Hơn một năm qua, từ khi tham gia việc xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao-Chuẩn hội nhập”, tôi có thêm những người bạn thuộc một thế giới khác: những người làm kiểm định chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Câu chuyện nói với nhau thường là những “bí số”: HACCP, BRC, ISO 12.000, GLOBALG.A.P… có phần khô khan, khó hiểu.
Sáng thứ Hai đầu tuần này, anh bạn Canada hẹn ăn sáng và tặng tôi món quà nhỏ. Đó là 3 trang giấy, nhẹ tênh. Anh ta làm ở một công ty kiểm định đa quốc gia, có chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh nói, có thể cơ quan anh sẽ đóng cửa chuyển đi, vì cứ gặp những chuyện nói một đàng, làm một nẻo, khó cho khách hàng và cho chính công ty anh quá. Anh chỉ văn bản, bình luận thẳng thắn: “Tôi làm ăn, không làm được nơi này tôi đi nơi khác, nhưng tôi thấy quá khó cho doanh nghiệp Việt. Tôi muốn chị nói giùm cho họ. Các công ty giấy đặt ở khắp nước, phải mang hàng về kiểm định độc quyền chỉ ở Đà Nẵng, phát sinh chi phí nặng nề, làm sao cạnh tranh? Giao cho đơn vị này độc quyền là đương nhiên tất cả tổ chức hợp pháp khác đi chỗ khác chơi. Kiểm định là khâu cuối, như một nút thắt quyết định đưa hàng ra thị trường, ép vậy, doanh nghiệp không chết mới lạ”.
Tôi đọc tờ “Quyết định về việc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp” mang số 4048/QĐ-BCT, mới ký ngày 14/10/2017, thứ trưởng Cao Quốc Hưng ký thay Bộ trưởng. Vậy là cơ quan quản lý đã gõ cái boong, thôi, từ nay, dịch vụ chứng nhận hợp quy sản phẩm giấy theo QCVN 9:2015/BCT, chỉ có một đơn vị ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH này là được cấp chứng nhận.
Mới cách đây một tuần, hôm công bố cho Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra Khải Silk, Bộ trưởng Trần Tuần Anh nhấn mạnh: “Nhà nước VN luôn bảo đảm quyền tư do kinh doanh của mọi doanh nghiệp theo đúng pháp luật”. Vậy ở đây, quyền tự do kinh doanh ở đâu khi những đơn vị kiểm định hợp pháp khác đương nhiên bị loại và doanh nghiệp phải chịu thêm một “điều kiện kinh doanh “ nữa, là đơn vị kiểm định độc quyền này?
Tôi đưa văn bản này hỏi 2 người bạn có chuyên môn liên quan: chuyên gia Phạm Chi Lan và anh Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, thì cả 2 đều bị bất ngờ vì đặc điểm “MỚI” của văn bản này. MỚI vì thực sự mới được ký và mới vì ra đời giữa lúc này, sai luật, ngược hoàn toàn chủ trương chính phủ đang ráo riết thúc đẩy gỡ bỏ các giấy phép con trói buộc doanh nghiệp. Và… lại là Đà Nẵng. Trong quyết định này có nhắc một cái tên, Đà Nẵng. Tôi tìm lại tư liệu cũ. Cách đây một năm rưỡi, ngày 15/3/2016, tại Đà Nẵng có diễn ra một cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với lãnh đạo Đà Nẵng. Ông Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Nguyễn văn Cần, tại cuộc họp có nói: hiện nay hàng Trung Quốc chui vào các khu công nghiệp, dán nhãn Việt Nam để được hưởng thuế quan, xuất ra thế giới. Khi chúng ta đánh mạnh hàng lậu, hàng giả ở các cảng Hải Phòng, Sài Gòn thì hàng chạy về Đà Nẵng. Trời, nếu hàng lậu, hàng giả bị đánh giạt về Đà Nẵng, có sẵn địa chỉ kiểm định độc quyền tại Đà Nẵng thì còn gì thuận lợi hơn? Cầu trời cho sự “trùng hợp lịch sử” này là sai.
Đọc quyết định này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Thời gian qua đúng là có tình trạng các bộ hay chỉ định độc quyền cơ sở chứng nhận hợp quy nên DN trong miền Nam phải chở sản phẩm hay thiết bị ra Bắc để chứng nhận hay ngược lại, tốn kém, giá cao, chất lượng dịch vụ dở. Chúng tôi đang phản ánh mạnh mẽ tình hình này, đợt này Tổ công tác của TTCP cũng gõ mạnh tình trạng này. Hiện nay nhiều bộ đã chuyển rất mạnh như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và cả Bộ Công Thương, họ đều hứa và đều có kế hoạch đảm bảo không độc quyền trong chứng nhận hợp quy”.
Đó là lời hứa của các Bộ.
Vậy sao còn ra đời cái “quyết định” này? Chỉ là một chuyện nhỏ? Chuyện nhỏ như con thỏ? Hay to như con bò? Chuyện rồi sẽ bị bỏ qua như một cơn gió? Hay gió sẽ góp thành bão? Vâng, hãy hình dung doanh nghiệp Việt giữa muôn trùng vây…
V.K.H.
Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10156006449696122