mà cũng gây ra thảm cảnh cho hàng triệu sinh linh. Chỉ riêng mạng sống con người, biến cố này ít ra là đã làm cho hàng trăm triệu sinh linh ở nơi quê hương nước Nga của nó và ở những đất nước bị cuốn vào vùng xoáy của nó và chết thê thảm. Chỉ có tâm địa của ác quỷ mới ngợi ca nó. Vì thế tôi phải đóng ngoặc kép khi viết tên của nó. Có phải là cách mạng không? Tôi cũng nghĩ như nhiều người rằng, nó chỉ là cuộc cướp quyền, cuộc đảo chính, hơn là một cuộc cách mạng, hiểu theo nghĩa chân chính của từ này. Nếu ai đó muốn coi đó là cách mạng thì chỉ có thể hiểu theo cách hiểu cổ truyền của Trung Hoa nghĩa là cách cái mạng cũ, để thay bằng một cái mạng mới của môt dòng vua mới, vua cộng sản!
Còn nhớ cách đây cũng hơn hai mươi năm, nhân cái ngày này, ngồi ở Sài Gòn tôi đã viết cho tờ Tuổi trẻ một bài được họ đăng dịp kỷ niệm ngày này. Bài báo được đóng khung dưới tiêu đề Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôi lấy một câu nói của Mác để bình luận về “thất” bại của cuộc này không dám nói trắng ra, đành phải dùng phản nghĩa. Tôi trích một câu nổi tiếng của Mác mà đám tuyên huấn ít chiụ đọc, nên không biết “…nếu như giai cấp vô sản có lật đổ nền thống trị chính trị của giai cấp tư sản đi chăng nữa, thì thắng lợi của nó cũng sẽ chỉ là nhất thời, cũng sẽ chỉ là một yếu tố phụ của chính cuộc cách mạng tư sản chừng nào mà trong tiến trình lịch sử, trong sự vận động của lịch sử còn chưa tạo được những điều kiện vật chất tất …tất yếu”. (“Sự phê phán có tính dạy đạo đức”, M, A Toàn tập, Nxb CTQG, T4 trang 423) để phân tích và chứng minh sự thất bại của nó. Bấy giờ còn có ý kiến cho rằng “nó “đi lạc đường! Tôi đặt đầu đề để dễ đăng: “Các Mác bàn về thắng lợi của cách mạng”. Đúng nó cũng chỉ là nhất thời và là yếu tố phụ của cách mạng tư sản mà thôi. Một cái gá lắp lịch sử, tuy đúng quy trình, nhưng lại là quái thai. Vì sao thế, vì Đảng Cộng sản Nga và Liên Xô đã từng là bà đỡ lại kiêm luôn bà đẻ! Nước Nga rốt cuộc thì phải “perestroika-làm lại”. Làm lại không xong buộc phải quay lại. Bây giờ thì không thể “quay trái” như nhà thơ đã xui bậy, mà phải nghiêng sang hữu. Nước Tàu và Việt Nam từng đi theo Tháng Mười, nay đang ra sức thực hiện yếu tố phụ, làm chủ nghĩa tư bản một cách say mê, vì thế đã sống qua được cái chết tất yếu. Thế mà lại cứ vênh vang khoe mẽ.
Họ rêu rao “cách mạng Tháng Mười là lý tưởng cao đẹp”. Họ đâu biết từ cuối thế kỷ XIX cả Mác cả Ăng ghen đều coi nó là trò trẻ con ấu trĩ”. Chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ, nhưng đã vứt bỏ nó trong cuối đời (F.Ăng ghen, “Lời nói đầu” cuốn Những cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp).
Họ nói đây là cuộc cách mạng công nông đầu tiên trên thế giới. Họ đâu biết chính Các Mác từng dự báo số phận của giai cấp vô sản một khi cách mạng thắng lợi”. Chính quyền của giai cấp công nhân sẽ được thúc đẩy bằng chế độ ủy quyền. Người ta sẽ giao phó cho một nhóm người được bầu cử bởi chính mình, để đại diện và cai trị lại họ (CN). Ngay lập tức họ (CN) sẽ rơi tõm vào mọi sự lừa dối và lệ thuộc của một thứ chế độ ủy trị và tư sản. Sau một hồi ngắn ngủi được tự do và say sưa cách mạng, làm công dân của một kiểu nhà nước mới, chúng sẽ tỉnh giấc và thấy mình là nô lệ, là con rối và là con mồi của những tham vọng mới”. Kể ông Mác cũng giỏi, ông đã tiên đoán được những đồng chí hậu duệ của mình sau này sẽ lèo lái, bỉ ổi và xảo quyệt thế nào, và số phận của cái giai cấp mà ông từng gán cho cái sứ mệnh làm “phu đào huyệt”. Từ tên phu đào huyệt đến kẻ nô lệ, đó mới thật sự là thành quả đích thực của cái gọi là cách mạng vô sản Tháng Mười Nga, Tháng Mười Tàu, Tháng Tám ta, Tháng Giêng, Tháng Hai ở những xứ khác. Còn như có những kết quả kinh tế xã hội… gì đó, chẳng qua đều là bắt chước chủ nghĩa tư bản mà thôi.
Không có chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội nào cả. Đó là sự thật khi nghĩ về cái gọi là Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhân đây xin giới thiệu một nhận định của một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp khi tuyên bố bỏ Đảng: “Le communisme ne dans la misere, il vit dans le mensonge et meurt dáns la verite”- chủ nghĩa cộng sản sinh ra trong đói nghèo, sống được trong sự dối lừa và sẽ chết trong sự thật.
Có người công nhân nào ở Việt Nam ở Trung Hoa tin rằng mình là giai cấp lãnh đạo? Cuộc cách mạng công nông chỉ là một sự lừa dối thế kỷ.
N.K.M.
Tác giả gửi BVN.