Hội Cờ đỏ, con bài nguy hiểm

Kính Hòa RFA

2017-10-30

clip_image002

Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017. Courtesy of FB Thanh niên Công giáo.

Ngày 30 tháng 10, 2017 hai linh mục ở Giáo phận Vinh đến làm việc với Ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thì bị những người tự xưng là Hội Cờ đỏ bao vây thóa mạ, đe dọa, hai ông phải trú trong Ủy ban để an toàn.

Chuyện gì đang xảy ra?

Có phải chính quyền đứng sau Hội Cờ đỏ

Đây không phải là lần đầu tiên Hội cờ đỏ này xuất hiện, vào tháng đầu tháng Chín năm 2017, một số thành viên của hội này đã đến một giáo xứ ở Đồng Nai, mang theo vũ khí, đe dọa các linh mục ở đây, với lý do là một linh mục ở đây lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý về những vấn đề xã hội trên trang Facebook của mình. Sau khi vụ việc được đem ra cơ quan công quyền, một thanh niên của nhóm này đã bị phạt 8 triệu 200 ngàn đồng, nhưng cơ quan công an từ chối trao văn bản kết quả điều tra cho những người bị đe dọa là các linh mục ở đây.

Đây là sự yếu kém của cái gọi là công tác đối thoại với dân… Chỉ đẩy tới chuyện dân nghi ngờ chính quyền, đẩy tới mâu thuẫn của các nhóm dân cư khác nhau.

– Ông Nguyễn Khắc Mai

Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, việc thành lập Hội Cờ đỏ là có tôn chỉ rất rõ ràng:

“Đầu tháng Năm năm 2017, khi mà Hội cựu chiến binh cũng như các hội khác, kêu gọi thành lập Hội Cờ đỏ, thì họ có một mục đích tôn chỉ rất rõ ràng, đó là lập nên để trấn áp người giáo dân biểu tình khiếu kiện Formosa và diệt giặc đạo. Khi họ nói diệt giặc đạo thì họ chỉ đích danh những người họ muốn giết, đó là Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Vinh, Linh mục Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, và Linh mục Nguyễn Đình Thục”.

Vào ngày 29 tháng 10, theo Facebook của một người có tên là Quỳnh Hoan, thì tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có cuộc gặp mặt của hơn một 1000 thành viên của các Hội Cờ đỏ ở Hà Nội, Nghệ An. Chúng tôi có liên lạc với bộ phận phụ trách thông tin của Huyện Quỳnh Lưu để hỏi về việc này nhưng không liên lạc được.

Chúng tôi cũng liên lạc với một thành viên của Hội Cờ đỏ Hà Nội là anh Nguyễn Quang Bách, thì anh này trả lời là không có chuyện đe dọa các linh mục, cũng như Hội Cờ đỏ có giấy phép thành lập của chính quyền. Qua liên lạc với cô Quỳnh Hoan, người được cho là đứng đầu Hội Cờ đỏ ở xã Sơn Hải, chúng tôi hỏi rằng những việc làm như đe dọa tính mạng và phá hoại tài sản người khác sẽ bị xem là tội phạm hay không? Cô Quỳnh Hoan không trả lời.

Theo Linh mục Đặng Hữu Nam thì sự thành lập của Hội Cờ đỏ là có sự tiếp tay của chính quyền, ông đưa ra bằng chứng là trong những vụ lộn xộn có thành viên của Hội Cờ đỏ tham gia, không thấy các nhân viên cảnh sát có hành động gì cả.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Cơ quan dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng tình quan điểm này:

“Có thể có sự chỉ đạo của một số nhóm cầm quyền nào đấy. Bên công an, bên tuyên giáo, hoặc các tổ chức đảng ra lệnh gì đấy, bật đèn xanh cho họ làm, làm rầm rộ lắm. Tôi thấy rất đáng lo vì có thể là chính quyền đang bật đèn xanh cho một trạng thái vô chính trị, vô chính phủ, bất chấp đạo lý và luật pháp”.

Chúng tôi có liên lạc với một số người làm công tác tuyên giáo của Đảng cộng sản nhưng không được.

Sự nguy hiểm của xung đột Lương – Giáo

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc người dân ở những giáo xứ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa làm hại, biểu tình đòi quyền lợi là việc làm chính đáng của họ, nhưng nếu chính quyền không thích và dùng những nhóm Cờ đỏ để đàn áp người dân, thì đó là một sai lầm:

Nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy có những xung đột lương giáo, và xung đột lương giáo này là do chính quyền gây nên.

– Linh mục Đặng Hữu Nam

“Đây là sự yếu kém của cái gọi là công tác đối thoại với dân, mà đảng cộng sản gọi là dân vận, nhưng có lẽ là hệ thống dân vận không đối thoại được với dân. Pháp luật cũng không làm gì đến nơi đến chốn về các vấn đề mâu thuẫn các mặt trong xã hội. Đây là thể hiện sự yếu kém của chính quyền hiện nay.

Chỉ đẩy tới chuyện dân nghi ngờ chính quyền, đẩy tới mâu thuẫn của các nhóm dân cư khác nhau”.

Trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều lần những nhóm người được tổ chức như Hội Cờ đỏ để tấn công những người đối lập, hay các tổ chức tôn giáo đã từng xảy ra, và thường được gọi là những nhóm quần chúng tự phát. Những việc này đã xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất, với những nhóm bần nông được tổ chức để đấu tố những người thuộc tầng lớp địa chủ, trung nông, hay trí thức. Những cuộc đấu tố này đã làm bùng nổ một cuộc nổi dậy cũng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống lại chính quyền cộng sản vào năm 1956.

Linh mục Đặng Hữu Nam bình luận:

“Nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy có những xung đột lương giáo, và xung đột lương giáo này là do chính quyền gây nên. Tất cả những vụ xung đột lương giáo dù ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới, đều để lại hậu quả vô cùng tàn khốc mà lịch sử rất khó làm cho vết thương lành miệng. Đó cũng là một điều rất tệ hại cho nhân loại”.

Trên vùng đất miền Trung từ Quảng Bình ra đến Nghệ An, đã từng xảy ra những vụ xung đột Lương – Giáo đẫm máu, tiếp theo chính sách cấm đạo và bức đạo Công giáo của các vua Minh Mạng, Tự Đức của triều đình nhà Nguyễn. Chính việc bức đạo này đã làm cho một số làng Công giáo ở vùng này theo thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam.

Ông Hoành Linh Đỗ Mậu, một cựu tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nay đã mất, viết trong hồi ký của ông rằng tại vùng quê Quảng Bình, vào những năm 1950 vẫn còn vô số những nấm mồ của nhiều người chết trong những xung đột Lương – Giáo đó.

Ông Nguyễn Khắc Mai rất lo ngại:

“Nếu bọn này không được ngăn chận, làm quá đà, ví dụ như gây ra đập phá, xúc phạm sự linh thiêng của tôn giáo thì chắc chắn giáo dân họ không thể yên lặng. Và như thế là rất nguy hiểm”.

Trên trang Facebook của cô Quỳnh Hoan, của Hội Cờ đỏ tại Nghệ An, người ta thấy những status mắng chửi các giám mục, linh mục tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi:

Mặc dù chúng tôi sống trên tinh thần ôn hòa, yêu thương tha thứ của người có đạo, nhưng chúng tôi cũng sẳn sàng sử dụng các luật pháp được phép để chúng tôi bảo vệ quyền lợi và mạng sống của mình.”

Ông nói rằng ông và các linh mục hiện nay đang kêu gọi giáo dân giữ bình tĩnh, tránh sự khiêu khích.

Sự kiện xuất hiện Hội Cờ đỏ làm cho Tiến sĩ Lê Tuấn Huy tại Sài Gòn nhớ lại thời điểm cách đây hơn hai năm, vào tháng Ba năm 2015, khi nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông tại Hà Nội, một nhóm thanh niên ăn mặc đồ đỏ, cầm cờ đỏ có sao vàng hay búa liềm đến, và suýt đã xảy ra xung đột với những người biểu tình. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Huy lúc đó viết rằng, những cái loạn của hiện tại đã định hình, cái loạn của tương lai cũng được dự báo: Trên đất nước này, một ngày kia, sẽ có cả những lực lượng cực hữu và cực tả đấu tranh hết sức gay gắt, thậm chí bằng chủ trương vũ lực.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/red-flag-dangerous-10302017134002.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.