RFA
Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân đấu tranh đòi đất, nằm trong danh sách các dân biểu Úc yêu cầu Hà Nội trả tự do. Ảnh chụp tháng 11, 2016. AFP
Dân biểu Liên bang Úc, ông Chris Hayes, vào ngày 1 tháng 11 lên tiếng tham gia với dân biểu Tim Wilson về lá thư gửi cho Đại sứ Việt Nam tại Úc, ông Ngô Hướng Nam. Theo nội dung thư thì chỉ nội trong năm nay mà đã có đến hơn hai mươi nhà hoạt động bị bắt vì những tội danh rất mù mờ là âm mưu lật đổ nhà nước, hay tuyên truyền chống nhà nước.
Ông Chris Hayes kèm theo văn thư của ông với chữ ký của hơn 20 chính khách Úc thuộc các đảng phái chính trị khác nhau, đồng tình việc thúc giục Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Kêu gọi Hà Nội tôn trọng các cam kết đã ký theo Công Ước Quốc tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Các dân biểu và chính khách Úc đưa ra một danh sách gồm những người mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải trả tự do, đó là ông Nguyễn Văn Đài, ông Phạm Văn Trội, ông Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Trực, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Lê Đình Lượng, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, bà Cấn Thị Thêu, ông Hồ Đức Hòa, bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Nguyễn Văn Hóa, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và bà Trần Thị Thúy.
Trên trang web của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra chưa thấy có phản hồi gì về lá thư của hai dân biểu Chris Hayes và Tim Wilson.
Ông Chris Hayes cũng thông báo trên trang web của ông là ông nhận được thư trả lời của bà Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Julie Bishop, về trường hợp xin qui chế tị nạn chính trị tại Úc của cựu tù chính trị Trần Minh Nhật.
Bà Bishop nói rằng chính phủ Úc đang làm việc chặt chẽ với Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, nơi thụ lý nhiều hồ sơ xin tị nạn của người Việt Nam. Bà Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng Chính phủ Úc luôn đặt ưu tiên giúp đỡ những người bị đàn áp về nhân quyền, và không còn đường về quê hương xứ sở.
Bà nói rằng nếu ông Trần Minh Nhật có nguyện vọng tị nạn tại Úc thì ông sẽ làm đơn xin thị thực một khi qui chế tị nạn của ông được Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận.
Ông Trần Minh Nhật là một trong số 14 thanh niên Công giáo và Tin lành bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù vào năm 2012.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/australia-law-maker-urge-vietnam-11012017090932.html