Một cuộc tuần hành của công nhân trong những ngày đầu tiên của Cách mạng tháng Hai 1917, tại cố đô Petrograd, nay là St Petersburg. Ảnh: Wikipedia
Thói quen ngủ ít, làm việc khuya của tổng thống Pháp, cánh hữu Pháp còn ai tiếp tục là đối thủ của tổng thống Macron, hay nguy cơ độc chất trong thuốc trừ sâu Roundup khiến châu Âu bất an, lần lượt là chủ đề lớn trang nhất của L’Express, Le Point và L’Obs. Riêng Le Courrier International mời độc giả trở về với những hồi ức tuy đã xa xưa, từ chế độ nô lệ, đến chủ nghĩa thực dân, từ chủ nghĩa phát xít đến chủ nghĩa cộng sản… vẫn tiếp tục gây nhức nhối ở nhiều nơi trên thế giới. Trước hết xin giới thiệu bài nhận định của L’Obs «Sự thật về cuộc Cách mạng tháng 10 Nga».
Theo L’Obs, «cuộc lật đổ chính quyền» tháng 10/1917 của phe Bônsêvích (Bolshevik) đã được ca ngợi trong suốt thời Liên Xô như là «cuộc cách mạng vô sản quang vinh», trên thực tế là một cú đảo chính, dẫn đến sự ra đời của một trong những chế độ toàn trị lớn nhất của thế kỷ XX. Đúng một thế kỷ sau, «lịch sử» đang trở lại thách thức những thế lực đã nhấn chìm sự thật.
• Đọc thêm : Vì sao Nga muốn lãng quên cuộc Cách mạng 1917 ?
Matxcơva chắc chắn sẽ tổ chức dịp kỷ niệm tròn 100 năm biến cố này «một cách lặng lẽ». Bởi lẽ tổng thống Nga Putin không hề có thiện cảm với các cuộc nổi dậy, ngược lại rất hâm mộ nhà độc tài Stalin. Vì vậy, khó hình dung một cách tưởng niệm nào khác hơn là các cuộc tuần hành với «những ngọn nến leo lắt» của một vài đảng phái «anh em» với điện Kremlin.
L’Obs nhận xét không khí thờ ơ này thật là «đáng tiếc». Không phải tiếc cho một dịp tưởng niệm long trọng, mà là tiếc cho một cơ hội bị bỏ lỡ, bởi lẽ ra công chúng đã có dịp để hiểu rõ hơn về giai đoạn rối ren, trắng đen lẫn lộn, đầy uẩn khúc này.
L’Obs nhấn mạnh là trong số «hai cuộc cách mạng» tại Nga năm 1917, thực ra «chỉ có cuộc cách mạng đầu tiên là xứng đáng với tên gọi». Tháng Hai năm 1917 (tức tháng 3, theo Tây lịch), dân chúng thủ đô Petrograd – kiệt sức vì đói, chiến tranh triền miên – đã liên tục biểu tình trên đường phố, buộc Sa hoàng thoái vị, nhờ hậu thuẫn của binh sĩ.
Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Nga hoàng xứng đáng được gọi là «cách mạng», bởi đây là một phong trào quần chúng mang lý tưởng tự do, bác ái. Cuộc Cách mạng tháng Hai đã mở ra một thời kỳ biến động chính trị lớn, sau hàng thế kỷ độc tài. Chính quyền lâm thời, do phe Xã hội và những người theo quan điểm tự do lãnh đạo, đã ban hành nhiều chính sách được đánh giá là «tuyệt vời», như chấm dứt kiểm duyệt, tự do tôn giáo, phụ nữ có quyền bầu cử… Thế nhưng mặt trái của những thay đổi này là «bất ổn».
Chính phủ lâm thời, Duma và các Xô viết
Chính phủ lâm thời phải khẳng định được uy tín của mình trước hai thế lực cạnh tranh khác. Một bên là Duma, tức Hạ viện, chính thức được thành lập từ năm 1905 (sau cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất 1905), bao gồm «những người có địa vị, có tư tưởng tự do» và bên kia là các «Xô viết», tức các ủy ban đại biểu công nhân và quân nhân, trong đó Xô viết Petrograd là hùng mạnh nhất.
Trong hàng ngũ các Xô viết giai đoạn đầu này, đa số nằm trong tay một số nhóm cánh tả, đặc biệt là nhóm Mensêvich (Menshevik) (1), và phe Xã hội ôn hòa. Chủ trương của phe đa số trong các Xô viết lúc đó là «không thể tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, nếu không thiết lập được nền dân chủ».
Lực lượng Bônsêvich lúc đó chỉ là thiểu số. Lênin – lãnh tụ của phe này – trở về nước hồi tháng Tư. Lực lượng Bônsêvich cho dù rất chia rẽ, nhưng đoàn kết với nhau ở một điểm, là rút khỏi cuộc chiến với Đức. Đây là một lập trường thu hút mạnh mẽ quần chúng, đúng vào lúc quân đội Nga đang kiệt quệ và mất tinh thần.
Tháng 7/1917, chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Kerenski tổ chức một cuộc phản công cuối cùng chống Đức, nhưng thất bại. Phe Bônsêvich tranh thủ cơ hội nổi dậy tại thủ đô. Nổi dậy không thành. Lênin trốn sang Phần Lan.
Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Nga trở nên hết sức mong manh sau mưu toan lật đổ của tướng Kornilov, tư lệnh quân đội, tháng 9/1917. Để «bảo vệ cách mạng», chính phủ Kerenski kêu gọi toàn dân hậu thuẫn. Phe Bônsêvich được phép vũ trang trở lại. Lênin ngay lập tức về nước, chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đảo chính.
Đảo chính diễn ra mau lẹ trong hai ngày 24 và 25/10. Cung điện Mùa Đông, trụ sở của chính phủ lâm thời, bị chiếm. Theo lệnh của Lênin, tất cả các vị trí then chốt đều do phe Bônsêvich nắm giữ. «Cuộc thay đổi chính quyền diễn ra trong không khí gần như rất thờ ơ của dân chúng».
Những ngày sau đó, phe Bônsêvich kiểm soát các Xô viết, đóng cửa báo đối lập. Tháng 12, lực lượng an ninh đặc biệt Tcheka được thành lập, nhằm đặt toàn xã hội trong vòng kiểm soát.
Do đã hứa trước, Lênin vẫn cho tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến vào tháng 11. Kết quả không có gì ngạc nhiên khi phe Bônsêvich chỉ được 168 trên 709 ghế. Chính quyền mới cũng cho phép Quốc hội lập hiến được họp một lần duy nhất vào tháng Giêng năm 1918, rồi sau đó màn hạ.
Chính phủ Cách mạng tháng Hai bị coi là «ngụy»
Giai đoạn chính phủ cách mạng lâm thời Nga tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi từ tháng 2 đến tháng 10/1917, bị chính quyền Nga hiện nay cố gắng gạt khỏi lịch sử chính thức, như một thứ «ngụy triều ».
Một phân tích trên Vzgliad, một báo mạng thân Kremlin, được đặc san Le Courrier International tháng 9-10-11 đăng tải, nêu ra một quan sát: «Cho dù không có sự thống nhất về cách đánh giá các biến cố năm 1917, người ta có thể nói một cách hơi phóng đại rằng, hiện nay đa số mọi người vừa nuối tiếc việc Sa hoàng bị lật đổ đầu năm, nhưng cũng đồng thời hoan ngênh chiến thắng của phe Bônsêvich cuối năm… và điều này không có gì mâu thuẫn».
«Nước Nga không ra đời năm 1917» là tựa đề bài viết. Trang mạng thân chính quyền Putin đưa ra một giải thích mới, mà theo báo này đang ngày càng được dân chúng ủng hộ. Đó là «Lênin đã lật đổ chính kẻ lật đổ Sa hoàng».
Việc phe Bônsêvich chiếm quyền là để phản ứng lại việc lực lượng thân phương Tây (tức chính phủ cách mạng lâm thời) phá hủy Nhà nước Nga, và « chiến thắng của Bônsêvich là khả năng duy nhất khôi phục lại sự thống nhất quốc gia, cho dù với cái giá khủng khiếp. Viễn cảnh ngược lại không phải là sự thắng lợi của phe Bạch Vệ, mà là sự sụp đổ của Nhà nước Nga». Nối lại với truyền thống nghìn năm của nước Nga là mục tiêu của bài viết (bất kể những bế tắc không đường cứu vãn của chế độ Sa hoàng).
Phim về Sa hoàng bị lên án « phạm thượng »
Cuộc chính biến Bônsêvich tháng 10/1917 không phải là ưu tiên của Matxcơva, trong khi đó chính quyền rõ ràng đang dung túng các thế lực muốn khôi phục lại Sa hoàng. Một vụ việc có vẻ rầm rĩ nhất trong mùa thu năm nay là các phản ứng dữ dội nhân việc ra mắt bộ phim «Matilda» (của đạo diễn Alexei Outchitel) nói về mối tình của Sa hoàng Nicolas II với một ngôi sao vũ ba lê.
Phe bảo thủ nhất trong giáo hội Chính Thống Giáo Nga lên án một hành động «phạm thượng», bởi Nicolas II đã được Giáo hội phong thánh năm 2000. Xúc phạm đến Sa hoàng là xúc phạm Giáo hội và đất nước. Le Courrier International cho hay xưởng phim của đạo diễn bị tấn công bằng chai xăng, nhiều rạp chiếu bộ phim này bị phóng hỏa. Trong khi đó, cảnh sát tỏ ra rất thụ động.
«Giải pháp trung gian» cho những hồi ức gây chia rẽ
Những hồi ức đau đớn, tiếp tục gây chia rẽ khắp nơi trên thế giới là chủ đề chính của Le Courrier International: từ việc các bức tượng thời Nội chiến thế kỷ 19 của nước Mỹ vừa bị hạ bệ, gây bạo động, đến phong trào đòi bỏ tên đường phố, đối với những chính trị gia Pháp thế kỷ 17 từng cổ vũ cho chế độ nô lệ… Hủy bỏ những tên tuổi từng được tôn vinh, nay bị xã hội đương đại lên án, không hẳn đã là một giải pháp tốt.
Theo ông Karfa Diaollo – chủ tịch một hiệp hội về Hồi ức và Chia sẻ của thành phố Bordeaux, Pháp, nơi có nhiều đường phố mang tên những chính trị gia ủng hộ chế độ nô lệ – việc đặt lại tên đường phố đồng nghĩa với việc hủy bỏ ký ức. Hiệp hội nói trên của Bordeaux đề nghị một «giải pháp trung gian». Đó là giữ nguyên tên đường, nhưng bố trí các bảng chỉ dẫn, giải thích rõ về bối cảnh lịch sử (trích báo El Pais, Tây Ban Nha).
Về phần mình, một nghệ sĩ Mỹ (trích báo New York Times) cũng ủng hộ việc đưa các bức tượng tướng lãnh bảo vệ chế độ nô lệ ở Mỹ vào viện bảo tàng, thay vì đập nát, với nhận xét: «Đừng phá hủy bằng chứng về hiện trường nơi xảy ra tội ác».
Trại tập trung thời Stalin: Cần bảo tàng tầm cỡ thế giới
Đối với hồi ức về chế độ toàn trị Xô Viết, Le Courrier International có bài phỏng vấn dài với đạo diễn Alexandre Sokourov, với tựa đề «Cần một viện bảo tàng về Goulag (tức hệ thống trại tập trung thời Stalin) tầm cỡ thế giới». Đạo diễn Alexandre Sokourov nổi tiếng với bốn bộ phim về chủ nghĩa toàn trị thế kỷ XX («Moloch» về Hítler, «Taurus» về Lênin, «Mặt trời» về hoàng đế Nhật Hirohoto, và «Faust» [đọc lại câu chuyện về con người bán linh hồn cho quỷ dữ trong vở kịch thơ của Goethe]).
Trong số hàng nghìn trại tập trung trên khắp nước Nga, nơi 2 triệu con người bị đày đọa như trong địa ngục, chỉ duy nhất còn trại Perm-36, là được bảo tồn đầy đủ. Thành phố Perm, ở vùng Ural, tuy xa xôi, nhưng là một trung tâm văn hóa lớn của nước Nga.
Rời khỏi cuộc tham quan trại tập trung thời Stalin, đạo diễn Alexandre Soukourov vừa bàng hoàng, vừa thất vọng. Cũng giống như các bảo tàng về trại tập trung phát xít, hay về bom nguyên tử ở Nhật, theo Alexandre Soukourov, một bảo tàng xứng đáng tầm cỡ thế giới về trại tập trung thời Stalin «không nên chỉ là một cú sốc về cảm xúc, mà cả một cú sốc đối với nhận thức».
Bảo tàng cần xây dựng được một trục chính, cần giúp người xem hiểu được những gì đã dẫn đến địa điểm tội ác này, giúp họ hiểu về các phong trào ly khai, về các nạn nhân của đàn áp chính trị.
Cuộc phỏng vấn tản mạn về một loạt chủ đề, về Nhà nước, về Giáo hội, về giám đốc dàn nhạc giao hưởng Perm nổi tiếng, về các lãnh đạo địa phương thế hệ mới, có giáo dục hơn… Nhưng điều xuyên suốt qua câu chuyện là những suy ngẫm của nhà đạo diễn về những góc khuất của «tâm hồn Nga», «tính cách Nga», những thách thức vô cùng lớn đối với các lãnh đạo, đặc biệt trong khả năng đối thoại với những người khác quan điểm.
Pháp: Nếu cánh hữu tranh đứng đầu đối lập…
Trở lại với hồ sơ chính của các tuần báo. Le Point trăn trở tìm cách trả lời cho câu hỏi: «Làm thế nào mà cánh hữu (Pháp) có thể đối đầu được với một tổng thống theo quan điểm tự do?». Theo một lãnh đạo cánh hữu, nghị sĩ François Baroin, nếu các chính trị cánh này chỉ tìm cách tranh giành vị trí thủ lĩnh đối lập, với lãnh đạo cực tả Melenchon và lãnh đạo cực hữu Le Pen, thì tổng thống Macron chắc chắn sẽ còn tại vị thêm 10 năm.
Thói quen làm việc thâu đêm của nguyên thủ Pháp
Nhân vật chính của L’Express tuần này cũng là tổng thống Emmanuel Macron, với chủ đề thói quen làm việc thâu đêm nổi tiếng của ông. Các cộng sự của ông Macron đối chiếu các tin nhắn của vị nguyên thủ trẻ tuổi này, và rút ra kết luận : Tổng thống Pháp thường đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng và thức dậy vào 7 giờ. Phủ tổng thống thường sáng đèn quá nửa đêm. Sức làm việc ghê gớm của ông Macron hiển nhiên khiến các cộng sự thân cận vất vả chạy theo.
Theo người phát ngôn chính phủ, ông Christophe Castaner, một người thân cận với tổng thống, thì thức khuya dậy sớm là «biểu hiện của trách nhiệm». Đã là tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng thì không có quyền ngủ nhiều, cần chấp nhận một nguyên tắc là quí vị có thể nhận được một tin nhắn vào lúc một giờ khuya, và cần phải trả lời gấp hai giờ sau đó.
Tuy nhiên, về chủ đề này l’Express cũng giới thiệu ngay một ý kiến của giáo sư Damien Léger. Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Tổ chức nghiên cứu và y học về giấc ngủ Pháp nhận xét nếu tổng thống Pháp thuộc nhóm «ít ngủ do di truyền», chiếm khoảng 1% dân số, thì «đây là điều may mắn với ông ấy». Nhưng nhìn chung người Pháp thường ngủ «quá ít», do áp lực công việc, các chính trị gia nên khuyến khích họ dành nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ.
Cũng về Emmanuel Macron, L’Express giới thiệu cuốn sách mới «Triết gia và tổng thống» của François Dosse, với bài «(Nhà triết học) Paul Ricoeur, người soi đường cho chàng trai trẻ Macron». Trong thời gian tranh cử tổng thống, có nhiều đồn đại về việc Emmanuel Macron phóng đại mối quan hệ với triết gia để gây thanh thế.
Cuốn sách của François Dosse – người trực tiếp giới thiệu Macron đến làm trợ lý cho Paul Ricoeur – thuật lại mối quan hệ thân tình giữa triết gia và người cộng sự trẻ tuổi. Paul Ricoeur là tác giả cuốn «Ký ức, Lịch sử và sự quên lãng».
Thuốc trừ sâu Monsanto và nỗi ám ảnh quái thai
Về phần mình, L’Obs tiếp tục xoáy sâu vào bê bối thuốc trừ sâu Roundup có chứa glyphosat. Tuần báo thuật lại những áp lực rất lớn của tập đoàn hóa chất nông nghiệp Monsanto, buộc giới chính trị châu Âu lại một lần nữa phải trì hoãn xem xét quyết định gia hạn cho phép lưu hành loại hóa chất bị giới bảo vệ môi trường lên án là vô cùng độc hại. Monsanto được cả một mạng lưới 250 nghiệp đoàn nông nghiệp các nước châu Âu ủng hộ.
L’Obs giới thiệu cuốn sách mới về «các nạn nhân của glyphosat» của nhà báo Marie-Monique Robin (2). Theo tác giả, mức độ độc hại của glyphosat còn hơn cả chất a-mi-ăng trước đây. Hơn 3.000 nhà nông nước Mỹ – bị mắc ung thư hệ bạch huyết – đã khởi kiện Monsanto. Sách cũng giới thiệu điều tra của một chủ trại chăn nuôi ở Đan Mạch, cho thấy nhiều lợn nái được nuôi bằng đậu tương chứa glyphosat sinh con quái thai.
Pháp là một trong số vài nước ít ỏi tại châu Âu, đi đầu trong chủ trương loại bỏ glyphosat «dần dần». Các nước châu Âu nhìn chung còn rất lưỡng lự, do thiếu các bằng chứng được thống nhất thừa nhận. Quan điểm của chính phủ Pháp hiện nay là gia hạn thêm cho glyphosat một vài năm, trong thời gian chờ đợi tìm kiếm giải pháp thay thế. Theo nhà báo Marie-Monique Robin, đoạn tuyệt với glyphosat, có nghĩa là đoạn tuyệt với cách làm nông nghiệp thâm canh của nửa thế kỷ vừa qua.
—-
(1) Mensêvich, tiếng Nga có nghĩa là «thiểu số», để chỉ một bộ phận trong đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (POSDR), thành lập năm 1898, một đảng đấu tranh cách mạng theo quan điểm mácxít, chủ trương lật đổ chế độ Sa hoàng. Sau một lần bỏ phiếu, năm 1903, đảng POSDR tách thành hai nhóm, với hai chủ trương cách mạng khác nhau. Nhóm Mensêvich và nhóm Bônsêvich, tiếng Nga có nghĩa là «đa số», do Lênin lãnh đạo. Thiểu số hay đa số là nói về số lượng người tham gia cuộc bỏ phiếu nói trên. Nhóm Mensêvich chủ trương liên minh với tầng lớp tư sản tự do. Nhóm Bônsêvich chủ trương cách mạng triệt để, là tiền thân của đảng Cộng Sản Nga sau này.
(2) Nhà báo Marie-Monique Robin cũng là tác giả bộ phim tài liệu “Roundup đối mặt với các thẩm phán“ (Le Roundup face à ses juges), kênh truyền hình Arte, ngày 17/10/2017.
T.T.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20171007-100-nam-cach-mang-thang-10-chinh-quyen-nga-lan-tranh-lich-su